Australia nỗ lực đảo ngược suy giảm đa dạng sinh học
Theo các nhà khoa học, ngày càng có nhiều loài động, thực vật trên thế giới bị tuyệt chủng do không còn môi trường sống bởi những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, các loài xâm lấn hay bị săn bắt quá mức. Sự mất mát này không chỉ đe dọa tính toàn vẹn của hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng cuộc sống của con người và nền kinh tế của các quốc gia.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự đoán, sự suy giảm đa dạng sinh học và sự sụp đổ của các hệ sinh thái là rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đương đầu trong mười năm tới. Ðể ứng phó thách thức, hầu hết các quốc gia đã thông qua các mục tiêu theo Công ước về đa dạng sinh học nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tuyệt chủng. Bất chấp những mục tiêu đầy tham vọng, các cam kết tài chính thường không được quy định cụ thể. Ðiều này dẫn đến những hành động kém hiệu quả do sự hạn chế về nguồn lực.
Trong ba thế kỷ qua, Australia đã mất hơn 100 loài đặc hữu, nhiều loài hiện cũng có nguy cơ bị biến mất. Trước tình trạng này, Chính phủ Australia và nhiều tổ chức khu vực, quốc tế tiến hành các chính sách, chương trình nhằm duy trì đa dạng sinh học, như xây dựng các khu bảo tồn, qua đó cung cấp nơi sinh sống an toàn cho nhiều loài động, thực vật hoang dã, đồng thời kiểm soát các loài xâm lấn.
Năm 2022, Chính phủ Australia công bố “Kế hoạch hành động vì các loài bị đe dọa: Hướng tới không có loài nào bị tuyệt chủng”. Kế hoạch này vạch ra lộ trình bảo tồn và phục hồi 110 loài ưu tiên, trong đó có các loài biểu tượng như gấu túi, chuột túi… trong 10 năm tới. Các loài này được lựa chọn dựa trên các tiêu chí là nguy cơ tuyệt chủng, tầm quan trọng về văn hóa, sự độc đáo và tính khả thi của công tác bảo tồn.
Dù kế hoạch nêu trên đang được triển khai, song nguồn tài chính cần thiết để đạt được các mục tiêu đề ra gần đây mới được tính toán cụ thể. Theo báo cáo do Ðại học Griffith, Ðại học Queensland và chi nhánh của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Australia công bố, nỗ lực ngăn chặn sự tuyệt chủng của 99 trong tổng số các loài ưu tiên sẽ cần tới 15,6 tỷ AUD mỗi năm.
Con số này cao hơn nhiều mức ngân sách mà Australia hiện phân bổ cho kế hoạch. Trong báo cáo, các nhà nghiên cứu cũng liệt kê các biện pháp nhằm bảo đảm môi trường sống cho các loài này. Trong đó, diệt cỏ dại và phủ xanh thảm thực vật được xem là một trong những giải pháp tốn kém nhất.
Các tác giả của báo cáo nhận định, nỗ lực mà Chính phủ Australia đang triển khai sẽ khả thi nếu nhận được đủ nguồn lực. Bởi, con số nêu trên chỉ tương đương gần 1% GDP của Australia. Dù vậy, tiến sĩ Michelle Ward, chuyên gia thuộc Ðại học Griffith, Trưởng nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, đây mới chỉ là nỗ lực bước đầu.
Theo bà Ward, việc đảo ngược sự suy giảm, phục hồi môi trường sống, kiểm soát dịch bệnh và các mối đe dọa khác đòi hỏi khoảng 103,7 tỷ AUD mỗi năm. Nỗ lực xóa tên hoàn toàn các loài trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng sẽ tiêu tốn tới 157,7 tỷ AUD mỗi năm.
Bà Ward còn lo ngại rằng, bất kể số tiền bỏ ra là bao nhiêu, 16 loài, trong đó có nhiều loài ếch, được đánh giá là không thể đưa ra khỏi danh sách, phần lớn do tác động của biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Romola Stewart thuộc chi nhánh của WWF tại Australia nhận định, danh sách các loài bị đe dọa ngày một kéo dài cho thấy nguồn lực cho công tác bảo tồn là chưa đủ. Lo ngại phải chứng kiến nhiều loài trượt dốc đến bờ vực tuyệt chủng, bà Stewart kêu gọi Australia tiếp thêm nguồn lực và tăng cường hành động nhằm xoay chuyển thảm kịch trong tương lai.