Ashraf Ghani thất bại trong nỗ lực hòa giải với Taliban và lời hứa còn bỏ ngỏ

Ngày Chủ nhật (15/8), khi quân Taliban tiến vào tiếp quản thủ đô sau hơn 3 tháng bắt đầu cho một cuộc tổng tấn công trên khắp cả nước, Tổng thống Ashraf Ghani đã rời dinh tổng thống ở Kabul và chạy khỏi Afghanistan trong nỗi thất vọng.

Tổng thống Ashraf Ghani - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Afghanistan: Kabul thất thủ đánh dấu chấm hết cho sứ mệnh kéo dài 20 năm của Mỹ

Taliban kiểm soát Kabul, Tổng thống Afghanistan rời khỏi đất nước

Hành trình bám rễ dài dẳng của Taliban và kịch bản cho Afghanistan hậu rút quân

Ông Ashraf Ghani, người từng hai lần đắc cử Tổng thống sau các cuộc bầu cử căng thẳng, đã rời khỏi đất nước mà điểm đến không được tiết lộ. Đài Al Jazeera đưa tin ông đã bay đến Uzbekistan, trong khi một nguồn tin khác cho biết ông Ghani đã tới Tajikistan.

"Để tránh đổ máu, tôi nghĩ tốt hơn là nên rời đi," ông Ghani viết trên Facebook. Một lời tạm biệt ngắn gọn nhưng chứa đựng thông điệp của sự thất bại.

Đắc cử lần đầu tiên vào năm 2014, ông Ghani tiếp quản đất nước từ tay cựu Tổng thống Hamid Karzai, người đã lãnh đạo Afghanistan sau khi Mỹ dẫn đầu liên minh đưa quân vào Afghanistan năm 2001 bằng chiến dịch được gọi là cuộc chiến chống khủng bố.

Trước đó, Tổng thống Ghani đã chứng kiến trọn vẹn đất nước Afghanistan từ khi Hoa Kỳ hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, rồi việc rút gần như hoàn toàn các lực lượng nước ngoài khỏi đất nước, cũng như một tiến trình hòa bình tồi tệ với Taliban nổi dậy.

Ngồi ở vị trí quyền lực nhất chính phủ, ông coi nỗ lực chấm dứt hàng thập kỷ chiến tranh là ưu tiên hàng đầu, bất chấp việc Taliban tiếp tục tấn công chính phủ và lực lượng an ninh của mình, đồng thời bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình với quân Taliban ở thủ đô Doha của Qatar vào năm 2020.

Tuy nhiên, Tổng thống Ghani ngày càng bị cô lập trước mục tiêu đầy tham vọng của mình. Các chính phủ nước ngoài dần thất vọng vì tiến độ đàm phán chậm chạp và phản ứng ngày càng gay gắt của ông. Một làn sóng kêu gọi một chính phủ lâm thời thay thế chính quyền của ông ngày càng nhiều.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông đã cố gắng bổ nhiệm một thế hệ mới gồm những người Afghanistan trẻ tuổi, có học thức vào các vị trí lãnh đạo.

Ông hứa sẽ chống lại nạn tham nhũng tràn lan, khắc phục nền kinh tế tê liệt và biến đất nước thành một trung tâm thương mại khu vực giữa Trung và Nam Á. Nhưng ông đã không thể thực hiện hầu hết những lời hứa đó.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, các thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan và dân thường có vũ trang đã thất bại trong việc ngăn chặn Taliban - Ảnh: Reuters

Chặng đường dài và giấc mơ dang dở

Là một nhà nhân chủng học được đào tạo tại Hoa Kỳ, ông Ghani, 72 tuổi, có bằng tiến sĩ tại Đại học Columbia của Thành phố New York và được tạp chí Foreign Policy vinh danh là một trong "100 nhà tư tưởng toàn cầu hàng đầu thế giới" vào năm 2010.

Con đường đến với vị trí tổng thống của ông rất gian nan. Ông đã dành gần một phần tư thế kỷ sống ở nước ngoài trong những năm Taliban nắm quyền ở Afghanistan. Trong thời gian đó, ông được biết đến với tư cách là một học giả tại Hoa Kỳ và sau đó là tại Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc trên khắp Đông và Nam Á.

Trong vòng vài tháng sau khi Hoa Kỳ đưa quân vào Afghanistan, ông từ chức khỏi các chức vụ quốc tế của mình và quay trở lại Kabul để trở thành cố vấn cấp cao cho Tổng thống mới được bổ nhiệm, Hamid Karzai.

Ông Ghani từng là Bộ trưởng Tài chính Afghanistan vào năm 2002, nhưng không hợp tác với Tổng thống Karzai, và vào năm 2004, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng Đại học Kabul, nơi ông được coi là một nhà cải cách hiệu quả cũng như thành lập một nhóm tư vấn có trụ sở tại Washington hoạt động về các chính sách trao quyền cho một số người nghèo nhất thế giới.

Năm 2009, Ghani, người thuộc sắc tộc Pashtun chiếm đa số ở Afghanistan như Karzai, tranh cử tổng thống nhưng đứng thứ tư, giành được khoảng 4% số phiếu bầu trên toàn quốc.

Ông tiếp tục làm việc trong các vai trò quan trọng ở Afghanistan, chủ trì một cơ quan giám sát quá trình chuyển đổi an ninh từ NATO sang Afghanistan.

Với việc Tổng thống Karzai bị hiến pháp Afghanistan cấm nắm quyền lần thứ ba, ông Ghani đã thực hiện chiến dịch tranh cử Tổng thống thứ hai và thành công vào năm 2014. Sau đó, ông Ghani tiếp tục tái đắc cử vào năm 2019.

Trong thời gian nắm quyền, mối quan hệ của ông với Washington và các nước phương Tây khác không mấy suôn sẻ. Ông là người chỉ trích gay gắt về những gì ông gọi là lãng phí viện trợ quốc tế ở Afghanistan và thường không để mắt đến chiến lược Afghanistan của phương Tây. Trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông Ghani nói: "Tương lai sẽ được quyết định bởi người dân Afghanistan, chứ không phải bởi ai đó ngồi sau bàn giấy và mơ mộng".

Suốt 7 năm trên cương vị Tổng thống Afghanistan, ông Ghani đã nỗ lực giúp Afghanistan cải thiện nền kinh tế kết hợp với mục tiêu hòa giải dân tộc. Tuy nhiên, do sự chia rẽ dân tộc bởi sự cát cứ của những các lãnh chúa ở nhiều khu vực, cũng như nhiều vấn đề lịch sử để lại ở một đất nước nghèo đói sau nhiều thập kỷ rơi vào chiến tranh, chính phủ của ông Ghani đã không thể chấm dứt tình trạng bất ổn và bạo lực triền miền.

Trong bối cảnh địa chính trị thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, mà quyết định rút quân của Mỹ là một bước ngoặt, chính phủ của ông Ghani đã không có một chiến lược cụ thể và chắc chắn để đứng vững trước tham vọng ngày càng tăng của Taliban.

Ngày 15/8, sau những nỗ lực không biết miệt mỏi trong việc cải tổ chính phủ, quân đội cũng như liên kết với các lực lượng dân quân từ các tỉnh, ông Ghani buộc phải rời khỏi đất nước với những lời hứa còn chưa thực hiện khi quân Taliban tiến vào tiếp quản thủ đô Kabul.

Hoàng Long

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ashraf-ghani-that-bai-trong-no-luc-hoa-giai-voi-taliban-va-loi-hua-con-bo-ngo-post150452.html