ASEAN và con đường giải quyết áp lực từ tình trạng thiếu kinh phí chăm sóc sức khỏe

HNN - Chăm sóc sức khỏe chất lượng được nhận định là quyền cơ bản và là chiến lược kinh tế thông minh. Tuy nhiên trên khắp Đông Nam Á, khả năng tiếp cận vẫn không đồng đều và các hệ thống quốc gia vẫn đang thiếu nguồn lực, trong khi nhu cầu về chăm sóc sức khỏe chất lượng của người dân lại tăng nhanh đáng kể.

 Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần được đặt ngang hàng với chính sách phát triển và kinh tế khu vực. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần được đặt ngang hàng với chính sách phát triển và kinh tế khu vực. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Bất chấp cải cách, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe công cộng trên khắp Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trung bình chỉ chiếm dưới 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức thấp hơn nhiều so với mức trung bình 9% của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Với tỷ lệ thấp này, tác động là rất rõ ràng, gồm hệ thống quá tải, chi phí tự trả cao và xuất hiện tình trạng không bình đẳng.

Có thể nói rằng, sức khỏe cũng là một cuộc khủng hoảng tương tự như khủng hoảng kinh tế. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, ở các nước thu nhập trung bình thấp, sức khỏe kém làm giảm tăng trưởng GDP tới 1,5%/năm và ASEAN không thể để mất đà trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng cạnh tranh.

Hệ thống y tế ASEAN đang chịu nhiều áp lực

ASEAN là nơi sinh sống của hơn 670 triệu người, đông dân hơn Liên minh châu Âu (EU) là 220 triệu người và hơn Bắc Mỹ gần 70 triệu người. Đây là khu vực có quy mô lớn và khá đa dạng. Ngoài ra, ASEAN cũng đang già đi nhanh chóng. Đến năm 2030, cứ 7 công dân ASEAN thì có 1 người trên 60 tuổi và đến năm 2050, con số sẽ chiếm hơn 20% dân số.

Đồng thời, quá trình đô thị hóa, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống đang khiến các bệnh không lây nhiễm (NCD) tăng nhanh chóng, như bệnh tiểu đường, ung thư và các bệnh tim mạch. Gánh nặng kép do dân số ngày càng tăng và tỷ lệ mắc bệnh mãn tính cao đang gây sức ép lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn còn thiếu kinh phí và phạm vi bao phủ không đồng đều. Nếu không có các khoản đầu tư táo bạo và có mục tiêu vào công tác phòng ngừa, cơ sở hạ tầng y tế và phát triển lực lượng lao động, khu vực có nguy cơ bị quá tải.

Hậu quả không chỉ dừng lại ở sức khỏe cộng đồng, mà còn tác động đến năng suất lao động, thu nhập hộ gia đình và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Đại dịch COVID-19 là lời nhắc nhở nghiêm khắc về việc các hệ thống y tế thiếu nguồn lực có thể dễ bị tổn thương như thế nào khi khủng hoảng xảy ra và việc đầu tư sớm, đầu tư nhất quán có tầm quan trọng ra sao để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế khu vực.

Đối tác chiến lược gọi tên khu vực tư nhân

Quan hệ đối tác công tư (PPP) đóng vai trò xúc tác trong việc củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe. Không chỉ cung cấp tài chính, mà quan hệ đối tác công tư cũng mở rộng quy mô đổi mới để xây dựng khả năng phục hồi của hệ thống y tế ASEAN.

Các khoản đầu tư gần đây, đơn cử như Bain Capital đầu tư hơn 150 triệu USD vào Tập đoàn chăm sóc sức khỏe Mayapada của Indonesia để mở rộng hoạt động bệnh viện, hoặc Warburg Pincus đầu tư vào tập đoàn bệnh viện tư nhân Xuyên Á của Việt Nam để mở rộng dịch vụ bao gồm cả chăm sóc ung thư toàn diện… đã phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào tiềm năng của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của ASEAN.

Dự kiến, dân số trên 60 tuổi của ASEAN sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2020 - 2050, tức từ 65 triệu người lên hơn 150 triệu người. Do đó, nếu không có giải pháp, sự gia tăng này sẽ vượt quá khả năng chăm sóc sức khỏe trên khắp khu vực.

Hợp tác khu vực vô cùng quan trọng

Trong khi các hệ thống chăm sóc sức khỏe của từng quốc gia trên khắp ASEAN là khác nhau, sự hợp tác xuyên biên giới vẫn chưa được tận dụng hiệu quả. Vì vậy, việc hài hòa các tiêu chuẩn quản lý, đơn cử như cho phép mua thuốc không kê đơn (OTC) xuyên biên giới, có thể giúp giảm chi phí, cải thiện khả năng tiếp cận và tăng cường khả năng chuẩn bị ứng phó với khủng hoảng y tế của khu vực.

Tương lai dài hạn

Khi ASEAN hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cần được đặt ngang hàng với chính sách phát triển và kinh tế khu vực. ASEAN rất cần hợp tác với các bên liên quan tư nhân để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cho tất cả mọi người. Sức khỏe không phải là chi phí cần kiểm soát mà là khoản đầu tư vào vốn con người, năng suất và ổn định xã hội.

Một hệ thống y tế mạnh mẽ, toàn diện là nền tảng của những xã hội kiên cường. Điều cần thiết hiện nay là ý chí chính trị để hành động quyết đoán và một mô hình hợp tác mới giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và các cơ quan khu vực.

Nếu ASEAN muốn xây dựng một tương lai lành mạnh hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn về mặt kinh tế, thì phải bắt đầu từ việc đầu tư cho chăm sóc sức khỏe chất lượng. Các chuyên gia khẳng định, đây chính là ưu tiên mang tính chiến lược.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ The Business Times)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/asean-va-con-duong-giai-quyet-ap-luc-tu-tinh-trang-thieu-kinh-phi-cham-soc-suc-khoe-153413.html