ASEAN Startup công nghệ lại ngần ngừ đầu tư cho AI

Nhiều startup công nghệ Đông Nam Á đang ngần ngại trong đầu tư vào trí thông minh nhân tạo (AI) dù rằng AI dường như là câu chuyện của thời cuộc trong nhiều năm qua, nhất là sau khi ChatGPT ra đời. Một số thận trọng, số còn lại đang đứng nhìn như chuyện nước chảy mây bay.

Gian hàng trưng bày các robot Aiman của Công ty Roboworld của Việt Nam tại một triển lãm công nghệ tại TPHCM tháng 11-2023. Roboworld là một trong những startup hiếm hoi chế tạo robot và công nghệ AI tại Việt Nam. Sản phẩm của startup này là các loại robot thông minh trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế, vận chuyển, giáo dục… Ảnh: Ricky Hồ

Gian hàng trưng bày các robot Aiman của Công ty Roboworld của Việt Nam tại một triển lãm công nghệ tại TPHCM tháng 11-2023. Roboworld là một trong những startup hiếm hoi chế tạo robot và công nghệ AI tại Việt Nam. Sản phẩm của startup này là các loại robot thông minh trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế, vận chuyển, giáo dục… Ảnh: Ricky Hồ

Thực trạng ngần ngại đầu tư vào AI được thể hiện trong cuộc khảo sát mới đây với 25 nhà sáng lập startup công nghệ ASEAN do trang tin công nghệ Tech in Asia thực hiện. Hầu hết các công ty khởi nghiệp không chắc chắn sẽ tăng chi phí đầu tư cho AI, nếu không có câu trả lời rõ ràng là làm thế nào kiếm được lợi tức từ những dự án đầu tư cho AI.

Còn quá sớm để doanh nghiệp ứng dụng AI rộng rãi

Có 13 startup (tỉ lệ 52%) tham gia thăm dò bỏ túi của Tech in Asia đã chi dưới 1.000 đô la cho các công cụ AI tạo sinh (GenAI) trong năm 2023. Năm nhà sáng lập (tức 20%) cho biết họ hài lòng khi sử dụng phiên bản miễn phí của các ứng dụng phổ biến như ChatGPT, rất ít người chịu bỏ tiền mua các công cụ có phí.

Các nhà sáng lập và giám đốc công nghệ của các startup trên đều chưa tích hợp thành công AI vào các sản phẩm bán cho khách hàng, mặc dù đã cố gắng thực hiện. Trong khi đó, những nhà quản lý đã đưa AI vào quy trình làm việc cho hay đã dùng AI để cắt giảm chi phí, cân chỉnh chiến lược kinh doanh và sử dụng AI vào mục đích quản trị như tạo nội dung tiếp thị hoặc bán hàng, tóm tắt báo cáo và quản lý e-mail.

Trở lại khảo sát quy mô nhỏ của Tech in Asia. Dù rằng những nhà sáng lập nhận ra khả năng tiềm tàng của AI, nhưng rất ít nhà sáng lập đi bước kế tiếp: tích hợp GenAI vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

“Tôi nghĩ mọi người đang đón nhận AI khá tốt. Bởi nếu chúng ta phát hiện công cụ gì đó có thể giúp làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn – đặc biệt là khi bạn quá tải – thì tại sao chúng ta lại không nhanh chóng áp dụng. Tuy vậy, ở cấp độ doanh nghiệp, vẫn còn rất sớm để áp dụng AI một cách thực sự rộng rãi”, theo CEO Daan Van Rossum của FlexOS, trang web chuyên về AI đặt tại Việt Nam chuyên cung cấp tin tức và lời khuyên cho doanh nghiệp.

Tại Mỹ, The Economist nói rằng bất chấp sự xôn xao, hoặc có thể nói là cường điệu quá mức về GenAI, chi tiêu của doanh nghiệp nước này cho “thiết bị và phần mềm xử lý thông tin” đã giảm 0,4% vào năm 2023. Chi phí vốn (capex) nói chung cũng đang giảm với tỉ lệ 4% cứ mỗi năm năm.

AI gặp khó vì tâm lý thích xài “đồ chùa”. Các công ty không tăng ngân sách để trang bị công nghệ mới. Đây là vấn đề đáng nói, nếu xét đến những năm bùng nổ của máy tính cá nhân từ năm 1992-1999 khi doanh nghiệp Mỹ tăng vốn đầu tư trung bình khoảng 3%.

Alex Svanevik, CEO của nền tảng phân tích tiền điện tử Nansen.ai đặt trụ sở tại Singapore, tiết lộ rằng đã sử dụng AI cho “rất nhiều thứ”. Svanenik nói trong những mục tiêu của nền tảng này là trong quí đầu năm 2024 dành 5.000 giờ làm việc với AI, chiếm khoảng 10% tổng thời gian làm việc. Vị CEO cho biết mục tiêu của công ty là sử dụng AI theo hai hướng: nâng cấp sản phẩm và nâng cao hiệu suất trong tổ chức.

Nansen hiện đang sử dụng AI để phát triển chiến lược, huấn luyện điều hành, hỗ trợ pháp lý, mã hóa cũng như tóm tắt các tài liệu và biên bản cuộc họp. Svananik gọi ChatGPT là “một đối tác và cố vấn rất có giá trị”, nếu có đủ thông tin về tình hình kinh doanh và thông tin đó nhập vào chính xác.

Nhưng một số startup lại không có kế hoạch đầu tư cho AI, ngay cả những nơi đang sử dụng AI trong hoạt động kinh doanh hiện tại. Tại Orchid Sports and Entertainment – công ty chuyên khai thác các hợp đồng đầu tư và tài trợ trong thể thao có trụ sở tại Singapore – AI được sử dụng để tóm tắt thông tin về các nhà tài trợ đang muốn hợp tác với công ty.

