ASEAN thúc đẩy tăng trưởng du lịch chất lượng, có trách nhiệm

Vừa qua, Diễn đàn Du lịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (ATF) 2024 đã diễn ra tại Thủ đô Vientiane của Lào. Chủ đề của diễn đàn là 'Du lịch chất lượng và có trách nhiệm - Duy trì tương lai ASEAN'.

Các nhà lãnh đạo thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc ATF 2024. Ảnh: TITC

Các nhà lãnh đạo thực hiện nghi thức đánh cồng khai mạc ATF 2024. Ảnh: TITC

Du lịch thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ, toàn diện và bền vững

Tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2024, Phó Thủ tướng Lào Kikeo Khaykhamphithoune cho biết, ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế ASEAN hướng tới tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ, toàn diện và bền vững.

Ông Kikeo khẳng định, việc thúc đẩy du lịch ASEAN phù hợp với Tầm nhìn ASEAN 2025 sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn khu vực ASEAN. Hiện nay, ngành du lịch tại các nước thành viên ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và quốc tế nói chung đang dần hồi phục sau tác động của đại dịch Covid-19. Vì vậy, ATF 2024 là cơ hội để tăng cường hợp tác, giao lưu, quảng bá và xúc tiến phát triển du lịch giữa các nước thành viên ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các nước trên thế giới để thúc đẩy khu vực này trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên toàn cầu.

Ông Kikeo cũng khẳng định, Lào sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại khác nhau để phát triển các điểm đến du lịch bền vững và chất lượng cao, thu hút ngày càng nhiều du khách đến khu vực ASEAN, khuyến khích lưu trú dài ngày hơn, chi tiêu cao hơn và mang lại lợi ích kinh tế rộng rãi cho xã hội.

Còn theo Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, ASEAN duy trì động lực tiến bộ tích cực trong phát triển ngành du lịch của khối có tầm quan trọng to lớn. Sự phát triển du lịch bền vững là rất quan trọng trong việc bảo tồn môi trường, văn hóa và di sản địa phương cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

ATF 2024 có nhiều hoạt động, hội nghị quan trọng như Hội nghị cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 59; Hội chợ du lịch quốc tế TRAVEX 2024; Hội nghị cơ quan du lịch quốc gia ASEAN+3 lần thứ 44; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Ấn Độ lần thứ 11; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN+3 lần thứ 23; Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN - Nga lần thứ 3; Lễ trao giải thưởng du lịch ASEAN; Họp báo Bộ trưởng Du lịch ASEAN... cùng nhiều hoạt động bên lề.

Tại các hội nghị, Bộ trưởng Du lịch các nước ASEAN và các đối tác, đối thoại cùng thảo luận, đánh giá việc thực hiện các hoạt động ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược Du lịch ASEAN 2016 - 2025, các hoạt động ưu tiên trong giai đoạn 2023 - 2024 do 4 Ủy ban Du lịch ASEAN thực hiện. Đồng thời thảo luận, trao đổi với các đối tác, đối thoại để thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch bền vững...

Qua đó, kết quả từ chuỗi sự kiện hứa hẹn tạo nguồn động lực quan trọng để thúc đẩy và thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch khu vực, quốc tế đến tham quan, du lịch tại các quốc gia ASEAN, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn du lịch ASEAN đến năm 2025 - đưa ASEAN trở thành điểm đến du lịch chất lượng, độc đáo, đa dạng và có trách nhiệm, đóng góp đáng kể vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân ASEAN.

Việt Nam đề xuất nhiều nền tảng phát triển du lịch ASEAN

Một trong những sự kiện đáng chú ý tại ATF 2024 là Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTOs) ASEAN lần thứ 59 với trọng tâm chính là xem xét báo cáo của 4 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN, bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN (ATCC); Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN (ASITDC); Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) và Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN (ATRMEC).

Các đại biểu tại Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTOs) ASEAN lần thứ 59 trong khuôn khổ ATF 2024 . Ảnh: TITC

Các đại biểu tại Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia (NTOs) ASEAN lần thứ 59 trong khuôn khổ ATF 2024 . Ảnh: TITC

Thông tin tại hội nghị cho biết, năm 2023, Việt Nam đã tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động, dự án du lịch quan trọng trong ASEAN. Hiện nay, Việt Nam đang chủ trì dự án xây dựng Sản phẩm du lịch lễ hội ASEAN thuộc Ủy ban ATCC.

Trong năm qua, Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về du lịch lễ hội ASEAN tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu là đại diện một số nước thành viên ASEAN, Đại sứ quán các nước ASEAN và đối tác tại Việt Nam, Văn phòng đại diện cơ quan du lịch nước ngoài tại Việt Nam, một số sở quản lý du lịch địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN (ATRMEC) giai đoạn 2024 - 2025, quản lý chung việc triển khai Chiến lược Du lịch ASEAN 2016 - 2025, Kế hoạch phục hồi du lịch ASEAN 2021 - 2025, Quỹ ASEAN NTOs và các dự án đề xuất sử dụng kinh phí từ quỹ này.

Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, ngành Du lịch ASEAN đã có một năm sôi động với nhiều dự án và sự kiện đa dạng được tổ chức với sự hợp tác chặt chẽ từ tất cả các quốc gia thành viên. Thành công của du lịch ASEAN trong năm qua có sự đóng góp to lớn của thị trường nội khối ASEAN.

Trong năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có khoảng 2,1 triệu khách du lịch từ các nước thành viên ASEAN. Ông Khánh nhấn mạnh, đây là một sự phục hồi tốt sau đại dịch, đặc biệt là lượng khách đến từ Lào, Campuchia và Singapore đã vượt mức của năm 2019.

Tại hội nghị này, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề xuất một số phương hướng, ý tưởng hợp tác khu vực. Trước hết, về quảng bá du lịch, các nước ASEAN cần quan tâm hơn đến các hoạt động chung tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước ASEAN cũng cần đẩy mạnh việc tận dụng sự phối hợp của các đối tác đối thoại của ASEAN. Đồng thời ủng hộ việc xây dựng tiêu chuẩn du lịch sinh thái ASEAN như một ưu tiên thực hiện. ASEAN cần nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có sự tham gia nhiều hơn từ các nước thành viên.

Về xây dựng Chiến lược du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn sau năm 2025, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao Philippines đã đảm nhận vai trò Điều phối viên chính xây dựng Kế hoạch Chiến lược. Đồng thời, Cục trưởng đề nghị Philippines kịp thời làm việc với các quốc gia thành viên và các đối tác đối thoại của ASEAN để thực hiện báo cáo đánh giá ATSP hiện tại, cũng như mời gọi thêm sự tham gia khu vực tư nhân trong khu vực ASEAN. Ông Khánh nhấn mạnh, khi đặt ra tầm nhìn mới để du lịch ASEAN trở thành một điểm đến nổi bật hơn với hình ảnh thương hiệu khác biệt cho giai đoạn tiếp theo, cần phải suy ngẫm về tính hiệu quả của logo và khẩu hiệu du lịch của mình để đảm bảo chúng đồng bộ với chiến lược mới.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-thuc-day-tang-truong-du-lich-chat-luong-co-trach-nhiem-post472089.html