Australia cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Trong hai ngày 28 và 29-4, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam đã đến thăm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và khẳng định cam kết lâu dài của Australia đối với các ưu tiên của Việt Nam về phát triển bền vững khu vực này.
Theo bà Robyn Mudie, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi sinh sống của hơn 17 triệu người Việt Nam, là khu vực sản xuất quan trọng bao gồm xuất khẩu sang Australia và là nơi có hệ sinh thái sông nước và vùng ngập mặt đa dạng.
Kể từ năm 2000, Australia đã đóng góp hơn 650 triệu đô-la Úc hỗ trợ phát triển cho khu vực ĐBSCL. Các hỗ trợ bao gồm phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh, phát triển dịch vụ công và nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo. Australia đã đóng góp đáng kể trong việc kết nối khu vực ĐBSCL với phần còn lại của đất nước bằng việc hỗ trợ xây dựng cầu Mỹ Thuận và cầu Cao Lãnh, khoản đầu tư viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của Australia vào lục địa Đông Nam Á.
Kể từ năm 1981, Australia đã hỗ trợ 280 học viên từ các tỉnh ĐBSCL đến học tại các trường đại học Australia và gần 100 nhà lãnh đạo hoàn thành khóa đào tạo trong các lĩnh vực như giáo dục, an toàn thực phẩm và lãnh đạo khu vực công. Mối quan hệ đối tác lâu dài và mối liên kết bền vững giữa người dân hai nước thể hiện cam kết sâu sắc của Australia đối với khu vực ĐBSCL.
Cũng trong chuyến công tác này, Đại sứ Mudie đã đến thăm làng bích họa gần cầu Cao Lãnh, nơi bốn năm trước, các nghệ sĩ Australia và Việt Nam tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trên khắp ngôi làng để kỷ niệm mối quan hệ hợp tác của hai nước.
Đại sứ Mudie cho biết: “Australia ghi nhận tầm quan trọng của khu vực châu thổ cả về dân số lẫn vai trò sản xuất trong tầm nhìn của Việt Nam về sự thịnh vượng, sức chống chịu và an ninh. Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam duy trì sự bền vững về kinh tế và môi trường trong khu vực và mang lại tương lai tươi sáng cho người dân sinh sống tại ĐBSCL”.
Cũng trong chuyến thăm, Đại sứ Mudie thảo luận về những thách thức môi trường phức tạp đang diễn ra mà ĐBSCL phải đối mặt. Những thách thức này trở nên trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề xuyên biên giới liên quan đến nước ở lưu vực sông Mekong. Australia và Việt Nam đã nhất trí ra tuyên bố chung về cam kết hành động thiết thực về biến đổi khí hậu vào tháng 11- 2021.
Trong khuôn khổ cam kết này, Australia đang hỗ trợ canh tác lúa thông minh và phù hợp với khí hậu và quản lý môi trường tại khu vực châu thổ. Đại sứ cũng đến thăm Vườn quốc gia Tràm Chim, nơi mà Australia đang hỗ trợ của chuyển đổi hệ thống quản lý môi trường của vườn bằng các giải pháp công nghệ sáng tạo. Đại sứ đã đến thăm Trường Tiểu học Tân Huệ, nơi Australia đã tài trợ cơ sở hạ tầng để cung cấp nước sạch cho học sinh.
Australia đã cam kết 232 triệu đô-la Úc cho Hợp tác Mekong - Australia vào tháng 11- 2020. Sáng kiến này hỗ trợ nâng cao kỹ năng, khả năng chống chịu của nền kinh tế và môi trường, thương mại và đầu tư, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Đại sứ Mudie đã gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, đại diện khu vực tư nhân, trường đại học và các đối tác phát triển để đảm bảo rằng các hỗ trợ nêu trên sẽ góp phần vào việc phát triển bền vững ở ĐBSCL.
Trong chuyến thăm, Đại sứ Mudie cũng thảo luận về các cơ hội để Australia và Việt Nam cùng hợp tác hướng tới tăng trưởng đồng đều và được dẫn dắt bởi khu vực tư nhân cũng như sự phát triển bền vững của các tỉnh thuộc ĐBSCL. Vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố việc hoàn thiện Chiến lược Nâng cao hợp tác kinh tế Australia-Việt Nam (EEES), hỗ trợ tham vọng chung trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu và tăng gấp đôi đầu tư thương mại hai chiều. Đại sứ đã thảo luận về các cơ hội ở ĐBSCL để hỗ trợ các mục tiêu này.
Chuyến thăm tái khẳng định cam kết của Australia đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh ĐBSCL trong khuôn khổ quan hệ đối tác lâu dài với Việt Nam.