Mục tiêu thực sự của ông Trump là gì đằng sau ván bài thuế quan 'cân não'?

Chỉ còn một ngày trước khi các mức thuế 'có đi có lại' mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất chính thức có hiệu lực, ông Trump dường như đang bước vào một trò chơi 'cân não' đầy rủi ro với nền kinh tế toàn cầu treo lơ lửng trên bờ vực.

Một số quốc gia bị ông Trump liệt vào danh sách "vi phạm nghiêm trọng nhất" đang gấp rút tìm cách xoa dịu Nhà Trắng, hy vọng thoát khỏi một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể gây thiệt hại lớn.

Ngược lại, Trung Quốc chọn cách đối đầu, công khai tuyên bố trả đũa và không nhượng bộ, gửi đi một thông điệp rằng Bắc Kinh sẵn sàng "ăn miếng trả miếng". Trong khi đó, ông Trump vẫn kiên quyết theo đuổi biện pháp cứng rắn này, coi thuế quan là "vũ khí lợi hại" để buộc các đối tác thương mại phải nhượng bộ và mang lại nhiều lợi ích hơn cho Mỹ.

Tuy nhiên, ngay trong nội bộ nước Mỹ, nhiều tiếng nói từ Quốc hội đến phố Wall cho rằng ông Trump có thể đã đi quá xa. Ngày 6/4, khi được hỏi về mức giảm điểm nào của thị trường mà ông coi là "giới hạn đỏ" để thay đổi chính sách, ông Trump đã gọi đó là "một câu hỏi ngu ngốc".

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Vậy tất cả những gì đang diễn ra có phải chỉ là chiến thuật đàm phán như nhiều nhà đầu tư và chính trị gia hy vọng? Hay liệu Tổng thống Trump đang chơi một ván cờ dài hơi với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu và vị thế của Mỹ trong đó? Trong trật tự thế giới mới mà ông Trump vạch ra, một quốc gia là đồng minh hay đối thủ không còn phụ thuộc vào quan hệ ngoại giao mà phụ thuộc vào việc nước đó có đang trao cho Mỹ một thỏa thuận tốt hay không.

Thế giới điều chỉnh chiến lược

Chiều 7/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến gặp ông Trump kể từ sau tuyên bố áp thuế, đã thử sức với "luật chơi mới" của Tổng thống Mỹ. Ông cam kết Israel - nằm trong danh sách những nước bị áp thuế 17% sẽ dỡ bỏ rào cản thương mại và xóa bỏ thặng dư thương mại với Mỹ.

"Chúng tôi tin rằng đó là việc đúng đắn nên làm. Tôi nghĩ Israel có thể là hình mẫu cho nhiều quốc gia khác - những nước nên hành động tương tự", ông Netanyahu phát biểu.

Nhiều quốc gia dường như đang theo đuổi chiến lược tương tự Israel trong nỗ lực tìm kiếm một kết quả tích cực trước loạt thuế quan cứng rắn mà Tổng thống Trump áp đặt.

Sáng 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã có cuộc điện đàm với ông Trump, mở đường cho tuyên bố từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent rằng Mỹ đang bắt đầu đàm phán với Tokyo để "thực hiện tầm nhìn của Tổng thống về một Kỷ nguyên Vàng của Thương mại Toàn cầu".

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng phát tín hiệu hòa giải, tuyên bố châu Âu sẵn sàng đàm phán với Mỹ, đề xuất hai bên cùng giảm thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp về 0, một đề xuất được ông Trump khen ngợi ngay tại Phòng Bầu dục, nhưng cũng không quên nhận xét rằng "vẫn chưa đủ".

Ngược lại, Trung Quốc không tỏ ra mềm mỏng. Sáng cùng ngày, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tuyên bố áp mức thuế bổ sung 34% lên hàng hóa Mỹ - đúng bằng con số mà ông Trump vừa công bố.

Đáp lại, Tổng thống Trump cảnh báo sẽ tăng thuế thêm 50% nữa đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không nhượng bộ trước 8/4.

"Trung Quốc đã chọn cách tự cô lập bằng việc trả đũa và tiếp tục các hành vi tiêu cực trước đó", Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay trên mạng xã hội X. Ông cho biết: "Hơn 50 quốc gia đã phản hồi tích cực trước hành động mang tính lịch sử của Tổng thống Donald Trump nhằm tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu công bằng và thịnh vượng hơn".

