Attila - huyền thoại của người Huns
Gieo rắc kinh hoàng khắp châu Âu,/Cương mãnh, dẫn dắt người Huns - Đại thủ lĩnh, /Sao băng chiến thần tắt ở hậu cung sầu.
Đó là Attila (406 - 453), con người huyền thoại của bộ tộc người Hun nên ông cũng được gọi là Attila the Hun. Ông cũng là thủ lĩnh của một đế chế bộ lạc bao gồm cả HunsOstrogoths, Alans và một số rợ khác ở Trung và Đông Âu.
Bộ tộc Hun lớn lên trên lưng ngựa, luôn mang cung, kiếm, hiếu chiến, sống du mục. Người Huns vốn là một giống dân hoang dã, bí hiểm, thiện chiến và hiếu sát, cư trú trên vùng đất rộng lớn từ vùng cao nguyên châu Á đến tận biên giới của đế quốc La Mã ở phía Tây. Họ từng băng qua những thảo nguyên châu Á, xâm nhập biên giới La Mã vào thế kỷ IV, gieo rắc nỗi kinh hoàng lên người La Mã và các rợ Gecman ...
Có thể ban đầu họ định đánh Trung Hoa nhưng sau lại chuyển hướng chinh phục vào La Mã và Âu châu. Khi mới xuất hiện tại biên giới La Mã, người Huns chưa tỏ rõ mưu đồ, nhưng mối đe dọa đầu tiên xuất hiện sau khi họ định cư dọc sông Danube, chiếm đóng khu vực thảo nguyên bao la vùng Hungary.
Suốt 50 năm sau đó họ quan hệ với Đông La Mã kiểu đồng minh đàn anh. Từ năm 420, La Mã buộc trả tiền trợ cấp hàng năm cho người Huns để có hòa bình.
Nhưng tình hình biến đổi khi Attila trở thành vua của người Huns, kẻ thống trị mới này có tham vọng lớn hơn những người tiền nhiệm, lại kiêu ngạo, hung bạo. Có lần Attila tuyên bố mình sở hữu thanh gươm của thần chiến tranh và quát rằng: Những ai chống ông sẽ bị tiêu diệt khiến các thủ lĩnh của các rợ chư hầu không dám ngước mắt nhìn ông. Trong thời Attila trị vì, người Huns hầu như đã trở thành một dân tộc có quốc gia lớn trong số các rợ châu Âu.
Năm 434, Attila chính thức được bầu làm đại thủ lĩnh của người Huns và ông liên tục tập trung binh lực đánh phá, cướp bóc, chinh phục hầu hết các nước châu Âu trong vòng gần 20 năm liền. Đội quân của ông đã đánh thắng quân đội của tướng La Mã lừng danh là Aetius cao quý nhiều trận, uy hiếp thành Roma, khiến triều đình La Mã và Giáo hoàng kinh sợ, có lần mời ông đến Roma để bàn bạc.
Không chỉ là nhà quân sự, Attila còn giỏi ngoại giao, thương thuyết, biết cách bảo vệ quyền lợi của bộ tộc. Giáo hoàng Leo I phải đứng ra dàn xếp, thay mặt triều đình trả cho Attila một số vàng bạc, tiền của rất lớn để Attila rút quân.
Attila và thuộc hạ thân cận cũng học được nhiều thứ văn minh của các Hoàng gia châu Âu, đặc biệt là của La Mã nên sau này cũng cho xây dựng một số nhà cửa, cung điện tiện dụng cho mình.
Về hình dáng, Attila có cái đầu to quá khổ, làn da ngăm đen, mắt trũng sâu và bé tí với cái nhìn đe dọa xoáy vào người khác, mũi to, râu mọc lởm chởm, đôi vai rộng, dáng người thấp bè. Ông đi đứng vững chắc, uyển chuyển sải những bước đi kiêu căng, tỏ rõ thái độ tự tin của vị vua người Huns.
Attila là người nom nhỏ thó, thấp khi ở dưới đất, nhưng khi cưỡi ngựa lại nom rất oai vệ to lớn (những người bình thường trông to lớn nhưng khi ngồi trên xe, ngựa trông bình thường chẳng thay đổi thì không quý tướng). Có lần ông hỏi đùa vệ sĩ Ourestis rằng: “Này người thấy ta giống ai mà nhiều kẻ sợ ta thế”.
