ASEAN - Mỹ: Kỷ nguyên mới thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng cường an ninh của khu vực
Việc ASEAN và Mỹ quyết định nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện đang mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai bên, góp phần và thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng cường an ninh của khu vực.
Lợi ích của việc nâng cấp quan hệ ASEAN - Mỹ
Tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ lần thứ 10 diễn ra ở Campuchia, các lãnh đạo ASEAN và Mỹ đã nhất trí nâng cấp quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện. Tuyên bố của lãnh đạo ASEAN - Mỹ nêu rõ: “Việc hai bên nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện phản ánh tham vọng của Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 9 và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ 2022, đồng thời mở ra những lĩnh vực hợp tác mới có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của 1 tỷ dân của hai bên”.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Ông Joe Biden khẳng định: “ASEAN là trái tim của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ của tôi” và quan hệ Mỹ - ASEAN “đã tiến thêm một bước mới, bắt đầu kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa các bên bằng cách khởi đầu quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - ASEAN”. Ông Joe Biden nhấn mạnh khuôn khổ đối tác vừa được nâng cấp là bước đi “nhằm giải quyết các vấn đề lớn nhất của thời đại chúng ta”, giúp xây dựng “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, ổn định, thịnh vượng, an ninh và bền vững”.
Quan hệ đối thoại Mỹ - ASEAN chính thức được thiết lập vào năm 1977. 45 năm qua, mối quan hệ giữa hai bên diễn ra với nhiều dấu mốc quan trọng. Năm 2005, hai bên thiết lập quan hệ đối tác tăng cường. Tháng 7-2009, Mỹ tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); đề xuất và tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và 4 nước hạ nguồn sông Mê Kông (CLTV) lần đầu. Mỹ là một trong những nước đối thoại đầu tiên chính thức lập phái đoàn Mỹ tại ASEAN, cử Đại sứ Mỹ thường trú bên cạnh ASEAN vào năm 2010.
Quan hệ Mỹ - ASEAN được thúc đẩy qua nhiều cơ chế, trong đó khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Mỹ - ASEAN được thể chế hóa bằng các cuộc họp hàng năm, kể từ năm 2013. Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN ở Bali (Indonesia), hai bên đã thông qua “Kế hoạch hành động cho giai đoạn mới 2011 - 2015” nhằm triển khai quan hệ đối tác tăng cường vì “Hòa bình, bền vững và thịnh vượng”. Tuy nhiên, phải đến tháng 11-2015, tại Hội nghị cấp cao lần thứ 3 ở Kuala Lumpur (Malaysia), Mỹ và ASEAN mới nâng cấp quan hệ song phương thành quan hệ đối tác chiến lược và thông qua “Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016 - 2020”, triển khai đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN.
Việc Mỹ nâng cấp mối quan hệ với ASEAN lên khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện nhằm mục tiêu gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và ASEAN cả về kinh tế lẫn an ninh khu vực, vì những lợi ích chung của Mỹ và các nước ASEAN trong việc bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có vị trí địa - chính trị chiến lược này. Mỹ cũng muốn tạo dựng và đưa ASEAN trở thành một trung tâm kinh tế ngày càng gắn kết với Mỹ, qua đó giành lại ưu thế đang nghiêng về Trung Quốc trong những năm qua.
Với ASEAN, Hiệp hội cũng có những lợi ích cơ bản trong việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ giúp ASEAN có thêm cơ hội thể hiện vai trò của mình trong giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, từ nhu cầu phát triển, thúc đẩy kinh tế đến đối phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh biển… Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ở khu vực diễn ra ngày càng gay gắt, ASEAN cần có mối quan hệ chặt chẽ, đồng thời với cả Mỹ và Trung Quốc, để duy trì được vị trí trung tâm và vai trò tiên phong trong cơ cấu an ninh khu vực, tránh để khu vực bùng phát xung đột hay “quân sự hóa”.
Bước đi cụ thể hóa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ
Dựa trên khung quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ và ASEAN sẽ thể chế hóa và mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực, bao gồm các khuôn khổ đối thoại cấp cao mới lẫn những đối thoại đã được thiết lập trước đó trên phương diện kinh tế, ngoại giao và quốc phòng.
Trước hết là lĩnh vực kinh tế. Theo các chuyên gia, kể từ năm 2010 đến nay, quan hệ ASEAN - Mỹ tiến nhanh hơn so với mức quan hệ của khối với thế giới nói chung. Tổng giá trị xuất nhập khẩu của ASEAN với Mỹ đã tăng 70% trong giai đoạn 2010 - 2020, trong khi mức tăng này chỉ là 33% cho quan hệ ASEAN - thế giới. Cũng trong giai đoạn này, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào khu vực ASEAN tăng 2,27 lần, trong khi đầu tư của thế giới vào khối chỉ tăng 1,27 lần. Năm 2021, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của ASEAN, chiếm 23% trong tổng số vốn FDI vào khu vực.
Nhìn về tương lai, lãnh đạo hai bên thống nhất tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi toàn diện, hướng tới phát triển xanh và bền vững. Cùng với các nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, ASEAN mong muốn cùng Mỹ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, đồng thời mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới như ứng dụng khoa học công nghệ...Về phía Mỹ, đáng chú ý là ông Joe Biden công bố hỗ trợ thêm 850 triệu USD cho khu vực ASEAN trong năm 2023 nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai bên.
Liên quan đến vấn đề quốc tế và an ninh, hai bên cũng tái khẳng định sự ủng hộ kiên định đối với cấu trúc khu vực cởi mở, minh bạch, bền vững, bao trùm và lấy ASEAN làm trung tâm, nằm giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy vai trò mạnh mẽ, thống nhất và mang tính xây dựng của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Ông Joe Biden tái khẳng định, Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần thứ 17, nơi quy tụ lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Đây là những bước đi cụ thể nhằm cụ thể hóa việc Mỹ coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực trọng yếu trong chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, các thị trường lớn, trong đó có ASEAN, Đông Á, là để giúp Mỹ duy trì vị thế đầu tàu kinh tế, bảo vệ thị trường Mỹ và kiềm chế nước khác về kinh tế, trước hết là Trung Quốc.
Trên thực tế, Mỹ đang gặp khó khăn trong cạnh tranh với Trung Quốc về đầu tư hạ tầng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do Trung Quốc với Sáng kiến vành đai, con đường (BRI) đang gia tăng đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển ở các nước Trung Á, Nam Á và các nước châu Phi để mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Thông qua hợp tác với ASEAN và Đông Á, các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ hy vọng có thể triển khai Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) mà Washington công bố hồi tháng 5-2022 nhằm tiếp tục xoay trục sang châu Á, cạnh tranh với Sáng kiến BRI của Trung Quốc.