Australia: Giải mã thành công hóa thạch, từng sinh sống cách nay khoảng 247 triệu năm

Các nhà khoa học Australia đã giải mã thành công hóa thạch của một loài động vật lưỡng cư cổ đại, có hình dạng giống thằn lằn, từng sinh sống ở Australia khoảng 247 triệu năm về trước.

Mẫu hóa thạch phát hiện từ hơn 30 năm trước. (Nguồn: Bảo tàng Australia)

Mẫu hóa thạch phát hiện từ hơn 30 năm trước. (Nguồn: Bảo tàng Australia)

Kết quả giải mã trên giúp giải đáp những thắc mắc vốn tồn tại gần 3 thập kỷ kể từ khi hóa thạch của loài này được phát hiện.

Vào những năm 1990, ông Mihail Mihaildis, một người nông dân ở làng Umina, bang New South Wales đã mua một phiến đá sa thạch nặng 1,6 tấn để tu sửa tường nhà.

Trong quá trình cắt phiến đá, ông đã phát hiện ra hình dáng của một sinh vật kỳ lạ. Ông Mihaildis đã liên hệ với bảo tàng Australia ở Sydney để trao lại mẫu hóa thạch này vào năm 1997.

Nhà cổ sinh vật học Lachlan Hart, người từng có cơ hội quan sát hóa thạch kỳ lạ này từ khi còn nhỏ, chia sẻ: “Tôi đã thường xuyên nhìn thấy mẫu hóa thạch được trưng bày từ năm 1997 và thật bất ngờ là 25 năm sau, mẫu hóa thạch này lại trở thành một phần trong luận án tiến sĩ của mình”.

Ông Hart cho biết, hóa thạch chứa một bộ xương loài vật gần như hoàn chỉnh và đây là điều rất hiếm thấy.

Ông miêu tả: “Sinh vật này có đầu gắn liền với cơ thể. Da và các mô mỡ xung quanh bao bọc ngoài cơ thể của nó đều bị hóa thành hóa thạch, tất cả những điều đó khiến đây thực sự là một phiên bản hóa thạch hiếm có”.

Sau khi giải mã các dữ liệu của hóa thạch, ông Hart và các đồng nghiệp ước tính loài lưỡng cư này dài khoảng 1,5m và có thân hình giống một con kỳ nhông. Loài này được đặt tên khoa học là Arenaepeton supinatus.

Các nhà khoa học cho biết loài lưỡng cư ăn thịt này từng sống ở các hồ và suối nước ngọt ở Sydney, thuộc họ Temnospondyli.

Đây là loài lưỡng cư sống sót kiên cường qua hai trong số 5 cuộc đại tuyệt chủng trên Trái đất, trong đó có hàng loạt các vụ phun trào núi lửa đã tiêu diệt từ 70-80% số loài khủng long cách đây 66 triệu năm.

Hiện có 3 hóa thạch của họ Temnospondyli đã được xác định thành công ở Australia.

Ông Hart cho biết: "Phát hiện trên cho thấy Australia là nơi tuyệt vời để các loài động vật tiến hóa và tìm nơi ẩn náu sau các cuộc tuyệt chủng hàng loạt".

Nhóm nghiên cứu của ông cho rằng, phát hiện trên có thể sẽ “viết lại quá trình tiến hóa của các loài động vật lưỡng cư ở Australia”.

Hóa thạch của loài động vật kỳ lạ này sẽ được trưng bày toàn thời gian tại bảo tàng Australia vào cuối năm nay.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/australia-giai-ma-thanh-cong-hoa-thach-tung-sinh-song-cach-nay-khoang-247-trieu-nam-237827.html