ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng
Hoạt động quan trọng nhất trong Năm ASEAN 2020 là Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan đã thành công tốt đẹp, một lần nữa thể hiện nỗ lực chung của hiệp hội trong duy trì đoàn kết, thống nhất, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng, giữ vững đà hợp tác, vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Song song với đó, Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 tiếp tục ghi dấu ấn trên chặng đường 1/4 thế kỷ gia nhập “mái nhà chung” ASEAN thể hiện rõ là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy hình ảnh một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Năm 2020 đánh dấu ASEAN bước sang thập niên thứ 6 với một cộng đồng đã hình thành 5 năm, phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Những thành quả đáng trân quý ấy đã được "thử lửa" trong môi trường đầy biến động, với những thách thức chưa từng thấy, nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Chính trong khó khăn ấy lại càng sáng lên tinh thần của một ASEAN tự cường, nỗ lực hợp tác cùng nhau trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, vừa tiếp nối nỗ lực xây dựng cộng đồng. Quỹ Ứng phó dịch Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp, Trung tâm khu vực ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh, Khung phục hồi tổng thể cùng Kế hoạch triển khai... đã cho thấy những hành động mạnh mẽ mà các quốc gia thành viên triển khai ở cả cấp độ quốc gia và khu vực. Khó khăn không chùn bước, thách thức chẳng sờn lòng, dịch Covid-19 đã không thể cản trở tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hợp tác trên 3 trụ cột: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội vẫn được triển khai tích cực, đúng tiến độ qua kết quả đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Giữa lúc một số thể chế đa phương đang gặp nhiều khó khăn, thách thức thì năm nay, ASEAN tiếp tục định vị vững chắc vị trí là vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, nhận được sự tôn trọng và hợp tác của các cường quốc, các đối tác trên thế giới. Những cam kết đóng góp tài chính với các con số cụ thể dành cho các sáng kiến của ASEAN trong ứng phó, khắc phục tác động của dịch bệnh; những tuyên bố ủng hộ tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) hay lập trường nguyên tắc của ASEAN về đề cao thượng tôn pháp luật, tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế mà lãnh đạo nhiều nước đối tác đưa ra nhân dịp HNCC ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan chính là những minh chứng cụ thể. Vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN cũng ngày càng nâng cao khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Tổng thư ký ASEAN lần đầu tiên phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thể hiện hợp tác, cam kết và đóng góp của ASEAN với các nỗ lực của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong một thời điểm đầy khó khăn, Việt Nam đã phát huy đúng tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, dành ưu tiên cao đẩy mạnh đoàn kết, thống nhất, phối hợp hành động hiệu quả trong ASEAN, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác để nâng cao năng lực tự cường và khả năng ứng phó hữu hiệu của hiệp hội trước đại dịch Covid-19 cũng như những chuyển động mạnh mẽ, sâu sắc của môi trường địa chiến lược toàn cầu và khu vực. Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát của dịch Covid-19, Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN hay Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng chỉ là vài trong số nhiều đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước ASEAN và đối tác trong năm 2020 này. Cũng phải khẳng định năng lực chủ trì và điều hành của nước Chủ tịch Việt Nam năng động, tích cực, linh hoạt và sáng tạo khi HNCC ASEAN lần thứ 37 và các HNCC liên quan chứng kiến số lượng văn kiện nhiều nhất từ trước đến nay (hơn 80 văn kiện) được các nhà lãnh đạo thông qua, ghi nhận và công bố; Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á tiếp tục mở rộng thành viên lên 43 với sự tham gia mới nhất của Colombia, Nam Phi và Cuba; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết hay lần đầu tiên có tới 3 đợt HNCC trong năm của ASEAN (thay vì 2 đợt như thông lệ) và tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN.
Tình hình dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, môi trường địa chính trị, kinh tế khu vực còn nhiều biến động ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định. Thế nhưng, một ASEAN đã trải qua hơn 50 năm phát triển vắt qua hai thế kỷ có thử thách nào chưa vấp phải, có khó khăn nào chưa vượt qua! Những thách thức ấy chính là phép thử để ASEAN càng khẳng định bản lĩnh của một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng và đó sẽ là kim chỉ nam cho ASEAN tự tin trên bước đường tiếp theo. Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, thịnh vượng và tự cường, có vai trò, vị thế quốc tế cao là lợi ích chung của chúng ta. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên ASEAN đóng góp thực hiện thành công mục tiêu cao cả này.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/xa-luan/asean-gan-ket-va-chu-dong-thich-ung-643962