Phản ứng của Bắc Kinh cũng thẳng thừng không kém.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Liu Pengyu trao đổi với CBS News: “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc đe dọa hoặc gây áp lực không phải là cách đúng đắn để làm việc với Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình".

Thị trường chao đảo, thế giới hồi hộp chờ bước đi tiếp theo của ông Trump

Chuỗi phản ứng và trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc dường như chính là điều mà các nhà đầu tư lo sợ trong tuần qua khi các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt lao dốc hai chữ số.

Ngày 7/4, ngày càng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, bao gồm cả các ông trùm phố Wall từng công khai ủng hộ chính quyền ông Trump, bắt đầu lên tiếng phản đối kế hoạch áp thuế của ông, dường như đang cố gắng dùng sức ép dư luận để khiến ông thay đổi quyết định.

Thị trường chứng khoán khắp thế giới chao đảo sau quyết định của ông Trump (Ảnh: Reuters)

Thị trường chứng khoán khắp thế giới chao đảo sau quyết định của ông Trump (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, thị trường Mỹ vẫn đang khao khát một tia hy vọng. Sáng cùng ngày, chỉ cần một dòng đăng tải trên mạng xã hội nói rằng Tổng thống đang cân nhắc trì hoãn áp thuế 90 ngày, có thể do hiểu nhầm lời cố vấn kinh tế Kevin Hassett trên Fox News, là đủ để các chỉ số chứng khoán tăng mạnh. Chỉ số S&P 500 tăng thêm 2.400 tỷ USD giá trị thị trường trong khoảng 10 phút, trước khi toàn bộ con số này bốc hơi ngay sau khi Nhà Trắng lên tiếng bác bỏ thông tin trì hoãn.

Chiều cùng ngày, ông Trump cũng chính thức bác bỏ mọi khả năng hoãn thuế, khẳng định kế hoạch vẫn được tiến hành như dự kiến.

"Chúng ta chỉ có một cơ hội duy nhất để làm điều này", ông Trump nói.

Mục tiêu thực sự của ông Trump là gì?

Nếu những gì ông Trump đang làm không chỉ đơn thuần là đòn bẩy đàm phán, mà là một kế hoạch thay đổi trật tự thương mại toàn cầu, thì cái giá phải đánh đổi - có thể là cả một cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới - liệu có xứng đáng?

Một giả thuyết đang được nhiều người bàn tán là kế hoạch bí mật giữa ông Trump và các cố vấn thân cận – gọi là "Thỏa thuận Mar-a-Lago" – với mục tiêu cuối cùng là ép các đối tác thương mại quốc tế làm suy yếu đồng USD trên thị trường ngoại hối. Điều này sẽ khiến hàng xuất khẩu của Mỹ rẻ hơn, giúp tăng sức cạnh tranh, đồng thời giảm giá trị của khoản dự trữ USD khổng lồ mà Trung Quốc đang nắm giữ.

Đây là đề xuất được thúc đẩy bởi cố vấn kinh tế Stephen Miran, mặc dù quan chức này phủ nhận đó là chính sách chính thức.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều giả thuyết nhằm lý giải sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán hiện nay. Nhiều nhà kinh tế học cảnh báo rằng đây là một nước đi đầy rủi ro và rõ ràng nó không phải là lời giải thích duy nhất cho những gì đang diễn ra.

Kể từ khi ông Trump khiến cả thế giới chấn động với kế hoạch áp thuế quy mô lớn, các quan chức Nhà Trắng đã nhanh chóng xuất hiện dày đặc trên truyền thông, kêu gọi công chúng kiên nhẫn và đưa ra hàng loạt lời giải thích, đôi khi còn mâu thuẫn nhau, về chiến lược phía sau cuộc chiến thương mại toàn cầu của Tổng thống Trump.

Có người nói ông Trump làm vậy để tăng nguồn thu và bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ. Có người cho rằng đây chỉ là một công cụ mặc cả trong đàm phán. Mức thuế này có thể là vĩnh viễn hoặc tạm thời. Chúng có thể dẫn đến các thỏa thuận song phương riêng rẽ với từng quốc gia, hoặc buộc các nước phải tham gia một hiệp định thương mại đa phương lớn hơn.

Khi ông Trump tiếp tục tiến gần đến “vách đá thuế quan” vào 9/4 mà không có bất kỳ dấu hiệu nào sẽ lùi bước, ông dường như vẫn muốn giữ cả thế giới trong tình trạng phải "đoán già đoán non".

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: BBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/muc-tieu-thuc-su-cua-ong-trump-la-gi-dang-sau-van-bai-thue-quan-can-nao-post1190422.vov