Âu tàu, làng chài ở Trường Sa: Nối dài những chuyến vươn khơiTin khácKết nối các nguồn lực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mơíDanh sách cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu 'Công dân Lạng Sơn ưu tú' lần thứ nhất, năm 2021

Từ bao đời nay, ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên ngư trường Trường Sa truyền thống luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn vất vả. Từ khi các âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đi vào hoạt động, ngư dân thêm vững lòng khi đánh bắt trên biển khơi xa.

Ngư dân Nguyễn Thành, quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là thuyền trưởng Tàu QNg 90585 TS. Nhiều năm làm ăn, sinh sống trên ngư trường Trường Sa, anh Thành cùng các bạn tàu thường ghé vào các âu tàu mỗi khi có việc cần. Sau hơn một tháng đánh bắt thủy sản trên biển, ngư dân Thành đưa tàu vào âu tàu Song Tử Tây để tiếp thêm nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm và một số vật dụng sinh hoạt thiết yếu.

Ngư dân Nguyễn Thành kể: “Các âu tàu: Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây, tôi đều cập tàu rồi. Dầu, mỡ, nước đá, nước ngọt hay thực phẩm mua thoải mái à, chỉ sợ không có tiền thôi. Anh em trên các đảo rất nhiệt tình giúp đỡ bà con ngư dân, đặc biệt là những lúc tàu bị hỏng máy hay có người đau ốm. Bây giờ, đi biển vài ba tháng cũng chẳng phải lo gì”.

Tàu cá neo đậu tại Âu tàu đảo Đá Tây

Tàu cá neo đậu tại Âu tàu đảo Đá Tây

Trên âu tàu Đá Tây, các tàu bè vào ra tấp nập, tiếng gọi nhau í ới, tiếng cười nói oang oang sau những mẻ lưới trúng vụ. Hàng chục tàu cá của ngư dân vào neo đậu trong âu tàu. Một số tàu xếp hàng chờ sửa chữa máy móc và tiếp thêm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới.

Ngư dân Võ Văn Dự, Thuyền trưởng Tàu NT 91007 TS đưa tàu cập cảng lấy thêm nước ngọt và nước đá để bảo quản hải sản. Ngư dân Võ Văn Dự cho biết: Trước đây, tàu thường đánh bắt gần bờ hoặc nếu ra ngư trường Trường Sa thì cũng đánh bắt không được lâu vì phải quay vào bờ tiếp nhiên liệu và nhu yếu phẩm khác. Mỗi chuyến biển thường kéo dài chưa đến một tháng. Khi nhiên liệu, lương thực, thực phẩm gần hết hoặc bão gió thì tàu phải về bờ, vừa tốn nhiên liệu vừa mất thời gian đi lại khiến lợi nhuận mỗi chuyến đi phải trừ rất nhiều chi phí.

Từ khi các âu tàu, làng chài đi vào hoạt động, ngư dân có thể mua nhiên liệu, lương thực, thực phẩm như trong đất liền và được cấp miễn phí nước ngọt. Những khi đau ốm, ngư dân được quân y trên các đảo thăm khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí. Khi máy móc, thiết bị trên tàu gặp sự cố, ngư dân được các nhân viên trung tâm hậu cần – kỹ thuật nghề cá tại các đảo hỗ trợ sửa chữa không tính công và vật tư, phụ tùng thay thế được tính theo giá trong đất liền…

Thuyền trưởng Võ Văn Dự cho biết thêm: “Từ khi những âu tàu trên quần đảo Trường Sa được xây dựng đã giúp ngư dân tiết kiệm được rất nhiều cả về nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt cho mỗi chuyến đánh bắt. Giờ đây, các chuyến đi biển thường kéo dài từ 3 đến 4 tháng hoặc dài hơn nữa. Chúng tôi càng yên tâm hơn khi vươn khơi đánh bắt xa bờ”.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ hậu cần nghề cá, Trung tâm Dịch vụ Hậu cần – kỹ thuật nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khai thác tối đa năng suất của nhà máy nước đá để đảm bảo cung cấp cho ngư dân, đưa vào vận hành kho lạnh, kho đông nhằm đáp ứng nhu cầu bảo quản lượng thủy sản thu mua của ngư dân. Kho lạnh của trung tâm có thể dự trữ và cung cấp trên 800 cây đá mỗi ngày; kho đông có thể đáp ứng được 5 tấn/ngày. Ngoài ra, trung tâm còn triển khai dịch vụ cho ngư dân thuê kho để tích trữ thủy sản và triển khai thu mua thủy sản của ngư dân với mức giá bằng với đất liền.

Ông Nguyễn Xuân Mới, Phụ trách Trung tâm Dịch vụ Hậu cần – kỹ thuật nghề cá đảo Đá Tây cho biết: “Vào những thời điểm sóng to, gió lớn hoặc gặp bão, Trung tâm phối hợp với chỉ huy đảo và các lực lượng tổ chức sắp xếp, bố trí giúp tàu của ngư dân vào âu neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Năm 2020 và quý I/2021, trung tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 2.700 lượt tàu của ngư dân khai thác hải sản vào tránh trú; hỗ trợ một lượng lớn nước ngọt, gạo, nhu yếu phẩm khi tàu cá vào âu tàu. Quân y trên đảo đã khám và điều trị cho hơn 1.500 trường hợp, trong đó có hơn 1.200 lượt ngư dân.

Tại Trung tâm Dịch vụ Hậu cần – kỹ thuật đảo Sinh Tồn thuộc Hải đoàn 129, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Công, quê ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền trưởng Tàu QNg 90684 TS. Cán bộ, nhân viên của Trung tâm vừa khắc phục thành công sự cố hệ thống làm mát máy chính của Tàu QNg 90684 TS. Thuyền viên trên tàu vừa tiếp nhận bổ sung 3.000 lít nước ngọt miễn phí, mua thêm 4.000 lít dầu DO và làm công tác chuẩn bị rời âu tàu tiếp tục đi đánh bắt hải sản.

Ngư dân Đỗ Văn Công chia sẻ: “Đánh bắt xa bờ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây gần 2 tháng, cán bộ, nhân viên của Trung tâm giúp chúng tôi khắc phục sự cố hỏng máy phát điện cho Tàu QNg 90684 TS. May mà có cán bộ, nhân viên trung tâm giúp đỡ, nếu không, chúng tôi không biết phải xoay sở thế nào”.

Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Các âu tàu, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá và các làng chài ở Trường Sa đang hoạt động rất hiệu quả. Thời gian qua, UBND huyện phối hợp với các Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân và Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo thực hiện tốt việc hỗ trợ giúp đỡ ngư dân ra đánh bắt hải sản tại ngư trường quần đảo Trường Sa. Chúng tôi làm tốt công tác cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển, sửa chữa tàu thuyền của ngư dân khi bị hỏng hóc”.

Giữa mênh mông biển trời, những âu tàu, làng chài ở huyện đảo Trường Sa đã và đang phát huy tốt các công năng hiện có. Đây không chỉ là nơi thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá mà còn là nơi tránh trú an toàn, là điểm tựa vững chắc giúp ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ phát triển kinh tế, góp phần khẳng định ngư trường, khẳng định chủ quyền của cha ông ta từ bao đời nay

HOÀNG MINH

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/bien-gioi-va-bien-dao-viet-nam/441325-au-tau-lang-chai-o-truong-sa-noi-dai-nhung-chuyen-vuon-khoi.html