ASEAN nâng cao khả năng đáp ứng của thị trường lao động

ASEAN cần tăng cường nỗ lực và hợp tác nhằm nâng cao khả năng đáp ứng của thị trường lao động cũng như năng suất, khả năng cạnh tranh và thích ứng của người lao động.

Nhiều hình thức phát triển nguồn nhân lực

Đó là kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị quan chức cấp cao lao động ASEAN lần thứ 19 (SLOM-19) và diễn ra tại Philippines với sự tham gia của đại diện tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Hội nghị đã kiểm điểm tiến độ triển khai Chương trình công tác Bộ trưởng lao động ASEAN giai đoạn 2021-2025 trong các lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, thanh tra lao động, bảo vệ lao động di cư trong đó có ngư dân nhập cư, bảo trợ xã hội, thúc đẩy việc làm xanh, lồng ghép giới trong các chính sách lao động và việc làm, giúp lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai.

Các đại biểu tham gia Hội nghị quan chức cấp cao lao động ASEAN lần thứ 19

Các đại biểu tham gia Hội nghị quan chức cấp cao lao động ASEAN lần thứ 19

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đến năm 2030, khoảng 59 triệu người sẽ bổ sung vào lực lượng lao động của ASEAN. Điều này có nghĩa là ASEAN sẽ sở hữu lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới, chiếm 10% lực lượng lao động của toàn thế giới vào năm 2030, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khối này, 3 quốc gia chiếm tỷ trọng hơn 70% số lao động của ASEAN là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Một trong những mục đích chính của ASEAN được quy định trong Hiến chương ASEAN là phát triển nguồn nhân lực thông qua hợp tác chặt chẽ hơn nữa về giáo dục và học tập suốt đời và về khoa học, kỹ thuật và đổi mới để tăng cường quyền năng cho người dân ASEAN và tăng cường sức mạnh của Cộng đồng ASEAN.

Đây cũng là yếu tố mà ASEAN cho rằng có thể giúp khối tăng khả năng phục hồi, tạo động lực tăng trưởng mới và hướng tới tương lai. Chính vì thế, trong những năm qua, ASEAN đã tăng cường nỗ lực và hợp tác nhằm nâng cao khả năng đáp ứng của thị trường lao động cũng như năng suất, khả năng cạnh tranh và thích ứng của người lao động, hướng tới một cộng đồng bao trùm, bền vững và hướng tới tương lai. Các nước trong ASEAN đã chú trọng việc xây dựng, thúc đẩy và triển khai hiệu quả nhiều hình thức quan hệ đối tác về phát triển nguồn nhân lực như hợp tác công tư, hợp tác giữa các lĩnh vực liên ngành tại mỗi quốc gia, hợp tác ở cấp khu vực, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác song phương và đa phương.

Đáng chú ý là tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào tháng 6-2020, các lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước ASEAN đã ra Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay với nhiều nội dung đáng chú ý. Trước hết, ASEAN thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời trong xã hội và nâng cao nhận thức của thanh niên, người lao động và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của việc đầu tư vào phát triển kỹ năng để thích ứng với thế giới công việc đang đổi thay, bao gồm giáo dục và đào tạo; tăng cường tính bao trùm của giáo dục và việc làm cho tất cả mọi người, đặc biệt là việc cải thiện khả năng tiếp cận, chất lượng đào tạo kỹ năng và cơ hội việc làm cho tất cả phụ nữ, người khuyết tật, người già, người ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa, những người làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

ASEAN cũng tăng cường thúc đẩy vai trò lãnh đạo của khu vực doanh nghiệp, ngành công nghiệp và các cơ sở giáo dục về phát triển nguồn nhân lực bằng cách thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính phủ và khu vực tư nhân, đưa ra các ưu đãi và công nhận đối với các công ty đầu tư nguồn lực vào công tác đào tạo kỹ năng, thực tập và học nghề. Cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng thông tin thị trường lao động, trên cơ sở phù hợp, tiến tới một hệ thống thông tin thị trường lao động vững mạnh và mạch lạc. Để điều phối, nghiên cứu và phát triển về đổi mới sáng tạo và giám sát các chương trình khu vực hỗ trợ cho sự tiến bộ của giáo dục nghề nghiệp, ASEAN đã quyết định thành lập Hội đồng giáo dục nghề nghiệp ASEAN (ATC), đồng thời thiết lập một quỹ trung tâm với sự đóng góp của các chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác để hỗ trợ các ưu tiên và nghiên cứu về các nhu cầu kỹ năng trong tương lai.

Quan tâm lao động tay nghề cao và lao động di cư

Trong phát triển nguồn nhân lực nói chung, ASEAN dành nhiều sự quan tâm cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề lao động di cư. Nhiều nghiên cứu trong thời gian gần đây đã chỉ ra rằng, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ này ở ASEAN còn cao hơn: 56% việc làm trong 5 nước ASEAN có thể bị ảnh hưởng nặng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới.

Trước thực tế trên, ASEAN xác định việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của khu vực. ASEAN rất chú trọng vấn đề này và đã có nhiều hoạt động, sáng kiến cụ thể để vượt qua thách thức nói trên. Khu vực đã xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN, tạo ra các không gian giáo dục đại học để sinh viên các nước ASEAN có thể qua lại với nhau, đề cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển nói chung và phát triển nguồn nhân lực cao nói riêng.

Cùng với đó, ASEAN tăng cường quan tâm đến vấn đề lao động di cư trong nội khối - một trong những đặc thù của thị trường lao động khu vực Đông Nam Á. Theo con số thống kê, lao động di cư trong nội khối ASEAN hiện đang có xu hướng ngày càng tăng, chiếm tới 1/3 trong tổng số lao động di cư quốc tế của khu vực vào năm 2022. Sự dịch chuyển lao động nội khối đóng góp vào sự phát triển bền vững trong khu vực với những lợi ích không chỉ thuộc về những người lao động mà còn cho các nước có dòng lao động dịch chuyển tới. Những nước cho phép lao động dịch chuyển ra các nước trong khu vực sẽ nhận được kiều hối và trình độ lao động, mức lương của người dân sẽ không ngừng được nâng cao. Trong khi đó, các nước nhận lao động lại có thể giải quyết được tình trạng thiếu lao động, tăng cường chuyển giao công nghệ, kỹ năng, thúc đẩy tăng trưởng.

Liên quan đến vấn đề này, năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký tuyên bố về việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cho phép tự do di chuyển vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề trong khu vực. Cụ thể hóa định hướng trên, ASEAN đã xác định 8 ngành nghề lao động được tự do di chuyển trong các nước ASEAN thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch. Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/asean-nang-cao-kha-nang-dap-ung-cua-thi-truong-lao-dong-post559033.antd