Australia cân nhắc thay đổi quy định cách ly với người tiếp xúc bệnh nhân COVID-19

Ngày càng có nhiều lời kêu gọi thay đổi quy định tự cách ly sau khi tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 khi mà các doanh nghiệp và bệnh viện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu hụt nguồn nhân lực.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo quy định hiện hành ở hầu hết các bang tại Australia, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 phải thực hiện cách ly 7 ngày ngay cả khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính. Quy định này đã buộc khoảng 2.000 nhân viên trong lĩnh vực y tế chỉ riêng ở bang New South Wales (NSW) phải cách ly, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại các bệnh viện, trung tâm chăm sóc người cao tuổi và các phòng khám đa khoa. Các doanh nghiệp, trong đó có các nhà hàng, quán bar và cà phê, cũng đang phải chật vật giải quyết bài toán thiếu nhân viên khi mà biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh.

Trước thực trạng trên, quan chức y tế cấp cao bang NSW Brad Hazzard cho biết ông đang thảo luận về việc thay đổi quy định cách ly đối với nhân viên y tế vì tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đang khiến tình hình trở lên mất an toàn hơn là nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Các chuyên gia dịch tễ cũng ủng hộ việc thay đổi quy định cách ly này. Giáo sư Louise Mary-McLaws thuộc Đại học New South Wales cho rằng việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên hằng ngày đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19 có thể là một giải pháp thay thế. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sanjaya Senanayake thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận định việc một số lượng lớn ca mắc COVID-19 được ghi nhận đồng nghĩa với việc các chính trị gia cần phải xem xét lại những yêu cầu xét nghiệm và cách ly.

Chính quyền bang Victoria cũng đã đặt hàng một số lượng lớn bộ xét nghiệm nhanh và đang cân nhắc hủy bỏ quy định xét nghiệm PCR cũng như cách ly đối với một số trường hợp tiếp xúc nhất định nhằm giảm bớt áp lực cho các trung tâm xét nghiệm. Tuy nhiên, những người tiếp xúc trong hộ gia đình và những người có triệu chứng vẫn cần phải thực hiện xét nghiệm PCR.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Australia, Innes Willox, cũng cho rằng nước này cần áp dụng những biện pháp linh hoạt hơn đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Quy định phải cách ly đối với những người tiếp xúc gần với ca COVID-19 đã gây ra thảm họa vào đêm Giáng sinh vừa qua khi các hãng hàng không Jetstar và Virgin phải hủy bỏ khoảng 120 chuyến bay nội địa do thiếu nhân viên, ảnh hưởng đến hoạt động đón Giáng sinh của hàng nghìn gia đình.

Trong khi đó, tại Anh hiện nay, những người đã tiêm vaccine mà tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 không phải thực hiện cách ly, nhưng được khuyến nghị tiến hành xét nghiệm nhanh mỗi ngày trong vòng một tuần.

Về quy định tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi thứ 3) đối phó với biến thể Omicron, tuần trước, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt thông báo từ 4/1/2022, người dân sẽ được tiêm mũi này 4 tháng sau mũi thứ hai, thay vì quy định 5 tháng như trước đây. Từ ngày 31/1/2022, thời gian giữa mũi thứ hai với mũi tăng cường sẽ rút xuống còn 3 tháng.

Trần Quyên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/australia-can-nhac-thay-doi-quy-dinh-cach-ly-voi-nguoi-tiep-xuc-benh-nhan-covid19-20211227130935038.htm