ASEAN ở vị thế có được lợi ích chiến lược từ Brexit

Nước Anh là một nước có vị thế cao trong suốt thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Việc chính thức rút khỏi Liên minh châu Âu vào cuối tháng 1/2020 có nghĩa là nước này đã bắt đầu xác định lại các ưu tiên chính trị và ngoại giao phù hợp với một quốc gia đơn lẻ.

Sau nửa thế kỷ tập trung sự chú ý chiến lược của mình vào lục địa châu Âu, trọng tâm chiến lược của Anh hiện đang chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà Anh từng có sự hiện diện kinh tế và quân sự. Do hậu quả của sự dịch chuyển địa chính trị này, ASEAN đang phải tìm kiếm sự hợp tác cho tác động của việc Anh hướng tới Đông Nam Á. Vào ngày 15/1, chỉ hơn hai tuần trước ngày Brexit xảy ra, đại diện Cơ quan ngoại giao Anh và Khối thịnh vượng chung thuộc Anh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có cuộc làm việc với Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta và chuyển thông điệp của London tới Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

Anh và ASEAN đã là đối tác đối thoại thông qua Liên minh châu Âu trong hơn 40 năm. Và các bên vẫn muốn có được quan hệ đó trong tương lai. ASEAN đã phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác đối thoại thông qua các cuộc đàm phán cấp cao thường xuyên về các vấn đề khu vực và toàn cầu kể từ năm 1978, khi Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên có được vị thế này. Giờ đây, 9 quốc gia và một tổ chức quốc tế - EU - là đối tác đối thoại của ASEAN. EU đã trở thành đối tác đối thoại của ASEAN với tư cách là Cộng đồng châu Âu năm 1979.

Các đối tác đối thoại này đều có các phái đoàn riêng về ASEAN tại Jakarta, đóng vai trò là văn phòng liên lạc để trao đổi và liên lạc với khối thương mại. Vương quốc Anh đã mở phái đoàn mới của mình tại ASEAN và sẽ tổ chức một buổi lễ kỷ niệm thành lập vào cuối tháng 02. Nhưng ASEAN đã không thêm bất kỳ quốc gia nào vào danh sách các đối tác đối thoại của mình kể từ năm 1996, khi Ấn Độ, Trung Quốc và Nga gia nhập hàng ngũ này.

Sự nhiệt tình của Anh nhằm củng cố mối quan hệ với ASEAN trở nên rõ ràng trong nỗ lực thành lập phái đoàn tại ASEAN ngay sau khi rời EU để khởi động quá trình có thể trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Châu Á là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việc rời khỏi khỏi EU, Vương quốc Anh rất muốn liên kết với đà tăng trưởng của khu vực. Mối quan tâm chính của London nằm ở mối quan hệ đối tác kinh tế với ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã đến thăm Singapore vào ngày 10/2 là chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau Brexit, đồng thời cũng đến Australia, Nhật Bản và Malaysia. Vương quốc Anh đã thúc đẩy thương mại tự do thông qua EU, cần phải đạt được các thỏa thuận thương mại mới với các đối tác lớn của mình trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài đến cuối năm nay. London rõ ràng coi hiệp định thương mại tự do của Singapore với EU, một sản phẩm của 10 năm đàm phán, là khuôn mẫu tiềm năng cho thỏa thuận với ASEAN.

Anh từng có ảnh hưởng nổi bật ở Đông Nam Á, đặc biệt đối với bốn thành viên ASEAN là Singapore, Malaysia, Brunei và Myanmar, cũng như các quốc gia ở các khu vực xung quanh bao gồm Australia, New Zealand, Ấn Độ và Bangladesh. Về mặt kinh tế, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN sau Trung Quốc. Năm 2018, thương mại giữa ASEAN và EU lên tới 288,2 tỷ USD, so với 483,7 tỷ USD giao dịch với Trung Quốc. Vương quốc Anh chiếm 12,1% thương mại EU-ASEAN, con số lớn thứ tư trong số các thành viên EU sau Đức, Hà Lan và Pháp.

ASEAN đã và đang tạo ra các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng các cuộc đàm phán thương mại với EU, bắt đầu từ năm 2007, đã bị đình chỉ kể từ năm 2009. EU đã chuyển sang đàm phán các thỏa thuận song phương với từng thành viên, mà các nước ASEAN đã ký hiệp định thương mại với EU là Singapore và Việt Nam, dự kiến có thể có hiệu lực trong năm 2020.

Việc Anh thúc đẩy tiến tới thỏa thuận thương mại với ASEAN có thể gây áp lực lên EU khi khối liên minh này chưa đàm phán thương mại với Đông Nam Á. ASEAN sẽ thu được lợi ích to lớn từ hiệp định thương mại tự do với EU. Sự hiện diện của Anh ở Đông Nam Á cũng sẽ có tác động lớn đến bối cảnh an ninh của khu vực. Vương quốc Anh được xếp hạng thứ 8 trong danh sách các quốc gia có sức mạnh quân sự mạnh nhất do Global Fire Power, một công ty nghiên cứu quân sự của Mỹ đánh giá, dựa trên các đánh giá toàn diện về chi tiêu quân sự, quân đội, thiết bị và các yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng quân sự. Sự tham gia của Anh vào hợp tác quốc phòng khu vực của ASEAN có thể giúp tạo ra một bộ đệm để giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/asean-o-vi-the-co-duoc-loi-ich-chien-luoc-tu-brexit-133051.html