ASEAN: Kết nối và tự cường

Ngày 29-1, tại cố đô Luang Prabang, Bắc Lào, diễn ra Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AMM Retreat 2024), với chủ đề 'ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường'. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào, ông Saleumxay Kommasith chủ trì hội nghị. Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự hội nghị.

Tiếp thêm sức mạnh cho hợp tác khu vực

Tại hội nghị, các Bộ trưởng cam kết ủng hộ và phối hợp triển khai các ưu tiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với hai thành tố trung tâm là “tự cường” và “kết nối” năm 2024. Các bộ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục củng cố đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững đà xây dựng cộng đồng, tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới với định hình các Chiến lược hợp tác đến năm 2045; tin tưởng rằng các kết quả của năm 2024 sẽ tiếp thêm sức mạnh cho hợp tác khu vực, khẳng định uy tín, vị thế và vai trò của ASEAN.

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị AMM Retreat 2024. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị AMM Retreat 2024. Ảnh: TTXVN

Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề cùng quan tâm như Biển Đông, Myanmar, bán đảo Triều Tiên, xung đột Nga - Ukraine, Trung Đông, chia sẻ quan điểm, nỗ lực ứng phó các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Các bộ trưởng đã thảo luận thẳng thắn về tình hình Biển Đông, bày tỏ quan ngại về các hành động ở Biển Đông và nhắc lại lời kêu gọi tự kiềm chế để tránh căng thẳng leo thang. Các Bộ trưởng nhấn mạnh mong muốn xây dựng Biển Đông hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Hội nghị nhất trí tiếp tục hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng thông qua thúc đẩy triển khai Đồng thuận 5 điểm và các quyết định của lãnh đạo cấp cao ASEAN về kiểm điểm và thực hiện Đồng thuận 5 điểm, tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar.

Cam kết của Việt Nam

Theo TTXVN, tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao các ưu tiên do Lào đề xuất rất phù hợp bối cảnh hiện tại của khu vực. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN.

Tiếp nối thành quả đã đạt được trong tiến trình xây dựng cộng đồng, Bộ trưởng đề nghị các trụ cột khẩn trương kiểm điểm các kế hoạch tổng thể 2025 nhằm rút ra các bài học kinh nghiệm và thực tiễn tốt phục vụ quá trình triển khai các chiến lược hợp tác đến năm 2045. Bộ trưởng nhấn mạnh với khung thời gian 20 năm, các chiến lược hợp tác đến năm 2045 cần có cách tiếp cận bao trùm, toàn diện và sáng tạo, với các cơ chế theo dõi, đánh giá, cập nhật định kỳ để bảo đảm đáp ứng các ưu tiên, nhu cầu của ASEAN trong mọi hoàn cảnh.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mời các nước tham gia Diễn đàn Tương lai ASEAN về phát triển nhanh và bền vững, lấy người dân làm trung tâm, do Việt Nam đăng cai tổ chức. Đây là sáng kiến của Việt Nam tạo diễn đàn trao đổi sâu rộng, đa chiều giữa các quan chức, chuyên gia, học giả và các nhóm, giới khác về các ý tưởng và khuyến nghị chính sách mang tính đột phá, sáng tạo cho sự phát triển, liên kết và hợp tác của ASEAN, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và các nước thảo luận các vấn đề cùng quan tâm, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông... Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia và đóng góp cho thành công của những sự kiện quan trọng sắp tới của ASEAN.

Kết thúc hội nghị, Lào, Chủ tịch ASEAN 2024, đã ra Thông cáo báo chí phản ánh toàn diện các nội dung được trao đổi tại hội nghị.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/asean-ket-noi-va-tu-cuong-post724887.html