ASEAN tăng cường gắn kết đối tác, thúc đẩy thực chất quan hệ
Trong thời gian gần đây, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) liên tục cho thấy nhiều động thái tăng cường gắn kết với các đối tác quốc tế, dựa trên những giá trị thiết thực, mở ra những chương mới trong hành trình phát triển hợp tác.
Thắt chặt gắn kết giữa ASEAN và Ấn Độ, Nhật Bản
Theo chia sẻ gần đây của Đại sứ Ấn Độ tại Lào Prashant Agarwal, năm 2024, Lào giữ chức Chủ tịch ASEAN, chủ đề hoạt động của ASEAN là tăng cường kết nối và khả năng phục hồi. Ấn Độ chia sẻ mức độ ưu tiên cao dành cho chủ đề này. Ấn Độ đã và đang làm việc với ASEAN để thúc đẩy kết nối ở nhiều khía cạnh. Ông Agarwal ca ngợi mối quan hệ kết nối nhân dân giữa hai bên, đồng thời ca ngợi Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố.
Ngoài kết nối kỹ thuật số, Đại sứ Agarwal cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến sự phối hợp giữa IPOI của Ấn Độ với tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó bao gồm cả kết nối nhân dân vốn có khía cạnh văn minh và văn hóa, được thúc đẩy nhờ sự bùng nổ trao đổi khách du lịch.
Theo ông Agarwal, trong khuôn khổ song phương cũng như trong ASEAN, Lào coi Ấn Độ là nước góp phần vào sự ổn định và an ninh khu vực. Về vấn đề này, sự tương tác của Ấn Độ được các quốc gia ASEAN hoan nghênh rộng rãi.
Cũng trong một hoạt động thúc đẩy gắn kết, cuối tháng trước, tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Diễn đàn ASEAN - Nhật Bản thường niên lần thứ 39. Tại diễn đàn, các quốc gia đã rà soát tình hình hợp tác, đề xuất những định hướng và biện pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản thời gian tới, đồng thời trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực.
Các quốc gia hoan nghênh Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản diễn ra tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vào tháng 12/2023 thành công tốt đẹp, có ý nghĩa đặc biệt, mở ra chương hợp tác mới trong quan hệ đối tác hai bên trong chặng đường phát triển tiếp theo.
Diễn đàn khẳng định, cả ASEAN và Nhật Bản cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đối với mỗi bên và cả khu vực, thống nhất nhận định quan hệ ASEAN - Nhật Bản hiện là một trong những mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất trong quan hệ đối ngoại của ASEAN. Tại diễn đàn, Thứ trưởng Ngoại giao Takehiro Funakoshi - Trưởng quan chức cao cấp (SOM) Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản luôn là đối tác tin cậy của ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cùng phối hợp đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực.
ASEAN và Nhật Bản cùng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong thời gian qua và khẳng định phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai kết quả Hội nghị cấp cao kỷ niệm 2023, trong đó có Tuyên bố tầm nhìn chung và Kế hoạch triển khai Tuyên bố nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai bên phát triển thực chất, hiệu quả và cùng có lợi trong thời gian tới. Cùng với đó là tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tự cường chuỗi cung ứng, phát triển doanh nghiệp, giao lưu nhân dân, giáo dục, y tế, các nước nhất trí mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng, hướng tới tương lai bền vững như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, ứng phó biến đổi khí hậu...
Đặc biệt, Nhật Bản nhất trí cùng ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, hợp tác biển. ASEAN trông đợi Nhật Bản sớm cụ thể hóa các sáng kiến, cam kết của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm thông qua các chương trình, dự án hợp tác cụ thể.
Đề cập tới vấn đề biển Đông tại diễn đàn, các quốc gia cùng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường phối hợp nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác và phát triển, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, quốc gia tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
6 nhóm biện pháp thúc đẩy thực chất quan hệ
Trong Diễn đàn ASEAN - Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng trước, tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Thủ đô Jakarta, Indonesia, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh, tầm nhìn hướng tới tương lai của mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc cần phải thích ứng với bối cảnh địa chính trị năng động phát triển, cũng như kịp thời ứng phó với những thách thức và đón nhận các cơ hội. Ông đã đề xuất 6 nhóm biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thực chất hơn vì lợi ích lớn hơn của nhân dân Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN.
Trước hết là tăng cường quan hệ kinh tế. Theo Tổng Thư ký ASEAN, hợp tác kinh tế là nền tảng của quan hệ ASEAN - Trung Quốc nên cấp thiết phải giải quyết các rào cản phi thuế quan, cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thúc đẩy thương mại kỹ thuật số nhằm thuận lợi hóa hơn nữa dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Tiếp đó là tăng cường kết nối. Đây là động lực quan trọng của hội nhập và phát triển khu vực. Trong tương lai, các dự án ASEAN - Trung Quốc cần được bảo đảm mang tính bền vững, toàn diện và phù hợp với các ưu tiên của khu vực, trong đó tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Biện pháp thứ ba là thúc đẩy phát triển bền vững thông qua hợp tác. Các sáng kiến như hợp tác kinh tế xanh ASEAN - Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ tư là bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực. Bởi hòa bình và ổn định là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực. Trong đó, biển Đông là vấn đề cấp thiết mà các bên cần cùng nhau hợp tác chặt chẽ, tích cực đối thoại mang tính xây dựng và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thứ năm là thúc đẩy giao lưu nhân dân. Trao đổi văn hóa, hợp tác giáo dục và hợp tác du lịch là rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng niềm tin và củng cố tình hữu nghị.
Cuối cùng là hợp tác giải quyết các thách thức toàn cầu. Những nỗ lực chung của ASEAN và Trung Quốc có thể đóng góp vào những nỗ lực toàn cầu trong các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và phát triển bền vững.