“Chúng tôi có thể tìm kiếm trên Google nhưng thông tin không tốt lắm. AI giúp chúng tôi sàng lọc các cơ hội của mình và cho đến nay công cụ mới đã được chứng minh là hữu ích và thành công. Nhưng chúng tôi không chi tiền cho một việc như vậy bởi đây là trường hợp sử dụng cơ bản, đơn giản”, D’Ambrosio – người đứng đầu Orchid nói. Orchid hiện dùng các phiên bản miễn phí của ChatGPT, công cụ tìm kiếm trên web Bing và chatbot Bard và trả tiền cho công cụ tạo hình ảnh Midjourney.

Yann Schuermans, nhà đồng sáng lập và CEO của startup hậu cần thương mại điện tử B2B Baskit có trụ sở tại Jakarta, nói rằng họ đang nghiên cứu sử dụng các công cụ AI và máy học (machine learning) để “dần dần” số hóa các kho hàng nhằm tạo ra sự kết nối bao quát hơn cho chuỗi cung ứng.

Schuermans cho biết họ thu thập dữ liệu chuỗi cung ứng từ kho hàng và sử dụng dữ liệu đó để tối ưu hóa các tuyến đường. Ông nói về mặt hậu cần, AI có thể giúp làm rất nhiều việc.

Ông Schuermans của Baskit cũng khuyến khích khách hàng làm việc với AI, nói với họ rằng dữ liệu mà AI cung cấp có thể giúp họ phát triển và thúc đẩy doanh thu. Nhưng các công ty cung ứng cũng có nhiều chuyện rối rắm, chẳng hạn thiếu hệ thống thanh toán, thích dùng tiền mặt hoặc dùng một phần mềm cũ không thể truy cập từ xa. Và như lời nhận định của Schuermans, AI được việc nhưng gặp khó vì các chủ doanh nghiệp phớt lờ công nghệ mới, không muốn thay đổi, đầu tư.

Hiệu quả của AI và ảo giác AI. Ankur Jalan, Giám đốc kỹ thuật tại startup công nghệ tài chính (fintech) GajiGesa ở Indonesia, nói ông đã gặt hái một số thành công và lãnh nhiều thất bại khi dùng GenAI.

Startup này đã thiết lập một chatbot có thể đảm nhiệm khoảng 80% lượng tương tác, trả lời cho câu hỏi của khách hàng, dùng AI để phân tích dữ liệu. Jalan cho hay đang nghiên cứu một công cụ giải ngân vốn trong vòng một ngày bằng cách cung cấp thông tin cho GenAI – một khối lượng công việc mà các kỹ sư mất bốn ngày mới làm xong. Hiện giờ, hơn 80% công việc đã hoàn thành.

Nhưng khi cố gắng xây dựng một mô hình AI có thể đề xuất cho khách hàng cách quản lý chi tiêu và tiết kiệm, GajiGesa bắt đầu gặp vấn đề mới là ảo giác – thuật ngữ chỉ việc sử dụng AI để trả lời, nhưng thông tin thường là mơ hồ, sai lệch.

Theo tờ Caixin, đây cũng là trường hợp của hệ thống ngân hàng Trung Quốc khi nỗ lực dùng AI để giới thiệu các khái niệm tài chính tiêu dùng bằng tiếng Hoa. Các từ chuyên ngành tài chính ngân hàng trong tiếng Anh rất phong phú và mới mẻ, nhưng lại nghèo nàn hơn trong tiếng Hoa. AI đã lần mò chuyển tải các khái niệm, tên các sản phẩm từ tiếng Anh sang tiếng Hoa một cách tối nghĩa, khó hiểu. Hệ quả là ngân hàng, công ty tài chính có thể gặp rắc rối với cơ quan quản lý.

Ankur vẫn hào hứng với GenAI và tìm cách phát triển công cụ hỗ trợ tài chính. Ông nói thuyết phục hội đồng quản trị chi tiền cho công cụ AI không phải là hành trình dễ dàng, đặc biệt là khi chi phí cơ sở hạ tầng tăng vọt. Hiện startup dành khoảng 5% ngân sách cho việc phát triển công cụ AI.

AI ảnh hưởng bất kỳ ai

Những nhà sáng lập tham gia cuộc khảo sát đều nhìn thấy những lợi ích của AI. Nhưng một số người vẫn lo ngại về những tác động lâu dài của công nghệ mới, đặc biệt là khi AI có thể cướp việc của rất nhiều người. Van Rossum của startup FlexOS từ Việt Nam cho rằng sẽ có xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động. Ông gọi “đây là cuộc tái đàm phán lớn nhất trong lịch sử”.

Khoảng 60% số nhà sáng lập nói rằng họ đang nghĩ đến việc giảm chi phí việc làm nhờ sử dụng GenAI. Van Rossum cảnh báo rằng AI có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ngành nào.

Các nghề chuyên môn như luật sư hoặc kỹ sư sẽ làm việc tốt hơn với AI bởi các công cụ mới cắt giảm “hàng tấn công việc thủ công” mà phải cần một vài trợ tá phụ giúp.

“Nhưng thay đổi là gì? Bạn không phải là công ty duy nhất không sử dụng AI đúng không? Bạn sẽ gặp những người làm việc kém hiệu quả hơn 40% so với các đối thủ cạnh tranh có sử dụng AI”, Van Rossum nói.

Câu kết của Van Rossum dường như là cái gai đâm nhói tim khi tuần rồi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố rằng năng suất lao động thuộc loại thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á, dù đã tăng rất nhanh từ năm 2010.

Hồ Nguyên Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/asean-startup-cong-nghe-lai-ngan-ngu-dau-tu-cho-ai/