ASEAN: Trung tâm trong thế giới biến động
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra trong hai ngày 22 và 23-6, tại Thái Lan. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN thảo luận nhiều vấn đề trong và ngoài khu vực, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, lấy con người làm trung tâm để 'không bỏ lại ai ở phía sau và hướng tới tương lai', nỗ lực hướng tới một khu vực số hóa, xanh và kết nối liên tục, đặc biệt là thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đầy biến động.
Điểm nhấn
Có khá nhiều nội dung được thảo luận tại hội nghị lần này, như Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tình hình bang Rakhine (Myanmar), cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, vấn đề Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên, thương mại vẫn là chủ đề chi phối trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung đang thúc đẩy một số nhà sản xuất lớn rời Trung Quốc sang Đông Nam Á và phủ bóng thương mại tự do trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, từ giày thể thao và tất cho tới máy giặt và đồ nội thất, điều kích động Bắc Kinh trả đũa bằng việc áp thuế với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Theo nhiều nhà phân tích, điều này tác động tới nhiều thị trường châu Á khi các công ty rời khỏi thị trường Trung Quốc và tìm đến các nước có chi phí sản xuất rẻ trong khu vực.
Trong lúc căng thẳng gia tăng, Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực để đạt được thỏa thuận thương mại nhằm lôi kéo Đông Nam Á. Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm tất cả 10 nước ASEAN cùng Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Hiệp định này sẽ kết nối khoảng một nửa dân số thế giới và được xem là một cách để Trung Quốc định hình cấu trúc thương mại châu Á-Thái Bình Dương, sau sự thoái lui của Mỹ khỏi khu vực.
Những người ủng hộ hy vọng RCEP sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán trở nên khó khăn khi Australia và New Zealand thúc đẩy sự bảo vệ môi trường và lao động “chất lượng cao”. Ấn Độ cũng đang tìm cách đảm bảo rằng, thỏa thuận này sẽ không buộc thị trường của họ phải chấp nhận các hàng miễn thuế từ đối thủ chính Trung Quốc thông qua Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, như thường lệ, vấn đề Biển Đông cũng nằm trong chương trình nghị sự. Với những diễn biến gần đây giữa Trung Quốc và Phi-líp-pin, việc có các điều khoản mang tính răn đe trong Bộ Quy tắc ứng xử cho các cuộc đụng độ giữa các ngư dân trên biển là điều cần thiết.
Thái Lan đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN từ ngày 1-1-2019. Chủ đề chính thức của Năm ASEAN 2019 do Thái Lan làm Chủ tịch là “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì lợi ích phát triển bền vững”. Hội nghị cấp cao ASEAN tiếp theo trong năm nay sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
ASEAN trung tâm
Mới đây, sử dụng một cách tiếp cận tập trung vào ASEAN truyền thống hơn, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu đã đưa ra một quan điểm 3 tầng bậc về trật tự khu vực phức tạp và bất ổn: Thứ nhất, cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình sự ổn định của châu Á-Thái Bình Dương. Thứ hai, động lực bên trong ASEAN phải đối mặt với sự chồng chéo các yêu sách biên giới, các phong trào tị nạn lớn và các cuộc xung đột nội bộ. Thứ ba, các vấn đề an ninh phi truyền thống như bạo lực hàng hải (cướp biển), khủng bố và an ninh mạng phải cần được giải quyết.
Sự gia tăng căng thẳng, cạnh tranh nước lớn trong khu vực sẽ đặt ra một thách thức không nhỏ cho toàn bộ khối ASEAN cũng như từng quốc gia riêng lẻ trong khu vực Đông Nam Á. Giới phân tích nhận định, bởi căng thẳng gia tăng, các nước trong khu vực sẽ phải đứng trước áp lực là phải lựa chọn bên nào, hoặc là phải thể hiện rõ thái độ trong cuộc cạnh tranh này. Bản thân các nước Đông Nam Á không muốn phải rơi vào tình thế như vậy. Các nước ASEAN cần cả Mỹ và Trung Quốc, cho nên các quốc gia trong khu vực này không muốn hy sinh quan hệ một bên để ủng hộ bên kia. Chính vì vậy, để giữ vững được vai trò trung tâm, ASEAN cần thận trọng trong suy nghĩ, sáng suốt trong hành động, bước đi cân bằng trong đoàn kết, hòa bình, trên tinh thần lợi ích cho ASEAN và mỗi nước thành viên.
Thực vậy, đối mặt với cuộc chiến thương mại, kinh tế và chính trị đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, quan điểm nhất quán của ASEAN là không đứng về bên nào. Đây là một quan điểm mang lại cho ASEAN cơ hội để vận động theo kế hoạch, trong khi tìm ra cách quản lý sự cạnh tranh nước lớn ở sân sau của mình. Không có nhiều nền tảng cho các cường quốc đối địch hội tụ trên nền tảng trung lập. Nhờ nhiều năm ngoại giao khéo léo, ASEAN đã biến mình thành một nhóm khu vực mà ngay cả những cường quốc cạnh tranh cũng thấy hữu ích cho họ trong trò chơi quyền lực toàn cầu. Điều này khiến cho ASEAN có liên quan và sự liên quan có nghĩa là có ảnh hưởng.
Chiến lược của ASEAN hiện nay, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, là tập trung hơn vào lợi ích của tất cả các nước bằng cách duy trì sự cởi mở và thông qua chiến lược “Trung tâm ASEAN”. Một trong những nước đề xướng chính là Singapore. “Khi tôi nói về trung tâm, tôi không có ý nói rằng chúng ta có vị trí địa lý ở trung tâm. Nhưng về mặt triết lý, ngoại giao và chiến lược, ASEAN vẫn là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishman nói tại một cuộc hội thảo ở Washington, ngày 15-5 vừa qua.
Tiền đề cơ bản của triết lý trên là một ASEAN mạnh mẽ, đoàn kết và gắn kết. Trong thời bình hay thời loạn, khối khu vực này phải ngăn chặn sự chia rẽ nội bộ trong bối cảnh cạnh tranh của các nước lớn. Không nước lớn nào được phép ra lệnh hoặc “dắt mũi” ASEAN. Và cũng không nước lớn nào nên bị loại khỏi khu vực này. Mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có một vị trí trong ASEAN. Vì lợi ích của riêng mình, ASEAN phải đảm bảo rằng vị thế của mình như một “đối tác cân bằng và một kiến trúc sư địa chính trị” sẽ tiếp tục được củng cố để con tàu không bị trật bánh.
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/asean-trung-tam-trong-the-gioi-bien-dong/