AstraZeneca – Nỗ lực không ngừng vì nền y tế bền vững tại Việt Nam
Với tầm nhìn về một nền y tế bền vững, trong những năm qua, AstraZeneca đã liên tục hỗ trợ nhiều hoạt động và sáng kiến góp phần đẩy lùi bệnh không lây nhiễm và thúc đẩy các hợp tác chiến lược nhằm đồng hành cùng chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu tiếp cận y tế toàn diện tại Việt Nam.
Hợp tác đẩy lùi bệnh không lây nhiễm đặc biệt là các bệnh lý về phổi
Với dân số già hóa và những thay đổi về môi trường như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ tăng cao, ô nhiễm không khí có ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe cộng đồng, đã góp phần làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính, các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ở những nhóm dân số dễ bị tổn thương. Chính vì vậy, hiện nay các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản và ung thư ngày càng gia tăng, trở thành những nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tình trạng này mang đến nhiều thách thức và áp lực đối với hệ thống y tế quốc gia cần được giải quyết kịp thời.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ bệnh nhân mắc COPD ở mức trung bình và nặng tại Việt Nam thuộc nhóm cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chỉ 35% bệnh nhân COPD và hen phế quản được phát hiện sớm trước khi bệnh tiến triển đến giai đoạn biến chứng. Trong lĩnh vực ung thư, ung thư phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, với 75% bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ đạt 14,8%.
Trước thực trạng này, AstraZeneca đã chủ động hợp tác với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để tăng cường ứng dụng công nghệ y tế, tăng cường công tác sàng lọc và quản lý bệnh không lây nhiễm, góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Ngày 26/3 vừa qua, AstraZeneca Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe phổi khi đồng hành với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo lấy ý kiến xây dựng "Chương trình Sức khỏe Phổi Việt Nam giai đoạn 2025-2027". Chương trình này được kỳ vọng sẽ tiếp nối những kết quả đạt được trong lĩnh vực sức khỏe phổi từ giai đoạn trước cho đến nay, với trọng tâm là tăng cường tầm soát, phát hiện sớm, nâng cao hiệu quả chất lượng chẩn đoán, điều trị, và quản lý về sức khỏe phổi và tăng cường tiếp cận y tế toàn diện.
Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, nhấn mạnh: "AstraZeneca Việt Nam hoan nghênh kế hoạch của Bộ Y tế trong việc xây dựng một chương trình sức khỏe phổi toàn diện, bao gồm COPD, hen phế quản và ung thư phổi. Đây là một bước tiến quan trọng để quản lý các bệnh phổi mạn tính được hiệu quả hơn thông qua nỗ lực tăng cường tầm soát, phát hiện sớm và nâng cao chất lượng điều trị. Kế hoạch này phù hợp với Chiến lược quốc gia về quản lý bệnh không lây nhiễm. AstraZeneca Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và các đối tác liên quan, hỗ trợ các sáng kiến khoa học và đổi mới nhằm giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe phổi một cách bền vững và toàn diện, nhằm giúp giảm gánh nặng cho người bệnh và hệ thống y tế trong giai đoạn sắp tới".
Tăng cường tiếp cận y tế trong sức khỏe phổi, hướng tới tiếp cận y tế toàn diện
Biến đổi khí hậu gây ra những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất của thời đại chúng ta, và ngành chăm sóc sức khỏe đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh tật hiệu quả và đồng thời xây dựng hệ thống y tế có khả năng phục hồi và có thể thích ứng với nhu cầu sức khỏe đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh xã hội và khí hậu như hiện nay.
Với tiêu chí "phòng bệnh hơn chữa bệnh", các biện pháp phòng ngừa, can thiệp sớm và có mục tiêu có thể giảm đáng kể tỉ lệ nhập viện hay giúp cải thiện kết quả điều trị của bệnh nhân, làm giảm tỉ lệ tử vong hay cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chính vì thế, AstraZeneca đã chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác để thực hiện các chương trình khám sàng lọc trong cộng đồng và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, đặc biệt là cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hay ở những khu vực còn hạn chế về tiếp cận y tế. Các chương trình như "Vì lá phổi khỏe", "Thương phổi" không chỉ giúp cho người dân tiếp cận các kiến thức về các bệnh không lây nhiễm như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh hen phế quản, ung thư phổi… mà cònhỗ trợ người dân quản lý bệnh tốt hơn, tạo điều kiện cho việc chẩn đoán và điều trị sớm.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến xây dựng "Chương trình Sức khỏe Phổi Việt Nam giai đoạn 2025-2027".
Nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các dược phẩm tiên tiến, AstraZeneca cũng tích cực hợp tác với các đối tác trong nước để thực hiện các nghiên cứu lâm sàng. AstraZeneca tự hào là đơn vị tiên phong và dẫn đầu tại Việt Nam về số lượng thử nghiệm lâm sàng can thiệp tài trợ bởi các công ty dược phẩm được thực hiện thông qua các thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm và đa quốc gia ngay tại Việt Nam.
Tại thời điểm tháng 3/2025, AstraZeneca Việt Nam đang tiến hành 75 nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tập trung vào các nhóm bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư như ung thư phổi, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư biểu mô tế bào gang, ung thư vú…
Tổng số vốn đầu tư dành cho nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng từ 2006 lên đến 70 triệu USD, thể hiện cam kết của công ty AstraZeneca trong việc đầu tư và thúc đẩy các tiến bộ y tế và cũng như nâng cao năng lực cơ sở y tế trong nghiên cứu và phát triển.
AstraZeneca cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện và trường đại học y khoa hàng đầu như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Ung Bươú́ Hà Nội, … thúc đẩy việc chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện khả năng phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của bệnh lý về phổi, tăng cường tầm soát và chẩn đoán, cải thiện chất lượng điều trị và chất lượng cuộc sống bệnh nhân thông qua các hội thảo khoa học và chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, truyền thông giáo dục cộng đồng để nâng cao nhận thức về bệnh và các biện pháp phòng ngừa như tầm soát sớm để giúp tăng tỉ lệ sống còn và mở rộng cơ hội điều trị hiệu qua hơn cho bệnh nhân, và các nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, là một phần của dự án Chương trình hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống Y tế,vào tháng 8/2024 AstraZeneca Việt Nam đã phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế đã tổ chức "Hội thảo đối thoại chính sách: Ứng dụng của đánh giá công nghệ y tế trong việc đưa ra quyết định chi trả cho thuốc điều trị ung thư". Hội thảo này là một sự kiện quan trọng nhằm thảo luận về việc áp dụng HTA để giải quyết các thách thức về chi phí điều trị ung thư tại Việt Nam.
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị: "Ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong quyết định chi trả cho thuốc điều trị ung thư đóng vai trò quan trọng để đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách bảo hiểm y tế và giúp người bệnh tiếp cận được với các phương pháp điều trị hiện đại. Hội thảo này sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng chính sách y tế công bằng và bền vững cho Việt Nam."
Đến tháng 12/2024, AstraZeneca Việt Nam đã đồng hành cùng với sáng kiến "Tiếp Cận Y tế toàn diện – Vì một Việt Nam khỏe mạnh" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Y tế chỉ đạo, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (VYPA) và các đơn vị thực hiện. Đây không chỉ là một mục tiêu mà còn là sứ mệnh cốt lõi của ngành y tế trong hành trình chăm sóc sức khỏe toàn dân với cam kết bảo đảm mọi người dân, không phân biệt vùng miền, dân tộc, giới tính hay tình trạng kinh tế, đều được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ y tế chất lượng.

Song song với việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe, AstraZeneca cũng đồng hành cùng với các đối tác trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh không lây nhiễm. Ảnh: AstraZeneca
Kể từ khi có mặt tại Việt Nam vào năm 1994, AstraZeneca đã trở thành đối tác chiến lược của Bộ Y tế cũng như nhiều đơn vị, tổ chức trong nước, mang những đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ hệ thống y tế, nâng cao chất lượng điều trị và mở rộng khả năng tiếp cận y tế toàn diện. Theo phát biểu của GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế "Tôi đặc biệt đánh giá cao sáng kiến của Công ty AstraZeneca Việt Nam. Đây là một ví dụ điển hình cho mô hình hợp tác công – tư hiệu quả, hướng đến mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển hệ thống y tế bền vững.