ASEAN và kỳ vọng chuyển mình
Với hàng loạt thay đổi lớn đang diễn ra trên thế giới, ASEAN được kỳ vọng nhanh chóng chuyển mình, tìm thêm hướng đi mới để thích nghi, chiếm cơ hội dẫn đầu.
Hôm 10-5, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 đã chính thức khai mạc tại TP Labuan Bajo (Indonesia). Với chủ đề “ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, nhiều vấn đề ưu tiên sẽ được các lãnh đạo ASEAN tập trung thảo luận như phục hồi kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, kinh tế xanh, chuyển đổi số và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo cho rằng để ASEAN thực sự là tâm điểm và động lực cho tăng trưởng của khu vực và toàn cầu thì khối cần ưu tiên hội nhập kinh tế, hợp tác bao trùm, bảo đảm an ninh lương thực, tự cường năng lượng và ổn định tài chính, theo tờ The Nikkei.
Trả lời phỏng vấn Pháp Luật TP.HCM, GS Reo Matsuzaki thuộc ĐH Trinity (Mỹ) đồng ý với nhận định của Tổng thống Widodo.
ASEAN trước thế giới nhiều thay đổi
GS Matsuzaki lưu ý hiện khối ASEAN đang phát triển trong một thế giới nhiều biến chuyển. Nhiều thành viên vẫn đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19. Căng thẳng địa chính trị trong và ngoài khu vực đang tăng nhanh. Các vấn đề môi trường cũng trở nên nghiêm trọng hơn.
“Từ đây đến mốc 2025 và sau đó, ASEAN cần hết sức chú ý tới những làn sóng lớn quét qua hệ thống chính trị - kinh tế và toàn cầu. Đó là (1) sự lan rộng của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa khu vực do sự thụt lùi của quá trình toàn cầu hóa; (2) quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ vào quản lý công” - GS Matsuzaki chia sẻ.
Về vấn đề đầu tiên, GS Matsuzaki nhắc đến cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về Brexit (rút khỏi Liên minh châu Âu) và quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là biểu hiện rõ nhất. Ngoài ra, một số quốc gia gần đây đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để giảm thiểu áp lực lạm phát và chuỗi cung ứng trong nền kinh tế nội địa.
ASEAN ngày 10-5 ra tuyên bố lên án vụ đoàn xe viện trợ của ASEAN bị tấn công ở Myanmar gần đây, theo kênh Channel News Asia. Khối nhấn mạnh quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Myanmar, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực và sử dụng vũ lực.
Các hình thức khu vực, chẳng hạn như khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và các thỏa thuận của “bộ tứ kim cương” QUAD (Mỹ, Úc, Nhật và Ấn Độ) cũng đang gây áp lực lên ASEAN và đòi hỏi những sáng kiến trong nội khối.
Về vấn đề thứ hai, các loại hình dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện liên tục gần đây thách thức các nước về vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân và an ninh mạng. Dù vậy, GS Matsuzaki cho rằng AI cũng tạo ra hướng đi mới trong quản lý công và việc triển khai công nghệ mới này là cơ hội để ASEAN cải thiện cơ cấu hành chính, phù hợp với mục tiêu dài hạn về nâng cao năng lực hành chính.
“Kỳ hội nghị lần này chính là dịp để các nhà hoạch định chính sách ASEAN nghiêm túc nghĩ đến một giải pháp mới để xây dựng cộng đồng ASEAN giai đoạn tiếp theo. Tôi cho rằng khối có đủ năng lực để giải quyết được nếu đủ quyết tâm và sự đồng lòng giữa các thành viên. Rất quan trọng là cộng đồng ASEAN với ba trụ cột vẫn đảm bảo sự phù hợp, tính cạnh tranh và tầm ảnh hưởng bao trùm, bền vững, gắn kết để thích ứng” - theo GS Matsuzaki.
