Australia khiếu nại lên WTO về thuế lúa mạch của Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Thương mại Simon Birmingham cho biết, Australia đưa ra kháng nghị chính thức lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày thứ Tư (16/12), nhằm xem xét lại quyết định của Trung Quốc về việc áp đặt mức thuế cao đối với lúa mạch của Australia.
Australia đệ đơn khiếu nại lên WTO về việc Trung Quốc áp đặt mức thuế cao đối với lúa mạch của Australia - Ảnh: AP
Thừa nhận việc kháng cáo có thể mất nhiều năm mới được giải quyết, ông Birmingham nói rằng, Australia sẽ yêu cầu tham vấn chính thức với Trung Quốc về vấn đề bán phá giá và các mức thuế khác đối với lúa mạch Australia trong bối cảnh căng thẳng thương mại và ngoại giao ngày càng gay gắt giữa hai nước.
Khi các mối quan hệ trở nên xấu đi trong năm nay sau khi Canberra đề xuất một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch virus Corona, lần đầu tiên được báo cáo ở miền Trung Quốc vào năm ngoái, Bắc Kinh vào tháng 5 đã áp đặt 5 năm thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tổng cộng 80,5% đối với lúa mạch của Australia.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao dịch thương mại trị giá hàng tỷ đô la của lúa mạch Australia với Trung Quốc.
Australia phủ nhận cáo buộc trợ cấp sản xuất lúa mạch địa phương và Bộ trưởng Birmingham cho biết Australia sẽ tìm kiếm sự can thiệp chính thức từ WTO.
“Australia có một cơ sở cực kỳ mạnh mẽ để bảo vệ tính toàn vẹn và độc quyền của những người trồng ngũ cốc và sản xuất lúa mạch của chúng tôi”, Birmingham nói.
Đại sứ quán chính phủ Trung Quốc tại Australia đã không trả lời yêu cầu bình luận trực tiếp về vấn đề này. Hiện cũng không rõ quyết định kháng cáo lên WTO của Australia sẽ có hiệu lực như thế nào.
“Vấn đề với mặt hàng lúa mạch này của WTO là sẽ mất nhiều thời gian. Thông thường sẽ mất hơn một năm, có thể là hai năm”, Peter McCawley, một nhà kinh tế tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết.
“Vì vậy, theo một cách nào đó, lời kêu gọi lên WTO mang tính biểu tượng hơn là thực sự có hiệu lực tức thì. Nó thực sự chỉ là Australia đang đào sâu và gửi thêm một tín hiệu đến Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, tôi nghĩ họ sẽ không quan tâm lắm. Không có giải pháp dễ dàng nào cho tình huống này”, McCawley nói.
Bên cạnh lúa mạch, than đá cũng là một trong những mặt hàng bị tác động bởi mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia - Ảnh: AP
Các mặt hàng khác, từ đồng tới rượu và than
Đơn kháng cáo lên WTO có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng song phương vốn đã chứng kiến việc Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với một loạt mặt hàng của Australia bao gồm đồng, rượu vang, gỗ và tôm hùm, trong bối cảnh giao tiếp ngoại giao bị hạn chế.
Chính phủ Australia đang chịu áp lực ngày càng lớn từ những người trồng ngũ cốc hiện buộc phải tìm kiếm thị trường thay thế - vốn thường không trả nhiều tiền như Trung Quốc - cho các sản phẩm của họ trong 5 năm tới trong khi Bắc Kinh áp đặt hàng rào thuế quan mạnh mẽ.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy, khoảng 70% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Australia đến Trung Quốc.
Việc áp đặt hàng rào thuế quan của Bắc Kinh ảnh hưởng lớn đến những người sản xuất lúa mạch của Australia, nhất là niên vụ này dự kiến đạt gần 12 triệu tấn sau khi mưa làm hồi sinh một số vùng trồng trọt lớn nhất sau những năm hạn hán.
Than đá của Australia cũng đang bị ảnh hưởng bởi những hạn chế của Trung Quốc. Theo hãng tin Bloomberg, hơn 50 tàu chở than của Australia đã bị mắc ngoài khơi Trung Quốc sau khi các cảng được thông báo vào tháng 10 rằng không được dỡ những lô hàng như vậy.
Tờ báo Thời báo Hoàn cầu cho biết, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Bảy dường như đã chính thức hóa những biện pháp hạn chế đó sau khi cho phép các nhà máy điện phê duyệt nhập khẩu than mà không có hạn chế, ngoại trừ từ Úc, trong nỗ lực kiềm chế mức tăng giá.
Australia thúc giục Trung Quốc làm rõ các báo cáo trên phương tiện truyền thông, mà họ cho rằng sẽ vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế nếu chúng là sự thật.
Hôm thứ Ba (15/12), Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết bất kỳ sự chuyển hướng nào của Trung Quốc khỏi nhập khẩu than chất lượng cao của Australia sẽ là một “tổn thất” đối với môi trường và mối quan hệ thương mại của họ.