ASEAN: Mảnh đất 'màu mỡ' của các doanh nghiệp châu Âu

Những thuộc tính của ASEAN như lực lượng lao động trẻ và am hiểu công nghệ, tầng lớp trung lưu phát triển, tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí địa lý khiến khu vực này hấp dẫn dòng vốn FDI.

Người dân di chuyển trên đường phố tại Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Người dân di chuyển trên đường phố tại Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong bài viết trên báo The Straits Times, Giám đốc điều hành Hội đồng doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU)–Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp châu Âu ở khu vực Đông Nam Á, ông Chris Humphrey đánh giá Đông Nam Á là khu vực hấp dẫn để các công ty châu Âu làm ăn kinh doanh và Singapore tiếp tục là trung tâm trong sự lựa chọn của họ.

Ông cho rằng những thuộc tính của ASEAN như lực lượng lao động trẻ và am hiểu công nghệ, tầng lớp trung lưu đang phát triển, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và vị trí địa lý khiến khu vực trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo một báo cáo gần đây, dòng vốn FDI vào ASEAN đã tăng 42% trong năm 2021 lên 174 tỷ USD. Báo cáo cũng lưu ý rằng đây là khu vực nhận FDI lớn thứ hai sau Trung Quốc trong năm 2021. Tỷ trọng của ASEAN trong tiếp nhận dòng vốn FDI toàn cầu đang tăng lên – từ mức trung bình 7% của giai đoạn 2011-2017 lên 11% trong giai đoạn 2018-2019 và tăng lên 12% giai đoạn 2020-2021.

Ông Humphrey nhận xét ASEAN giờ đây đã trở nên thậm chí còn hấp dẫn hơn với tư cách là điểm đến đầu tư. Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào các khu vực còn lại của thế giới, bạn sẽ thấy những căng thẳng địa chính trị… Tốc độ tăng trưởng của châu Âu đang ở mức gần bằng 0 hoặc âm, Mỹ cũng rất giống như vậy. Châu Phi gần như không phát triển bằng Đông Nam Á. Nam Mỹ thì quá xa”.

Nhà lãnh đạo này cho biết các doanh nghiệp châu Âu sử dụng Singapore làm cơ sở để mở rộng ra khu vực. Cơ quan phát triển kinh tế Singapore lưu ý rằng 46% trụ sở khu vực châu Á của các công ty được đặt tại Singapore, hoạt động trong một loạt ngành nghề.

Công ty tư vấn kinh doanh Pháp Capgemini là một trong những công ty châu Âu chuyển đến Singapore, trong khi nền tảng giao hàng thực phẩm và tạp hóa Foodpanda thuộc sở hữu của tập đoàn giao hàng của Đức Delivery Hero đã thiết lập trụ sở ở Singapore hồi tháng 7 vừa qua sau một thập kỷ bắt đầu hoạt động ở đây.

Ông Jakob Sebastian Angele, Giám đốc điều hành Foodpanda châu Á, cho biết Singapore là cơ sở để mở rộng thị trường của công ty và là nơi thử nghiệm các tính năng và cải tiến mới, như Pandamart – mạng lưới các cửa hàng chỉ giao hàng và Pandago – dịch vụ giao hàng theo yêu cầu. Foodpanda cũng hoạt động ở Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan.

Singapore là trung tâm khu vực của công ty tiếp thị và lọc dầu Neste (Phần Lan). Công ty này đang tăng công suất tại nhà máy lọc dầu ở Singapore và dự kiến sẽ nâng công suất dầu có thể tái tạo lên 2,6 triệu tấn/năm vào cuối quý I/2023. Công ty cũng sẽ đưa vào các khả năng bổ sung, cho phép cơ sở ở Singapore xử lý chất thải và nguyên liệu thô còn lại.

Ông Angele của Foodpanda lưu ý rằng các công ty lấy Singapore làm cơ sở vẫn cần áp dụng cách tiếp cận siêu bản địa hóa để đầu tư vào khu vực. ASEAN là một thị trường đa dạng và mỗi quốc gia đang trong giai đoạn phát triển khác nhau. Có những nền kinh tế phát triển cao như Singapore và Malaysia và những nền kinh tế kém phát triển hơn như Lào, Myanmar và Campuchia. Ông Angele cho rằng sự đa dạng hóa này đồng nghĩa với việc các công ty sẽ phải điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ của mình để duy trì tính cạnh tranh.

Đồng quan điểm này, Giám đốc điều hành Humphrey bổ sung rằng sự đa dạng của ASEAN đem lại nhiều cơ hội vì các công ty có thể lựa chọn sản xuất các loại sản phẩm khác nhau ở các nước khác nhau, tùy thuộc vào việc quốc gia nào có nhân tài và kỹ năng phù hợp.

Điều này cho phép các công ty sản xuất các sản phẩm giá trị thấp hơn ở nơi rẻ hơn và sản phẩm giá trị cao hơn ở nơi phát triển hơn, nơi mà người dân có những kỹ năng phù hợp.

Ông Humphrey lưu ý rằng sự hội nhập kinh tế khu vực đầy đủ trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ đồng nghĩa với việc hàng hóa và dịch vụ có thể di chuyển tự do trên khắp khu vực. Điều đó cũng cho phép đạt được hiệu quả kinh tế tốt hơn trong khu vực.

Liên minh châu Âu đã ký các hiệp định thương mại tự do với Singapore vào tháng 11/2019 và với Việt Nam vào tháng 8/2020. Những thỏa thuận tương tự với các nền kinh tế ASEAN khác cũng đang diễn ra, và các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại ASEAN-EU sẽ được nối lại sau khi bị đình chỉ vào tháng 3/2009.

Ông Humphrey cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để hạ bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại. Các hàng rào phi thuế quan bao gồm hạn ngạch nhập khẩu hạn chế số lượng hàng hóa có thể nhập vào một quốc gia, và việc áp đặt những đòi hỏi về tỷ lệ nội địa hóa, quy định giá trị cuối cùng của một hàng hóa hay dịch vụ phải có tỷ lệ nhất định của các công ty bản địa.

Ông Humphrey nhận xét đó là động thái bảo hộ rõ ràng của một số quốc gia. Và một số nước bảo hộ nặng nhất là Thái Lan và Indonesia./.

Nguyễn Thúy (P/v TTXVN tại Singapore)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/asean-manh-dat-mau-mo-cua-cac-doanh-nghiep-chau-au/268978.html