Ðầu tư hạ tầng giao thông khu đô thị phía đông thành phố
Ðể đặt nền tảng xây dựng hạ tầng giao thông tại khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông (TP Thủ Ðức), TP Hồ Chí Minh cần nguồn vốn 300 nghìn tỷ đồng đầu tư thực hiện bốn nhóm dự án công trình quan trọng. Ðây là một trong những điều kiện cần để đầu tư phát triển thành phố phía đông trong mười năm tới.
Ðể đặt nền tảng xây dựng hạ tầng giao thông tại khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông (TP Thủ Ðức), TP Hồ Chí Minh cần nguồn vốn 300 nghìn tỷ đồng đầu tư thực hiện bốn nhóm dự án công trình quan trọng. Ðây là một trong những điều kiện cần để đầu tư phát triển thành phố phía đông trong mười năm tới.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định ban hành kế hoạch hành động về xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông. Theo đó có bốn nhóm dự án cần được tập trung phát triển ở khu đông thành phố (TP Thủ Ðức) từ nay đến năm 2030 gồm: chương trình đô thị thông minh; đầu tư kết cấu hạ tầng; tăng cường vận tải hành khách công cộng và nghiên cứu phát triển mạng lưới giao thông thủy. Theo tính toán của Sở GTVT, tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến hơn 300 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hơn 83 nghìn tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác từ Trung ương, xã hội hóa, ODA... Cụ thể, với nhóm chương trình đô thị thông minh, thành phố sẽ tập trung đầu tư hệ thống ca-mê-ra giám sát giao thông, hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu giao thông ứng dụng trí tuệ nhân tạo... tất cả sẽ được tích hợp về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị nhằm từng bước hình thành hệ thống giao thông thông minh hiện đại. Với nhóm này, thời gian qua thành phố cũng đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và kinh phí đầu tư để từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu và hệ thống ca-mê-ra kết nối giữa các đơn vị chuyên môn với Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị. Ðến nay, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đang quản lý gần 800 ca-mê-ra giám sát liên tục, theo dõi tình hình giao thông ở các khu vực trung tâm trên địa bàn thành phố để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố và ùn tắc. Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, với tầm hoạt động hiện tại lên tới 36 km2, ngoài chức năng giám sát, phân luồng, đưa ra giải pháp khắc phục, trung tâm còn có khả năng dự báo, mô phỏng nhu cầu giao thông trên cơ sở thu thập dữ liệu nhằm góp phần định hướng xây dựng chính sách, quản lý giao thông đô thị và xây dựng hạ tầng trong tương lai.
Ðối với nhóm giải pháp vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT sẽ mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2021, thành phố nghiên cứu mở mới 14 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, chủ yếu để đưa rước học sinh, sinh viên có trợ giá trên địa bàn thành phố. Sau đó, mở thêm 20 tuyến đến năm 2030 theo kế hoạch phát triển mạng lưới của thành phố. Ðồng thời, đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT bằng cách tăng cường phối hợp giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành dự án Phát triển giao thông xanh TP Hồ Chí Minh, đưa vào vận hành khai thác tuyến BRT số 1 trong năm 2021. Vai trò của tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) được nhận định rất quan trọng. Do đó, ngoài việc nghiên cứu phát triển mạng lưới xe buýt thu gom dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), thành phố đang thúc đẩy nghiên cứu mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương. Về nhóm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phía đông, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh: 16 dự án đường bộ ở khu đông chưa hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020 là nhóm cần ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án này gồm: Tuyến vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Ðồng đến nút giao Gò Dưa); mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Lương Ðịnh Của, Ðồng Văn Cống; xây dựng nút giao Mỹ Thủy; xây dựng cầu Tăng Long, Nam Lý; nâng cấp cầu Long Ðại, cầu Ông Nhiêu; mở rộng đường song hành cao tốc Ðỗ Xuân Hợp - An Phú…
Ngoài ra, theo Sở GTVT, trên cơ sở Ðề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, đơn vị sẽ xem xét, ưu tiên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải khu đô thị sáng tạo phía đông như bổ sung quy hoạch xây dựng cầu Cát Lái, bổ sung quy hoạch kết nối đường Long Phước với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây... Riêng với kế hoạch phát triển giao thông thủy cho khu đông, thành phố sẽ tập trung đầu tư hạ tầng tại các cảng biển, phát triển vận tải hàng hóa logistics. Trong đó, hoàn chỉnh đầu tư giao thông đường bộ kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển Cát Lái trên sông Ðồng Nai để khai thác tối đa năng lực hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng (Phú Hữu, Long Bình). Theo các chuyên gia về lĩnh vực giao thông, các nhóm giải pháp Sở GTVT đưa ra là đúng hướng, tạo yếu tố nền tảng để góp phần tạo bước đột phá xây dựng một TP Thủ Ðức trong tương lai. Song với nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp như hiện nay, thành phố cần xác định dự án ưu tiên đầu tư trên cơ sở công tác quy hoạch giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế phải đi trước một bước, trong đó chú trọng huy động các nguồn vốn từ bên ngoài một cách hiệu quả và có lộ trình.