ASIAN Today: Vắc xin của Việt Nam sẽ đóng một vai trò trong địa chính trị đại dịch

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển vắc xin trong nước một phần để giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung cấp nào. Không những vậy, Việt Nam còn sẵn sàng chia sẻ công nghệ vắc xin, hỗ trợ sản xuất ở nước ngoài, nhằm nâng cao vị thế địa chính trị của quốc gia trong số các nước đang phát triển.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ hai từ phải sang) kiểm tra việc tiêm vắc xin COVIVAC cho một tình nguyện viên - Ảnh: TTXVN

Tờ ASIAN Today, một trang web bình luận hàng đầu khu vực ASEAN ngày 24/3 có bài viết “Vắc xin của Việt Nam sẽ đóng một vai trò trong địa chính trị đại dịch”, nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong việc tự sản xuất vắc xin COVID-19 nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung bên ngoài, đồng thời trở thành động lực cho các quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Nỗ lực tự thân của Việt Nam

Khi các nỗ lực tiêm chủng ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, Việt Nam nổi lên là một trong số ít các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đang trên đà bắt đầu sản xuất vắc xin COVID-19 của riêng mình. Hai loại vắc xin của Việt Nam đã trở thành những loại thuốc đầu tiên được phát triển ở Đông Nam Á bắt đầu bước vào quá trình thử nghiệm lâm sàng, ASIAN Today bình luận.

Công ty Công nghệ sinh học dược phẩm Nanogen của Việt Nam đã phát triển một loại vắc xin ứng cử viên có tên là Nanocovax, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2, được công ty báo cáo là có hiệu quả trong việc kích hoạt phản ứng miễn dịch và có khả năng sẽ bảo vệ chống lại dòng virus Corona mới được phát hiện ban đầu ở Anh. Các thử nghiệm hiện tại đang tiến triển tốt và chính phủ có thể tiến hành phê duyệt khẩn cấp và Nanocovax có thể được đưa vào sử dụng sớm nhất vào tháng 5. Loại vắc xin thứ hai có tên Covivac, do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) phát triển, cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào ngày 15/3.

Vì phần lớn các loại vắc xin hiện tại đều đến từ Hoa Kỳ và châu Âu và hầu hết các công ty dược phẩm không sẵn sàng chia sẻ công nghệ của họ, nên nhiều quốc gia không đủ khả năng mua đủ liều lượng cần thiết. Giống như nhiều chính phủ, Việt Nam cũng cảnh giác với việc trở nên quá phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào về vắc xin của mình. Một trong những nguyên nhân của việc đẩy mạnh phát triển vắc xin của Việt Nam để cân bằng ảnh hưởng của nước ngoài xuất phát từ thành công trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19 trong nước. Đến nay Việt Nam mới ghi nhận 35 trường hợp tử vong trong khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang chịu sự tàn phá mạnh mẽ từ đại dịch này, với hàng nghìn ca nhiễm và hàng trăm ca tử vong mỗi ngày.

Việc kiềm chế được dịch giúp Việt Nam có thời gian để phát triển vắc xin, thành tựu mà những năm gần đây Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc trong nghiên cứu khoa học.

Vắc xin của Việt Nam có thể cho phép chính phủ định vị mình là người đi đầu trong số các nước đang phát triển bằng cách hỗ trợ để tự đảm bảo nguồn thuốc, tạo đà cho sự phục hồi nói chung. Cách tiếp cận rõ ràng đối với chính sách vắc xin cho thấy vai trò địa chính trị đang thay đổi của Việt Nam.

Bằng cách hỗ trợ phát triển và sản xuất vắc xin ở miền Nam Toàn cầu, Việt Nam phù hợp với việc thúc đẩy công bằng vắc xin toàn cầu. Trong trường hợp các công ty dược phẩm ở Mỹ và Anh kiên định với bằng sáng chế của họ và hạn chế sản xuất ở nước ngoài, thì Việt Nam sẽ cung cấp cho các nước một giải pháp thay thế vắc xin rẻ, đáng tin cậy và trung lập về mặt chính trị.

