ASEAN và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải ở Biển Đông

Là Đối tác chiến lược toàn diện của nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các thành viên ASEAN và Nhật Bản chia sẻ tầm nhìn và lợi ích chung của hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác trong khu vực; trong đó có Biển Đông, thúc đẩy hợp tác vì an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển có ý nghĩa quan trọng chiến lược với cả hai bên.

Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho 4 quốc gia Đông Nam Á theo kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải dài hạn

Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần tra cho 4 quốc gia Đông Nam Á theo kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải dài hạn

Cam kết hỗ trợ dài hạn về an ninh hàng hải

Đài truyền hình NHK của Nhật Bản mới đây cho biết, Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida có kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải cho 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia và Philippines, Malaysia và Việt Nam. Đây là sự hỗ trợ mang tính dài hạn đối với lực lượng an ninh trên biển của 4 quốc gia thành viên ASEAN có bờ biển ở Biển Đông. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) được Chính phủ nước này giao xây dựng kế hoạch 10 năm nhằm hỗ trợ 4 quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, hoạt động tìm hiểu nhu cầu thực tế đã bắt đầu từ tháng 1-2024 tại Philippines và Indonesia và từ tháng 4 tới là tại Việt Nam và Malaysia.

Đài NHK dẫn nguồn tin cho biết, hoạt động hỗ trợ cho 4 quốc gia Đông Nam Á chính thức bắt đầu từ tháng 3-2025 với việc cung cấp radar, máy bay không người lái (UAV), tàu tuần tra và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực an ninh biển. Theo truyền thông Nhật Bản, đây cũng chính là 4 quốc gia mà chính phủ Nhật Bản coi là đối tác ưu tiên hàng đầu về mặt an ninh ở khu vực Biển Đông.

Trước đó, vào tháng 4-2023 Nhật Bản đã lần đầu tiên phá bỏ quy tắc không viện trợ quân sự cho nước ngoài khi thông qua Chương trình Hỗ trợ An ninh nước ngoài (OSA). Chương trình OSA được quản lý riêng biệt với chương trình Hỗ trợ Phát triển chính thức nước ngoài (ODA) vốn chỉ được sử dụng để hỗ trợ xây dựng hạ tầng dân sự. Các khoản viện trợ theo chương trình mới dùng để mua hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh, radio… dùng cho giám sát trên biển và trong số những quốc gia đầu tiên tiếp nhận viện trợ từ OSA có thể là Philippines, Malaysia… Viện trợ của OSA không được sử dụng để mua vũ khí sát thương dùng trong xung đột với nước khác và phải tuân thủ 3 nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản.

Nhật Bản lên kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải lâu dài cho 4 thành viên ASEAN sau khi vừa thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và kỷ niệm 50 năm này thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12-2023 vừa qua. Trải qua hơn nửa thế kỷ xây đắp quan hệ với chính sách ngoại giao “từ trái tim đến trái tim”, ASEAN và Nhật Bản đã thiết lập hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau.

Quan hệ hợp tác giữa hai bên phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, cả về chính trị - an ninh, kinh tế lẫn văn hóa - xã hội. Trong suốt chặng đường qua, Nhật Bản luôn tích cực đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác hiệu quả với ASEAN. Ngược lại, ASEAN luôn cần sự hỗ trợ của Nhật Bản để xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, thịnh vượng. ASEAN và Nhật Bản hiện đã trở thành những đối tác không thể thiếu của nhau, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên.

Lãnh đạo hai bên tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã thống nhất làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị-an ninh, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế nhằm chung tay ứng phó các thách thức khu vực và toàn cầu. Trong đó, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của tôn trọng luật pháp quốc tế, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhật Bản khẳng định ủng hộ nỗ lực của ASEAN triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đóng 6 tàu tuần tra trên biển cho Việt Nam

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN, kể từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự lớn mạnh của ASEAN, trong đó có thúc đẩy, nâng tầm quan hệ của ASEAN với các đối tác lớn, quan trọng như Nhật Bản. Việt Nam luôn chủ động, tích cực thúc đẩy củng cố và nâng tầm quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ và phát triển theo hướng hiệu quả, cùng có lợi, mang lại hiệu quả thực chất cho cả hai bên.

Sự phát triển tốt đẹp quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa Việt Nam và Nhật Bản suốt hàng chục năm cũng là một đóng góp quan trọng thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, giao lưu cấp cao và các cấp diễn ra mật thiết. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 cho đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đã lần lượt xác lập khuôn khổ quan hệ từ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài năm 2002 lên Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2009, Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á năm 2014. Đặc biệt, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cuối tháng 11-2023.

Trong Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên thượng tôn pháp luật và các nguyên tắc đề cao Hiến chương Liên Hợp quốc nhằm thúc đẩy hợp tác và đạt được hòa bình, ổn định, và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tái khẳng định rằng, Việt Nam và ASEAN là những đối tác quan trọng giúp Nhật Bản hiện thực hóa Tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) và Nhật Bản sẵn sàng ủng hộ Việt Nam và ASEAN, bao gồm trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) và trong triển khai Tuyên bố chung cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23 về Hợp tác về AOIP.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc tránh có các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép và làm gia tăng căng thẳng. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị cản trở trên Biển Đông, tự kiềm chế, và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với UNCLOS, đồng thời tái khẳng định UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế toàn diện nhất về biển.

Trên cơ sở Quan hệ Đối tác Chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, hợp tác quốc phòng, an ninh Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, cùng với việc đưa Việt Nam vào danh sách 4 quốc gia Đông Nam Á nhận hỗ hợ an ninh hàng hải lâu dài, Nhật Bản đang xem xét đưa Việt Nam vào Chương trình OSA. Nhật Bản cũng cam kết viện trợ để đóng 6 tàu tuần tra cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhằm tăng cường năng lực bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/asean-va-nhat-ban-thuc-day-hop-tac-an-ninh-hang-hai-o-bien-dong-post567145.antd