ASEAN là thành tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thời gian gần đây tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành công của khối. Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nền kinh tế ASEAN tăng trưởng mạnh mẽ đã trở thành thành tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và EU tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Các nhà lãnh đạo ASEAN và EU tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - EU tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP

Thông điệp quan trọng

Đánh giá ASEAN vẫn đang là một thành tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu là một trong những thông điệp quan trọng được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 26 vừa được tổ chức tại thành phố Incheon của Hàn Quốc vào đầu tuần này. ASEAN+3 gồm các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tổng thể kết quả chung của hội nghị này, các Bộ trưởng và Thống đốc của các nước ASEAN+3 đã nhất trí tăng cường hợp tác tài chính khu vực.

Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani, ASEAN+3 tăng cường hợp tác tài chính được thực hiện thông qua các sáng kiến như định hướng tương lai cho các Thỏa thuận tài chính khu vực (RFA), Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cũng như Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á (ABMI). Các bên đã nhất trí hợp tác tài chính thông qua Sáng kiến Tương lai ASEAN+3 bao gồm tài trợ cơ sở hạ tầng tài chính, nghiên cứu các cơ sở phi tài chính, và nghiên cứu về chiến lược số hóa tài chính, tài chính bền vững, nợ, và các giao dịch nội tệ.

Bà Sri Mulyani khẳng định, tăng trưởng kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực đã đạt được nhiều bước chuyển biến tích cực trong tiến trình khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế ASEAN+3 khá mạnh mẽ với 3,2%, bất chấp mọi ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 và từ sự leo thang bất ổn an ninh thế giới.

Các báo cáo được công bố cũng cho thấy dự báo, nền kinh tế ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2023 nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh thông qua quá trình phục hồi toàn diện của từng quốc gia. Từ đó, tăng trưởng kinh tế ASEAN trên thực tế là một thành tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những thách thức từ sự bất ổn liên quan tới một số ngân hàng tại Mỹ và châu Âu sụp đổ thời gian qua, các quan chức tài chính hàng đầu của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhất trí về sự cần thiết phải cảnh giác với những khó khăn, bất chấp việc các tác động lan tỏa trực tiếp tới nay vẫn còn hạn chế.

Một trong những “điểm nhấn” quan trọng trong hội nghị vừa qua là việc các bên ghi nhận tiến độ hợp tác về hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong khu vực ASEAN+3. Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo, một trong những trọng tâm cần được nhấn mạnh trong thời gian tới là tầm quan trọng của việc củng cố và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong kết nối thanh toán bằng giải pháp thúc đẩy sử dụng rộng rãi đồng nội tệ trong các giao dịch.

Trọng tâm chiến lược của EU

ASEAN nhiều năm qua luôn khẳng định vị thế là tổ chức khu vực thành công nhất thế giới. Điều này tiếp tục được chứng minh với sức tăng trưởng đáng ghi nhận trong bối cảnh liên tiếp xảy ra nhiều thách thức toàn cầu trong 4 năm qua. Việc nhiều cường quốc, tổ chức quốc tế chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang khu vực Đông Nam Á minh chứng cho vị thế và tầm quan trọng của khu vực.

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 26 tại thành phố Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: Joongboo

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 26 tại thành phố Incheon, Hàn Quốc. Ảnh: Joongboo

Trong xu hướng đó, Liên minh châu Âu (EU) đang tiếp tục đẩy mạnh trọng tâm chính sách ngoại giao ở châu Á, đặc biệt tăng lên rõ rệt trong nhiều tuần gần đây. Đáng chú ý trong đó, EU đã tìm kiếm các đối tác an ninh và thương mại đặc biệt ở khu vực có nhiều sức sống mới là Đông Nam Á.

Theo cựu Đại sứ Đức tại Anh Thomas Matussek, trọng tâm chính sách của EU là xây dựng mối quan hệ lâu dài với các quốc gia chiến lược ở Đông Nam Á để tăng cường hợp tác chính trị và an ninh. Ông Matussek nhận định, trong thập kỷ tới, tầm quan trọng của ASEAN sẽ tiếp tục tăng lên với mức tăng trưởng dự kiến hàng năm là 4-5%. Điều này giúp Đông Nam Á trở thành khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, trái ngược hoàn toàn với tốc độ tăng trưởng của châu Âu.

Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ và bên cạnh EU Nguyễn Văn Thảo cho hay, trên thực tế, ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU và EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN. Hai bên có sự bổ trợ lẫn nhau về các mặt hàng xuất khẩu chính, đồng thời có nhu cầu và chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh và xung đột hiện nay. Cùng với đó, EU cũng là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 vào ASEAN với hơn 380 tỷ Euro đến năm 2021.

Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhìn nhận, ASEAN và EU là đối tác tự nhiên, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Hai bên cần nỗ lực thúc đẩy từ cả hai phía, tăng cường đối thoại để thu hẹp khoảng cách, tăng cường hiểu biết và tôn trọng văn hóa của nhau. Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - EU.

Theo giới quan sát chính trị quốc tế, EU có những đối tác thương mại lớn ở Đông Nam Á, nhưng quan trọng nhất là tiềm năng cho các mối quan hệ này rất lớn, dựa trên những lợi ích chung về an ninh hàng hải, phục hồi kinh tế và chuyển đổi xanh. Các nhà ngoại giao EU cũng bắt đầu nhận ra nhu cầu cấp bách về chính trị, an ninh và kinh tế để tăng cường kết nối với các thành viên ASEAN. Các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và Singapore đã có hiệu lực, trong khi các cuộc đàm phán với Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng đang tiếp tục được thúc đẩy.

Tháng 12/2022 ghi dấu mốc lịch sử khi ASEAN và EU kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm quan hệ đối tác chiến lược. Với mối quan hệ hữu hảo, nhiều dự báo cho thấy, có khả năng một hội đồng nghị viện gồm các nghị sĩ từ ASEAN và EU được thành lập để tăng cường mạnh mẽ mối quan hệ. Giới chuyên gia khẳng định, ASEAN có vai trò là một thành phần quan trọng trong chiến lược của EU. Dễ thấy trước mắt là tầm quan trọng to lớn của ASEAN đối với EU trong lĩnh vực quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-la-thanh-to-quan-trong-cho-tang-truong-kinh-te-toan-cau-post460996.html