Việt Nam đã nhận một số liều vắc xin Sputnik V của Nga - Ảnh: Mos.ru, CC BY 4.0

Việt Nam khẳng định vị thế trong các cuộc đua vắc xin ở Đông Nam Á

Việt Nam đã bắt đầu tiêm vắc xin đầu tiên trong tổng số 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca và đã nhận được một lượng nhỏ vắc xin Sputnik V do Nga tài trợ. Chính phủ đặt mục tiêu đảm bảo tổng cộng 150 triệu liều vào cuối năm, đủ để tiêm chủng cho 70% dân số, bên cạnh việc tìm kiếm thêm nguồn vắc xin từ công ty Pfizer ở Mỹ.

Thái Lan cũng đang phát triển hai loại vắc xin COVID-19 của riêng mình, một ứng viên của Đại học Chulalongkorn và một ứng viên của Đại học Mahidol. Những liều vắc xin Chulalongkorn đầu tiên đang được sản xuất bởi các đối tác ở California, mặc dù các nhà sản xuất trong nước đặt mục tiêu sẵn sàng sản xuất khoảng 5 triệu liều mỗi năm vào cuối năm 2021. Để so sánh, Nanogen của Việt Nam khẳng định có năng lực sản xuất 10 triệu liều vắc xin mỗi năm.

Các chính phủ Đông Nam Á khác đang hy vọng ít nhất sẽ bắt đầu sản xuất trong nước các loại vắc xin do nước ngoài phát triển. Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều đang làm việc với các nhà sản xuất vắc xin nước ngoài, chủ yếu là Sinovac hoặc AstraZeneca, để sản xuất hoặc hoàn thiện thuốc trong nước. Một trường Đại học Y ở Singapore cũng đang phát triển một loại vắc xin đơn liều với sự hợp tác của công ty Arcturus Therapeutics của Mỹ.

Trong động thái phối hợp chung nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, Việt Nam bày tỏ hy vọng sẵn sàng làm việc với các nước trong khu vực và xa hơn nữa để giúp họ sản xuất vắc xin Việt Nam trong nước. Công ty Nanogen khẳng định sẽ chia sẻ quy trình và công nghệ sản xuất vắc xin với các nhà sản xuất ở các quốc gia khác.

“Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật của mình. Vấn đề là liệu họ có sản xuất được hay không”, Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nanogen cho biết.

Công ty Nanogen đầu tiên được chính phủ khai thác để phát triển liệu pháp kháng thể đơn dòng để điều trị COVID-19, nhưng không có đủ trường hợp mắc bệnh trong nước để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Điều này thúc đẩy công ty sớm chuyển sang phát triển vắc xin COVID-19, tham gia cuộc đua hướng tới sản xuất trong nước. Cùng với Nanocovax và Covivac, còn có hai loại vắc xin của Việt Nam vẫn chưa bắt đầu thử nghiệm là Vabiotech do Công ty Sản xuất vắc xin và sinh phẩm số 1 phát triển và Polyvac do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm phát triển.

Có thể nói, nỗ lực của Việt Nam đang cổ vũ những người ủng hộ việc tiếp cận công bằng hơn với vắc xin, vì tiêm chủng ở Mỹ và các nước giàu có khác đi trước phần còn lại của thế giới một năm hoặc hơn thế.

Ngoài ra, vắc xin của Việt Nam – nếu hoàn thành thử nghiệm và được đưa vào sử dụng - sẽ giúp đa dạng nguồn cung vắc xin đang khan hiếm, góp phần chung tay ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đã khiến gần 3 triệu người tử vong trên thế giới.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/asian-today-vac-xin-cua-viet-nam-se-dong-mot-vai-tro-trong-dia-chinh-tri-dai-dich-post126537.html