'Ðau đầu' nạn khai thác khoáng sản trái phép

Mặc dù các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu xử lý nhiều trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn trong tỉnh.

Các địa bàn phức tạp về khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu là khai thác cát và đất sét… Các khu vực trước đây các đối tượng thường tập trung khai thác khoáng sản trái phép ở huyện Hàm Tân là ở khu vực thôn 3, xã Sơn Mỹ, thôn Cô Kiều, xã Tân Thắng và khu vực lòng hồ Sông Dinh 3. Ở huyện Tánh Linh các đối tượng khai thác cát trái phép ở khu vực Công trình thủy lợi Tà Pao nằm trên sông La Ngà, thuộc địa bàn xã La Ngâu và hồ Biển Lạc. Còn ở huyện Bắc Bình có nhiều điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép ở các địa bàn như Bình Tân, Sông Bình, Lương Sơn, Hòa Thắng, Phan Sơn, Phan Lâm, Bình An, Phan Hòa...

Ảnh Đình Hòa

Phải thừa nhận rằng, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, theo đó tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý, xử lý các hoạt động khoáng sản trái phép. Các địa phương đã cử công chức xuyên suốt, trực tiếp theo dõi, kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình thực tế tại từng địa phương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra ở số địa phương. Điều đáng nói ở đây là sự việc này diễn ra trong nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý triệt để. Rõ ràng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất mà còn làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của quốc gia. Về chủ quan mà nói, để xảy ra tình trạng trên phải khẳng định rằng, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các ngành, địa phương còn nhiều mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ở từng thời điểm các ngành chức năng và các địa phương thực hiện chưa tốt, chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý theo quy định. Việc khắc phục những hạn chế còn chậm, có điểm khai thác chưa được xử lý dứt điểm, tình trạng tái phạm còn diễn ra. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý khoáng sản, việc chỉ đạo quản lý, kiểm tra có lúc còn chiếu lệ, đối phó, chưa tích cực kiểm tra, xử lý theo chỉ đạo của cấp trên, chưa chủ động, thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc vi phạm ngay từ ban đầu. Thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoáng sản 2 cấp huyện và xã chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cả về số lượng và chuyên môn do kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực như: đất đai, môi trường, khoáng sản, nước, biển đảo... Còn về khách quan là do lợi nhuận từ khai thác khoáng sản trái phép lớn nên một số tổ chức, cá nhân bất chấp pháp luật nên tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, tập kết và tiêu thụ khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra phổ biến, phức tạp. Đối tượng khai thác khoáng sản trái phép lợi dụng địa bàn rộng, thời gian nghỉ, kể cả khai thác vào ban đêm để né tránh việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng. Đối tượng vi phạm luôn cho người cảnh giới lực lượng chức năng, nhiều trường hợp rất manh động, sẵn sàng chống đối, không chấp hành nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các chế tài xử lý chưa đủ mạnh, mặc dù Bộ luật hình sự hiện hành đã có quy định xử lý hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, nhưng trên thực tế để hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc có dấu hiệu hình sự chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra còn gặp nhiều khó khăn nên tính răn đe chưa cao. Các khu vực khai thác khoáng sản trái phép thường ở xa trung tâm huyện, xã, địa bàn quản lý rộng nên cơ quan chức năng không đủ lực lượng trực tiếp bám sát địa bàn.

Từ thực tế trên cho thấy, các ngành, địa phương phải tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách lĩnh vực khoáng sản, không được giao cho cấp phó, siết chặt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ ban đầu, không để xảy ra điểm nóng. Khắc phục có hiệu quả các hạn chế, tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của ngành chức năng và các địa phương, kịp thời kiểm điểm trách nhiệm các ngành chức năng và địa phương thực hiện không tốt nhiệm vụ để chấn chỉnh. Chỉ đạo rà soát các vị trí phù hợp để lập chốt, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại các khu vực….

Thanh Quang

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/%C3%B0au-dau-nan-khai-thac-khoang-san-trai-phep-133145.html