'ATM gạo' giúp mát lòng người nghèo vùng hạn mặn ở Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang
Ngày 20-4, nhiều cây ATM gạo miễn phí đồng loạt triển khai ở 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang giúp người nghèo cảm thấy mát lòng giữa mùa dịch Covid-19 lẫn hạn mặn gay gắt.
Tại Cà Mau: Sáng 20-4, LĐLĐ tỉnh Cà Mau tổ chức phát gạo miễn phí cho đoàn viên Công đoàn, công nhân, người lao động (NLĐ), người dân có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó, LĐLĐ tỉnh đã phát 2.400 phiếu nhận gạo cho các cấp Công đoàn để xem xét và chọn ra những NLĐ khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ. Theo đó, mỗi người sẽ được hỗ trợ 5 kg gạo.
Với mong muốn san sẻ khó khăn và bảo vệ sức khỏe của người dân trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, LĐLĐ tỉnh Cà Mau đã lắp ráp cây "ATM gạo" tự động để phát gạo miễn phí.
Thông qua chương trình, LĐLĐ tỉnh Cà Mau mong muốn đồng hành cùng NLĐ và tạo niềm tin cho để mọi người yên tâm lao động sản xuất.
Tại Bạc Liêu: Sáng 20-4, thời tiết rất nóng nực nhưng hàng chục người dân vẫn "đội nắng" đến chùa Soryaram (chùa Cái Giá Giữa, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) để nhận gạo miễn phí từ cây "ATM gạo" di động.
Tại Kiên Giang: Sáng 20-4, "ATM gạo" miễn phí đã được đưa vào hoạt động tại đường 3/2, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá. Có hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo miễn phí.
Với tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ cùng những người khó khăn trong mùa dịch Covid-19, Công ty CP Tập đoàn Nam Thắng cùng các nhà hảo tâm chung tay thực hiện "ATM gạo" với chủ đề "ATM yêu thương – taxi Nam Thắng luôn chia sẻ những khó khăn cùng người dân trong đại dịch Covid -19".
Theo đại diện của Công ty CP Tập đoàn Nam Thắng, "ATM gạo" được đặt mua ở TP HCM, sau đó chuyển về giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Kiên Giang. Dự kiến, "ATM gạo" này sẽ phát khoảng 40 tấn gạo và đang kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ để giúp người dân vượt qua khó khăn.
Thời gian phát gạo sáng từ 8 giờ 30 đến 10 giờ 30; chiều từ 15 giờ đến 17 giờ 30 mỗi ngày, đến khi số lượng gạo được phát hết. Mỗi người sẽ được nhận khoảng 1,5kg gạo/lần/ngày.
Tam Kỳ đưa vào hoạt động 3 "ATM gạo"
Chiều 20-4, Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nam đã đưa vào hoạt động cây "ATM gạo" tại số 2 Phan Đăng Lưu,TP Tam Kỳ để giúp đỡ người nghèo, lao động khó khăn ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hàng trăm người dân, người lao động nghèo tại TP Tam Kỳ và một số địa phương lân cận đã đến nhận gạo, thực phẩm miễn phí. Mỗi người được nhận 3 kg gạo và một vài loại thực phẩm khác.
Ông Trần Hồng Phúc, Chủ tịch Hội Từ thiện tỉnh Quảng Nam, cho biết cây ATM này được các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ. Đến thời điểm này, các nhà hảo tâm đã ủng hộ khoảng 30 tấn gạo, 200 thùng mì, hàng trăm chai nước mắm, xì dầu...
Trong chiều 20-4, ông Phạm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam (HHDN), cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị để đưa vào hoạt động 2 cây "ATM gạo" miễn phí ở TP Tam Kỳ vào sáng mai (21-4).
Cụ thể, 2 máy phát gạo miễn phí do HHDN tỉnh Quảng Nam tổ chức được đặt ở 56 Trần Cao Vân và 28 Trần Phú (trụ sở của HHDN).
Cả 2 máy bắt đầu hoạt động từ 8 giờ sáng 21-4 và hoạt động liên tục 1 tháng trở lên. Thời gian hoạt động từ 8 giờ đến 11 giờ sáng, và từ 13 giờ 30 đến 17 giờ chiều hằng ngày. Mỗi lần, "ATM gạo" sẽ xuất 3 kg/người. Gạo sẽ được đựng trong túi thân thiện với môi trường.
Ông Hùng cho biết ngoài phát gạo tại ATM, HHDN tỉnh Quảng Nam sẽ nắm danh sách để chuyển gạo cùng một số nhu yếu phẩm đến những người nghèo, ở xa hoặc vì hoàn cảnh không thể đến được các điểm ATM nhận gạo.
Trần Thường
Đà Nẵng đã có 2 "ATM gạo", nghiên cứu lắp thêm 4 máy phát nhu yếu phẩm
Sáng 20-4, Hội Doanh nhân trẻ TP Đà Nẵng đã chính thức đưa vào vận hành 2 "ATM gạo" phát tự động cho người dân tại trụ sở Thành đoàn Đà Nẵng - 71 Xuân Thủy, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Chương trình có tên "hạt gạo tình thương" do Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng phối hợp với Hội Liên hiệp thanh niên TP, UBND quận Cẩm Lệ tổ chức.
Trên mỗi "ATM gạo" được gắn 1 chiếc camera. Để giảm thiểu lượng người đến, Ban tổ chức khuyến cáo mỗi người dân chỉ nhận mỗi ngày 1 lần, mỗi phần là 2 kg. Trung bình mỗi ngày, 2 "ATM gạo" sẽ chạy 3 tấn để phục vụ nhu cầu của người dân.
Dự kiến sau 1 tuần khởi động, Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng sẽ bổ sung thêm 4 máy phát hàng tự động với các nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân, như: dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột nêm... Đồng thời, sau khi 2 máy này chạy ổn định, Ban tổ chức cũng sẽ lắp đặt thêm 3 máy nữa ở các quận huyện khác, mỗi điểm 1 máy.
Tại khu vực đặt 2 "ATM gạo", Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng bố trí lực lượng nhằm hướng dẫn, phát gạo, nhận ủng hộ và điều phối chương trình. Tính đến chiều 19-4, Ban tổ chức chương trình đã nhận được 135 tấn gạo, 4 máy "ATM gạo", 150 triệu tiền mặt và 15.000 khẩu trang.