ASEAN nỗ lực tối đa trở thành tâm điểm tăng trưởng
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đẩy mạnh nỗ lực đi đầu trong việc định hình một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ quốc tế.
Trong tuần này, tại Thủ đô Jakarta của Indonesia diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 và AMM với các nước đối tác (PMC) với sự tham gia của 29 quốc gia, Ban Thư ký ASEAN, Liên minh châu Âu (EU)... Đoàn Việt Nam do đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dẫn đầu.
Chuỗi hội nghị bao gồm 18 cuộc họp, 2 cuộc họp 3 bên giữa Chủ tịch ASEAN, Ban Thư ký ASEAN với Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số hội nghị quan trọng hàng đầu là Phiên toàn thể AMM 56; Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân; Hội nghị AMM với đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền...
Chương trình nghị sự tập trung thảo luận 8 vấn đề chính với mục tiêu xuyên suốt là duy trì ổn định, hòa bình và khả năng phục hồi kinh tế trong khu vực. Trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc của Hiến chương ASEAN; củng cố lòng tin và thúc đẩy cơ chế với các nước đối tác... Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng thúc giục các quốc gia có vũ khí hạt nhân tham gia Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân; thúc đẩy đàm phán về Biển Đông; hoàn thiện dự thảo Tầm nhìn hàng hải ASEAN; thúc đẩy hệ sinh thái xe điện trong khu vực.
Đáng chú ý, trọng tâm thảo luận chính tại AMM 56 là tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ đối ngoại và cấu trúc khu vực. Nội dung được nêu bật là kỳ vọng ASEAN trở thành trung tâm của tăng trưởng, thu hút đầu tư và nguồn lực phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Dù thế giới diễn ra nhiều biến động lịch sử, song, ASEAN vẫn duy trì được động lực tăng trưởng với tín hiệu tích cực, nhất là trong tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và phục hồi mạnh mẽ du lịch.
Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình hiện thực hóa các kỳ vọng, ngoại trưởng các nước thống nhất củng cố hơn nữa khả năng tự cường và thích ứng linh hoạt của ASEAN. Đồng thời cùng nhấn mạnh, trong môi trường chiến lược đầy biến động, đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cần được khẳng định mạnh mẽ hơn nữa. ASEAN phải đi đầu trong việc định hình một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm, dựa trên luật lệ với sự tham gia tích cực và đóng góp trách nhiệm của các đối tác cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Mặt khác, AMM 56 tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực như: Ổn định tài chính; tự cường chuỗi cung ứng; y tế; chuyển đổi số; an ninh năng lượng; an ninh lương thực... nhằm góp phần nâng cao năng lực, khả năng sẵn sàng ứng phó, chống chịu của ASEAN trước các thách thức hiện tại và tương lai.
AMM 56 cũng nhất trí thúc đẩy triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khuyến khích các đối tác hợp tác cụ thể, thực chất với ASEAN trên các lĩnh vực ưu tiên về kết nối, hợp tác hàng hải, phát triển bền vững và kinh tế, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, góp phần vào hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực.
Phát biểu tại phiên họp toàn thể của hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ASEAN không thể tránh khỏi việc đối mặt với các thách thức từ cả bên trong và bên ngoài. Song, với hành trình phát triển thành công xuyên suốt 56 năm, ASEAN có đủ cơ sở để tự hào và tin tưởng về một cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, chuỗi hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn. Vì vậy, AMM 56 cùng các hội nghị liên quan là phép thử quan trọng đối với khả năng của ASEAN trong nỗ lực giải quyết các mâu thuẫn và khác biệt thông qua văn hóa giao tiếp, đối thoại. Đặc biệt, ASEAN sẽ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đoàn kết, thống nhất để nâng cao vai trò trung tâm, cũng như duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực nói riêng và thế giới nói chung.