ASEAN ứng phó thuế quan Mỹ
Các bộ trưởng Kinh tế ASEAN dự kiến nhóm họp vào ngày 10-4 để thảo luận về tác động của thuế quan Mỹ và phản ứng phối hợp của khu vực
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hôm 7-4 cho rằng ASEAN cần đoàn kết và đạt thỏa thuận chung về các mức thuế Mỹ mới công bố để bảo đảm các cuộc đàm phán và thảo luận sắp tới có một nền tảng vững chắc. Hãng tin Bernama dẫn lời ông Anwar cho rằng các nước ASEAN không nên xem nhẹ vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu bất ổn như hiện nay.
Cũng theo Thủ tướng Anwar, Malaysia sẽ dẫn đầu nỗ lực điều phối phản ứng khu vực Đông Nam Á đối với các mức thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Malaysia muốn cùng các nước ASEAN nỗ lực xây dựng một mặt trận khu vực thống nhất, duy trì chuỗi cung ứng mở và có khả năng chống chịu, đồng thời bảo đảm tiếng nói chung của khối được lắng nghe rõ ràng và dứt khoát trên trường quốc tế.
Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Aziz cho biết ông sẽ chủ trì cuộc họp đặc biệt của các bộ trưởng Kinh tế ASEAN vào ngày 10-4 để giải quyết tác động rộng hơn của thuế quan Mỹ đối với thương mại, đầu tư và sự ổn định kinh tế trong khu vực, cũng như thảo luận về phản ứng phối hợp của ASEAN.

Một xe container chạy qua cảng container quốc tế Jakarta tại cảng biển Tanjung Priok ở TP Jakarta - Indonesia hôm 3-4 Ảnh: AP
Cũng như các nước trong khu vực, Malaysia đã chọn không trả đũa mà thay vào đó tìm cách đối thoại nhưng cũng bác bỏ thông tin của chính quyền Tổng thống Donald Trump, theo đó Malaysia áp thuế 47% đối với hàng hóa Mỹ. Theo trang Bloomberg, Chính phủ Malaysia đã thành lập một trung tâm chỉ huy địa kinh tế và tiến hành các nỗ lực tiếp xúc với Mỹ để tìm ra giải pháp hai bên chấp nhận được.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết nước này cũng đã trao đổi về nỗ lực chung của khu vực với Malaysia, song song với việc chuẩn bị nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó với chính sách mới của Mỹ, trong đó có đàm phán. Ngoài ra, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết nước này đang xem xét mua thêm hàng hóa Mỹ, trong đó có nguyên liệu đầu vào cho một dự án nhà máy lọc dầu.
Còn tại Thái Lan, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra hôm 6-4 cho biết nước này sẽ tăng nhập khẩu năng lượng, máy bay và nông sản từ Mỹ; khuyến khích đầu tư từ Thái Lan vào Mỹ và nới lỏng các hạn chế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ. Theo truyền thông Thái Lan, đây là động thái ứng phó sau khi hàng xuất khẩu nước này sang Mỹ bị áp thuế 36%. Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira sẽ dẫn đầu một phái đoàn chính thức tới Mỹ để thảo luận thêm về vấn đề này.
Cùng ngày, Thủ tướng Singapore Lawrence Wong cảnh báo người dân cần chuẩn bị cho những cú sốc sắp tới, trước viễn cảnh thương chiến toàn cầu có thể xảy ra khi một số quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp bước Trung Quốc đáp trả thuế đối ứng của Mỹ. Trước đó, Phó Thủ tướng Gan Kim Yong cho hay Singapore đang đánh giá lại dự báo tăng trưởng năm 2025 và sẵn sàng hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp nếu tình hình xấu đi.
Đàm phán và trả đũa
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6-4 tuyên bố ông sẽ không lùi bước trong việc áp thuế diện rộng đối với hàng nhập khẩu từ khắp thế giới trừ khi các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng điều chỉnh cán cân thương mại theo hướng cân bằng hơn với Washington. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, ông không mong muốn thị trường toàn cầu sụp đổ nhưng cũng không lo ngại về tình trạng bán tháo ồ ạt.
Theo AP, những phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh các thành viên nội các và cố vấn kinh tế của ông Donald Trump đồng loạt lên tiếng bảo vệ chính sách thuế quan nói trên. Họ cũng tìm cách xoa dịu nỗi lo của thị trường bằng việc thông báo hơn 50 quốc gia đã liên hệ với Mỹ để tiến hành đàm phán dỡ bỏ thuế quan.
Ngoài đàm phán, một số quốc gia lựa chọn áp thuế trả đũa Mỹ, như Trung Quốc và Canada. Mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) trong ngày 7-4 công bố danh sách các hàng hóa Mỹ bị áp thuế nhằm đáp trả mức thuế đối với thép và nhôm từ Mỹ. Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ bỏ phiếu về danh sách này trong ngày 9-4. Giá trị của số hàng hóa Mỹ bị trả đũa đầu tiên lên đến 28 tỉ USD. EU đang hy vọng các nước thành viên sẽ hậu thuẫn mạnh mẽ mọi bước đi ứng phó đòn thuế quan từ Mỹ để duy trì sức ép lên Tổng thống Donald Trump, từ đó buộc hai bên bước vào đàm phán.
Hoàng Phương
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/asean-ung-pho-thue-quan-my-196250407203653559.htm