Triển vọng kinh tế sắp tới của ASEAN
Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế ASEAN trong hơn 50 năm qua, nhiều chuyên gia ghi nhận sức bật ấn tượng khi khối nỗ lực duy trì tăng trưởng trung bình 5% suốt hơn 20 năm (2000-2020). Trong số các nước thành viên, Campuchia, Lào và Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất. Trong cùng kỳ, tổng trao đổi thương mại hàng hóa trong ASEAN đã tăng gần 3,5 lần, đạt hơn 2.600 tỉ USD vào năm 2020, theo số liệu của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Dù vậy, mức độ hợp tác nội khối của ASEAN như vậy vẫn bị cho là còn chưa cao nếu so với các quan hệ đối tác khác ngoài khu vực, do thị trường của nhiều nước thành viên chưa phát triển bằng thị trường của nhiều nước ngoài khối. Điều này đồng nghĩa các cơ hội bên ngoài khu vực có thể hấp dẫn hơn và dễ nắm bắt hơn, trong khi ASEAN vẫn còn dư địa kinh tế để tiến xa hơn nữa.
Theo cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương, các lãnh đạo ASEAN trong hội nghị lần này dự kiến thông qua một loạt các văn kiện hỗ trợ phục hồi - phát triển kinh tế khu vực. Trong đó nổi bật có Tuyên bố chung hướng đến tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025, phát triển hệ sinh thái xe điện ở khu vực, Sáng kiến một sức khỏe ASEAN, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng bản tệ.
Theo GS Matsuzaki, đây là số lượng văn bản tương đối nhiều trong một kỳ Hội nghị ASEAN Cấp cao, so với các hội nghị trước đó. Dù vậy, đây là điểm tốt bởi nó cho thấy lãnh đạo các nước thành viên dần nhận thấy tầm quan trọng và lợi thế to lớn của sự hợp tác toàn khu vực, thay vì các hành động và chính sách đơn lẻ. Trên thực tế, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) hồi năm ngoái chỉ ra rằng các thỏa thuận thương mại khu vực có ảnh hưởng tích cực và đáng kể lên quá trình cung cấp nền tảng cho sự chuyển đổi cơ cấu của chuỗi giá trị toàn cầu trong phát triển kinh tế sau đại dịch.
“Để giúp ASEAN có thể cạnh tranh với nhóm hợp tác và các khối kinh tế trong khu vực thì việc mở rộng hệ thống văn kiện hợp tác như vậy là bước đi đúng đắn. Chúng sẽ là những cơ sở pháp lý - chính trị để thúc đẩy hơn nữa tiềm năng kinh tế của ASEAN” - GS Matsuzaki nhận định.
ASEAN đối thoại tích cực với các nhóm hành động liên quan
Theo cổng thông tin chính thức của chính phủ, các lãnh đạo ASEAN ngày 10-5 có buổi đối thoại với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), đại diện thanh niên, Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Về vấn đề tạo động lực tăng trưởng khu vực, AIPA cam kết phối hợp với chính quyền các thành viên để hỗ trợ phục hồi, tăng cường kết nối, hội nhập khối. Trước những tác động và hệ lụy phức tạp của biến chuyển trong địa chính trị, AIPA khẳng định sẵn sàng chung tay cùng ASEAN vượt qua khó khăn, xây dựng tương lai tươi sáng cho khu vực.
Tại buổi làm việc với đại biểu thanh niên ASEAN đã có kiến nghị các chính quyền thành viên thích ứng và nắm bắt các tiến bộ công nghệ số, tạo các diễn đàn khuyến khích trao đổi, học hỏi kỹ năng số giữa thanh niên các nước, từ đó tạo thêm điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số bao trùm, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Về phía ABAC, nhóm nhấn mạnh ASEAN đang sở hữu nhiều lợi thế như tăng trưởng kinh tế hằng năm tới 5%; thị trường lao động lớn thứ ba thế giới; có lợi thế tài nguyên thiên nhiên; kinh tế số đang trên đà phát triển mạnh; thị trường tiêu dùng rộng mở và có tiềm năng phát triển dài hạn để phát huy tối đa các lợi thế.
Nhóm HLTF trình các lãnh đạo ASEAN văn kiện về thành tố chính của tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025, với định hướng bao trùm là xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, năng động, bao trùm có năng lực ứng phó hiệu quả và thích ứng linh hoạt với các chuyển động chiến lược ở khu vực và thế giới. Nhóm HLTF cũng nêu rõ các xu hướng lớn tác động đến ASEAN và các thách thức ASEAN cần xử lý trong giai đoạn tiếp theo như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khoảng cách phát triển và già hóa dân số.
Nguồn PLO: https://plo.vn/asean-va-ky-vong-chuyen-minh-post732740.html