Australia 'dắt tay' New Zealand thống nhất quan điểm về Trung Quốc?

Chuyến thăm của Thủ tướng Australia Scott Morrison tới New Zealand diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những mâu thuẫn giữa hai nước láng giềng về Trung Quốc cũng như chính sách trục xuất của Canberra.

Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp nước chủ nhà Jacinda Ardern tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo Australia-New Zealand ở Khách sạn Rees, Queenstown, New Zealand ngày 30/5. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp nước chủ nhà Jacinda Ardern tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo Australia-New Zealand ở Khách sạn Rees, Queenstown, New Zealand ngày 30/5. (Nguồn: AP)

Ngày 30/5, Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp New Zealand Jacinda Ardern có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 2/2020. Cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng vào hôm nay (31/5) dự kiến thảo luận về kế hoạch của hai nước trong việc mở cửa trở lại với thế giới.

Tuy nhiên, chính sách trục xuất của Australia và những căng thẳng gia tăng giữa khu vực và Trung Quốc sẽ là những nội dung “nóng” của cuộc họp.

Tranh cãi về chính sách 501

Thực tế là hai quốc gia đồng minh lâu đời này không phải là không có những khác biệt. New Zealand chỉ trích chính sách 501 của Australia về việc trục xuất các công dân New Zealand phạm tội ở Australia, ngay cả khi những người này đã sống cả đời ở Australia.

Tờ Guardian ngày 28/5 nhận xét rằng chuyến thăm hồi năm ngoái của Thủ tướng New Zealand tới Australia là một chuyến thăm khá căng thẳng. Bà Ardern cho rằng chính sách 501 không phù hợp với người New Zealand và kêu gọi Australia chấm dứt chính sách này.

Thế nhưng, kể từ đó đến nay, Australia vẫn không thay đổi. Các chuyến bay chở người bị trục xuất về New Zealand vẫn thường xuyên diễn ra. Tháng 3 vừa qua, theo chính sách này, Australia đã trục xuất một thanh niên 15 tuổi.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ Guardian, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết Wellington rất quan ngại về chính sách 501 - "một điểm gây nhức nhối", “xích mích" giữa hai nước.

Bộ trưởng Nội vụ Australia Peter Dutton từng mô tả chính sách 501 giống như việc "đổ rác", và phát biểu này đã bị phản đối dữ dội ở New Zealand. Ngoại trưởng Mahuta nói rằng nhận xét của ông Dutton "chỉ làm ô uế danh tiếng của chính ông ta".

Khác biệt về Trung Quốc

Một lĩnh vực bất đồng nổi bật giữa hai quốc gia đồng minh lâu đời là sự khác biệt về cách giải quyết các mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của cả hai nước.

Trong 18 tháng qua, quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ sau khi ông Morrison đi đầu nỗ lực kêu gọi tiến hành cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc của Covid-19.

Australia cấm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc tham gia mạng 5G ở xứ sở chuột túi, hủy các dự án ký kết với Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Đáp lại, Trung Quốc những tháng gần đây đã chuyển sang hạn chế nhập khẩu các sản phẩm của Australia như lúa mạch, rượu vang và thịt bò. Những biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh với nhiều sản xuất xuất khẩu của Canberra trong hơn 1 năm qua khiến nước này thiệt hại ước tính gần 40 tỷ USD.

Australia muốn New Zealand thống nhất quan điểm về Trung Quốc. (Nguồn: Getty)

Australia muốn New Zealand thống nhất quan điểm về Trung Quốc. (Nguồn: Getty)

Australia muốn hai bên thống nhất quan điểm về Trung Quốc. Trên thực tế, New Zealand đã cùng với Australia đưa ra một số tuyên bố chính sách quan trọng, trong đó có vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và những thay đổi bầu cử ở Hong Kong.

Tuy nhiên, quốc gia Nam Thái Bình Dương này được cho là đang có cách tiếp cận “mềm mỏng” với Trung Quốc.

Wellington và Bắc Kinh trong năm nay đã nâng cấp thỏa thuận thương mại tự do. Tháng trước, New Zealand bày tỏ "không thoải mái" với việc mở rộng vai trò của Five Eyes, một nhóm tình báo thời hậu chiến, bao gồm cả Mỹ, Anh, Australia và Canada.

Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Wellington đã không ủng hộ những chỉ trích gần đây của nhóm này đối với chính sách của Bắc Kinh liên quan đến Hong Kong và cách đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trong chuyến thăm tới Wellington hồi tháng trước, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu chính phủ Australia có muốn New Zealand có đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không.

Tuy nhiên, bà Payne cho biết điều quan trọng là phải “thừa nhận rằng quan điểm của Trung Quốc và bản chất các hành động can dự ở bên ngoài của cường quốc châu Á này trong khu vực và trên toàn thế giới đã thay đổi trong những năm gần đây”.

Bà Payne nhấn mạnh rằng mối quan hệ đối tác lâu dài giữa Australia và New Zealand cần phải thích nghi với những thực tế mới đó, và những gì hai nước đã thực hiện là “sự rõ ràng, nhất quán và tin tưởng."

Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Mahuta từng phát biểu: “New Zealand thường được coi là cánh cửa dẫn đến Thái Bình Dương, vì vậy, cách chúng tôi xử lý các mối quan hệ của mình được coi là một nhân tố khá quan trọng”.

Bà Mahuta cho rằng mối quan hệ của New Zealand với Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn ban đầu và đang "trưởng thành", trong đó, hai nước tôn trọng lẫn nhau.

Mối quan hệ "gia đình"

Bất chấp những khác biệt nói trên, Australia và New Zealand vẫn là hai quốc gia có mối quan hệ gắn bó, bao gồm cả cách phòng chống đại dịch Covid-19 và hành lang đi lại không cần cách ly đã được thiết lập giữa nước.

Khi thông báo về chuyến công du tới New Zealand, ông Morrison khẳng định Australia và New Zealand là một gia đình và có mối quan hệ lịch sử sâu sắc về tình hữu nghị và sự tin cậy. Cả hai nước đều dẫn đầu thế giới trong cách ứng phó với đại dịch Covid-19, và chuyến thăm sẽ là một minh họa tuyệt vời về khu vực đi lại an toàn xuyên Tasman.

Trước đó, hồi đầu tháng 5/2021, khi thông báo về chuyến thăm của ông Morrison, Thủ tướng Ardern khẳng định quan hệ với Australia là mối quan hệ "mật thiết và quan trọng nhất" của New Zealand.

Bà nhận định sự hiện diện của Thủ tướng Australia tại New Zealand sẽ là “cơ hội để hai nước thảo luận về các bước tiếp theo trong mối quan hệ song phương, và New Zealand cũng muốn trao đổi về việc tái kết nối với khu vực và thế giới".

Hiện có hơn 600.000 người New Zealand sống ở Australia, và 60.000 người Australia ở New Zealand. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, công dân hai nước hầu như không bị hạn chế trong việc sinh sống và làm việc ở mỗi nước.

Australia và New Zealand đã ký kết Hiệp định thương mại kuan hệ Kinh tế vào năm 1983, tạo ra một khu vực thương mại tự do với mức thuế bằng 0 đối với hàng hóa và dịch vụ có xuất xứ từ mỗi nước, hài hòa các tiêu chuẩn thực phẩm, công nhận lẫn nhau về hàng hóa và nghề nghiệp. Hai nước cũng ký một nghị định thư về tự do hóa đầu tư 2 chiều.

(theo Guardian, Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/australia-dat-tay-new-zealand-thong-nhat-quan-diem-ve-trung-quoc-146795.html