Ourestis bẩm: “Đại thủ lĩnh giống báo đen”; Attila nheo đôi mắt sâu, cái nhìn nghiêm khắc đầy kiêu ngạo của ông thường ngày biến đi chốc lát. Ông hơi mỉm cười, vỗ vào lưng Ourestis nói: Thật thế à!
Ngay từ nhỏ Attila đã rất dũng cảm, thường theo cha đi săn, gặp thú dữ không bao giờ run sợ. Năm 11 tuổi, bộ tộc Buedon giết cha và bà nội của Attila, bắt Attila phải quỳ nhưng ông không chịu. Bọn lính của Buedon bắn một mũi tên vào cạnh chỗ đứng của Attila để dọa, Attila giả vờ quỳ rồi bất ngờ rút mũi tên cắm vào đùi một tên lính giặc hất ngã nó rồi cướp ngựa chạy trốn.
Sau khi đã trở thành Đại thủ lĩnh đầy quyền lực, Attila vẫn sống giản dị như một chiến binh. Trong khi quần thần thuộc hạ của ông sống xa hoa thì ông vẫn mặc áo da, ăn thịt nướng đựng trong chiếc bát gỗ cũ. Trong suốt 20 năm làm vua, với quân đội gần nửa triệu người,Attila đã khiến cho cả châu Âu khiếp đảm; thậm chí còn đe dọa nuốt chửng cả đế quốc La Mã.
Sự lớn mạnh bộ tộc Huns đã đe dọa La Mã. Tướng La Mã Aetius đã tổ chức nhiều âm mưu ám sát Attila. Điển hình là vụ Aetius cử tên câm Lagos đi ám sát khiAttila ngủ, nhưng bị chính Attila bắt được. Mặt khác Ourestis, phụ trách đội cận vệ trung thành của Attila rất cẩn trọng, bảo mật nên nhiều kế hoạch khác của Aetius cũng không thực hiện được.
Theo sử sách, Attila có gần 300 thê thiếp, vợ đầu là De Cara bị chết khi sinh con, sau này có một cô gái được ông yêu là Bladda. Trong số các thê thiếp có một mỹ nhân tên là Gladko là gián điệp ngầm của Aetius.
Cô này thù Attila vì binh lính người Huns đã giết cả nhà cô. Đầu tiên, cô ta được tuyển làm phục vụ ở bể tắm của Attila (bắt chước xây theo kiểu La Mã) sau được Attila để ý sung làm thiếp. Gặp cơ hội thuận lợi ả đã đánh thuốc độc
Attila chết, giữa lúc Attila đang chuẩn bị lực lượng để tấn công La Mã (Có thuyết nói ông chết hôm cưới thêm cô vợ mới, trẻ đẹp tên là Ildico. Đám cưới đình đám với tiệc tùng và rượu chè be bét. Attila dẫn cô dâu mới lên giường trong cơn say mèm.
Sáng hôm sau người ta phát hiện ông ta đã chết, chảy máu mũi ròng ròng. Còn cô dâu thì hoảng sợ, run rẩy không nói lên lời. Y quan có kinh nghiệm cho rằng Attila mắc chứng bệnh chảy máu cam mãn tính và trong lúc say bị phát bệnh rồi đột quỵ).
Đại thủ lĩnh chết, người Huns vô cùng thương xót, các tướng lĩnh và toàn dân có nhiều người tự cứa cằm hoặc rạch mặt chảy máu để tưởng nhớ người chỉ huy tài giỏi của mình. Được tin, Hoàng đế La Mã nói: “Mất Attila, không còn ai đủ sức thống nhất các quốc gia ngoài La Mã chúng ta”.
Đế chế của người Huns tiêu tan nhanh chóng theo cái chết của vị thủ lĩnh. Năm 454, người Ostrogoth và các giống rợ Gecman khác nổi loạn chống lại người Huns và con trai của Attila, người vốn hay mâu thuẫn với rợ chư hầu đã không chống đỡ nổi cuộc khủng hoảng.
Đế chế của người Huns chấm dứt. Attila người đứng đầu đế chế bạo liệt đã chết trước khi kết thúc cuộc chiến nhằm tiêu diệt thế giới văn minh, nhưng ông không chết trên chiến trường mà chết trong hậu cung của mình.