Australia cảnh báo hiện tượng băng tan tại Nam Cực ở mức cao nhất trong lịch sử
Hôm 25/7, các nhà khoa học Australia đưa ra cảnh báo về việc lượng biển băng xung quanh Nam Cực đang ở mức thấp nhất mọi thời đại do sự tan chảy băng nhanh bất thường, vốn là hiện tượng chỉ có thể diễn ra 7,5 triệu năm/lần theo chu kỳ tự nhiên, nhưng do tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm hơn dự kiến.
Theo nghiên cứu của Chương trình Nam Cực của Australia, các dữ liệu quan sát Nam Cực trong những năm gần đây đã ghi nhận các biển băng quanh Nam Cực đang biến mất với tốc độ chưa từng có. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, diện tích biển băng đang ở mức thấp nhất mọi thời đại đồng nghĩa với việc tốc độ nóng lên của trái đất đang tăng lên và kèm theo hàng loạt các hậu quả không thể lường trước.
Tiến sỹ Edward Doddridge Nhà vật lý hải dương học của Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực Tasmania cho biết, các cơ sở dữ liệu mới nhất cho thấy có nhiều khu vực rộng lớn của bờ biển Nam Cực lần đầu tiên không có băng và có dấu hiệu khó có thể hồi phục vào mùa đông này như hàng năm. Điều này có nghĩa rằng, nếu không có gì thay đổi, Nam Bán cầu đang chuẩn bị đón một mùa đông đặc biệt mà trước đây chỉ 7,5 triệu năm mới có thể có một lần, được các nhà khoa học đặt tên là sự kiện “Năm dấu hiệu (Five-Sigma)”.
Tiến sĩ Doddridge lưu ý, các biển băng Nam Cực có vai rất quan trọng, giúp điều chỉnh nhiệt độ Trái đất thông qua hiện tượng phản hồi Albedo, trong đó các lớp băng phản xạ nhiệt của Mặt trời trở lại không gian, giúp điều chỉnh nhiệt độ của quả đất. Do đó, khi các biển băng mất đi, ánh sáng mặt trời chiếu xuống bề mặt đại dương sẽ bị hấp thụ thay vì phản xạ ra ngoài không gian. Điều này sẽ càng làm tăng tốc độ ấm lên của nước biển và kéo theo sự nóng lên của cả trái đất.
Ngoài ra, chu kỳ đóng băng và tan chảy hàng năm thúc đẩy các dòng hải lưu toàn cầu vận chuyển các nguồn nước giàu chất dinh dưỡng vào phần còn lại của đại dương, nuôi sống các hệ sinh thái. Băng cũng là môi trường sống của các loài động vật như chim cánh cụt và hải cẩu, đồng thời rất cần thiết cho các sinh vật nhỏ hơn như loài nhuyễn thể, loài ăn tảo bên dưới băng trong mùa đông.
Theo Tiến sỹ Petra Heil, phụ trách chương trình Nam Cực của Australia, nguyên nhân của sự kiện này là do sự kết hợp của cả những thay đổi trong bầu khí quyển và sự ấm lên của đại dương. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất lại bắt nguồn từ chính sự thờ ơ và hoạt động của con người, làm đại dương ấm lên, khiến bầu khí quyển bị xáo trộn mạnh mẽ và có thể đang dẫn đến một điểm bùng phát không thể đảo ngược đối với môi trường Trái đất, gây ra những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng trong tương lai không xa.