ASEAN thúc đẩy tính bao trùm và bền vững của văn hóa - xã hội
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nêu cao nhiều quan điểm, sáng kiến và thúc đẩy các hoạt động hướng tới mục tiêu 'Bao trùm và bền vững' cùng 5 ưu tiên trọng tâm của Trụ cột Văn hóa - Xã hội. Việt Nam được đánh giá đã tham gia tích cực, hiệu quả trong nỗ lực chung của toàn khối.

Các đại biểu tham dự Hội nghị ASCC 33. Ảnh: TTXVN
5 lĩnh vực ưu tiên
Trong bối cảnh ASEAN hướng tới tầm nhìn 2045 với trọng tâm là phát triển bao trùm, hội nhập và bền vững, ASEAN đã và đang định hình những hướng đi chiến lược quan trọng cho Trụ cột Văn hóa - Xã hội của khối trong giai đoạn tiếp theo. Nổi bật trong các nỗ lực này là kết quả thành công vừa qua của Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 33 và các cuộc họp liên quan diễn ra tại thành phố Kuching, bang Sarawak, Malaysia.
Một trong những kết quả quan trọng nhất của hội nghị là việc xác định 5 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược ASCC và 3 kế hoạch chiến lược khác sẽ được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46, dự kiến diễn ra vào tháng 5, tại Kuala Lumpur, Malaysia. Cụ thể, 5 lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch chiến lược của ASCC gồm: Nghệ thuật và văn hóa; y tế; thanh thiếu niên và thể thao; trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa và việc làm xanh; hành động vì khí hậu.
Hội nghị có sự tham gia của các bộ trưởng, trưởng đoàn phụ trách ASCC 10 nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Đoàn đại biểu Timor Leste tham gia hội nghị với tư cách quan sát viên.
Trong các bài phát biểu, bộ trưởng, trưởng đoàn các quốc gia thành viên ASEAN đã chia sẻ quan điểm, sáng kiến và hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng chủ đề “Bao trùm và bền vững” cùng 5 ưu tiên trọng tâm của Trụ cột Văn hóa - Xã hội bao gồm: Nâng tầm văn hóa và di sản thông qua việc tạo ra các giá trị; tăng cường các kỹ năng và khả năng thích nghi với những thay đổi trong tương lai về môi trường trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, việc làm xanh; tăng cường triển khai các sáng kiến của ASEAN để góp phần xây dựng khối thịnh vượng ASEAN; phát huy tiềm năng của thanh niên và thể thao để thúc đẩy tăng trưởng, đoàn kết và thành tích cao; kêu gọi tiếng nói chung của ASEAN nhằm đẩy nhanh hành động vì khí hậu, hướng tới hợp tác bền vững và trách nhiệm chung.
Với những thành tích mà ASEAN đã đạt được và trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển động mới, phức tạp, khó đoán định, bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế, các nước đều coi các mục tiêu về văn hóa - xã hội là yếu tố quan trọng cho việc đảm bảo an ninh quốc gia để phát triển bền vững.
Báo cáo sơ bộ đánh giá cuối kỳ cho thấy, 99% dòng hành động của Kế hoạch tổng thể 2025 được triển khai hiệu quả, qua đó góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội. Trên cơ sở báo cáo, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của Hệ thống cơ sở dữ liệu về theo dõi, đánh giá tiến độ và khuyến khích các cơ quan chuyên ngành của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN tiếp tục áp dụng hệ thống này.
Đánh giá cao những nỗ lực của các quan chức phụ trách Cộng đồng và Nhóm công tác trong quá trình xây dựng Kế hoạch chiến lược, các bộ trưởng, trưởng đoàn đã chúc mừng việc hoàn tất Kế hoạch chiến lược của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nhằm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, đồng thời khẳng định sẽ trình văn kiện này lên lãnh đạo cấp cao ASEAN xem xét thông qua. Hội nghị cũng nhất trí ủng hộ việc xây dựng Khung kết quả của ASCC giai đoạn sau năm 2025 nhằm hỗ trợ triển khai, giám sát và đánh giá thực hiện Kế hoạch chiến lược một cách toàn diện và hiệu quả.
Các bộ trưởng, trưởng đoàn đã ra Tuyên bố chung, thống nhất thông qua về nguyên tắc các văn kiện sẽ trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46, gồm: Khung phát triển bền vững của nền kinh tế sáng tạo ASEAN; tuyên bố cam kết của ASEAN về an ninh và tự lực về thuốc (ADSSR); bảng câu hỏi dành cho Chính phủ, doanh nghiệp tuyển dụng, chủ sử dụng lao động liên quan đến tuyển dụng công bằng và các thực hành việc làm thỏa đáng.
Đồng thời, các trưởng đoàn cũng nhất trí với nội dung Báo cáo Hội nghị ASCC lần thứ 33 để trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN 46 dự kiến tổ chức trong tháng 5, tại Malaysia.
Việt Nam ngày càng chủ động và tích cực hơn
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng - Trưởng đoàn Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ và cam kết sẽ hoàn tất thực hiện các nội dung của Kế hoạch tổng thể ASCC 2025. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, dưới sự dẫn dắt của nước Chủ tịch Malaysia, ASEAN sẽ có những đóng góp quan trọng cho hợp tác khu vực, giải quyết mọi thách thức, duy trì khả năng phục hồi và thịnh vượng, đồng thời chuẩn bị tốt cho hành trình mới hướng tới Cộng đồng ASEAN thống nhất, hội nhập, sáng tạo và toàn diện hơn vào năm 2045.

Tiết mục nghệ thuật tại Ngày hội văn hóa hữu nghị “Sắc màu ASEAN” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Lào (nước Chủ tịch ASEAN 2024) và các nước khu vực ASEAN tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tháng 8/2024. Ảnh: CTV
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, năm 2025 có nhiều dấu mốc quan trọng, ý nghĩa đối với cả ASEAN và Việt Nam. Đặc biệt, bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển, Việt Nam đang nỗ lực củng cố sức mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước tham gia ngày càng chủ động và tích cực hơn trong ASEAN, đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
Tiếp nối Đề án thực hiện Kế hoạch tổng thể ASCC 2025 ở cấp quốc gia, Bộ Nội vụ Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án mới để thực hiện Kế hoạch chiến lược ASCC triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 ngay khi chiến lược được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua.
Trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh 3 trọng tâm chiến lược ASEAN cần chú trọng gồm: Đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của người dân; tăng cường kết nối với cách tiếp cận toàn cộng đồng nhằm góp phần đảm bảo tiếp cận các cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau; phát huy vai trò trung tâm của ASEAN và thúc đẩy quan hệ đối tác vì các lợi ích chung; chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức và ý thức về giá trị và ý nghĩa ASEAN cho tất cả mọi người.
Trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động khó lường, việc chú trọng Trụ cột Văn hóa - Xã hội không chỉ đóng góp vào sự gắn kết ASEAN, mà còn tạo nền tảng an ninh phi truyền thống bền vững cho mỗi quốc gia thành viên. Với vai trò là thành viên tích cực, Việt Nam cam kết tiếp tục đồng hành cùng ASEAN trong việc xây dựng một cộng đồng đoàn kết, hội nhập và phát triển vì lợi ích chung của khu vực.