Australia nỗ lực xoay trục sang ASEAN tìm 'những đồng cỏ xanh hơn'
Thực tế phũ phàng là trao đổi kinh tế của Australia với các quốc gia ở Đông Nam Á đơn giản là không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của khu vực.
ASEAN là tổ chức ngoại giao hàng đầu trong khu vực và Australia đã ra tín hiệu rằng nước này muốn dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn để làm sâu sắc thêm mối quan hệ với khu vực – đặc biệt là quan hệ kinh tế.
Các nhà ngoại giao Australia đã tích cực làm việc trong những năm gần đây nhằm xây dựng mối quan hệ chiến lược và (trong một số trường hợp) quốc phòng với các nước trên khắp Đông Nam Á. Nhưng thực tế phũ phàng là trao đổi kinh tế của Australia với các quốc gia ở đây đơn giản là không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của khu vực.
Hội nghị đặc biệt
Nhằm khôi phục vị thế là một đối tác kinh tế quan trọng của Đông Nam Á, Australia sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt với các nhà lãnh đạo đến từ ASEAN vào ngày 4-6/3 tại thành phố Melbourne.
Hội nghị mang đến cơ hội đặt nền móng cho điều mà Thủ tướng Australia Anthony Albanese gọi là “tương lai kinh tế” của đất nước ông ở Đông Nam Á. Sự kiện cũng đánh dấu nửa thế kỷ kể từ khi Canberra trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN.
Đây không phải là lần đầu tiên Australia tổ chức một sự kiện như thế này. Dưới thời Thủ tướng Malcolm Turnbull, các nhà lãnh đạo ASEAN đã được tiếp đón tại Sydney vào năm 2018.
Lần này, hội nghị hứa hẹn sẽ có sự tham gia của các lãnh đạo kỳ cựu trong khu vực, như Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong), cũng như các nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhiệt huyết như Thủ tướng Campuchia Hun Manet.
Phía Australia mong muốn có thể tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế ở Melbourne, nhưng thực tế có vẻ là Thủ tướng Albanese và các quan chức Chính phủ Australia phải dành ít nhất một nửa nỗ lực là để thuyết phục các doanh nghiệp Australia đầu tư vào khu vực, thay vì thuyết phục Đông Nam Á mở cửa cánh cửa.
Một ghi chú về kế hoạch hội nghị mà Đài ABC (Australia) tiếp cận được cũng nói rõ rằng ông Albanese sẽ không đến hội nghị “tay không”, báo hiệu sẽ có một loạt “tập hợp các sáng kiến” giúp củng cố và làm sâu sắc hơn sự hợp tác ASEAN-Australia.
“Đồng cỏ xanh hơn”
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào tháng 9 năm ngoái ở Jakarta (Indonesia), ông Albanese đã trình bày báo cáo có tựa đề “Invested” về chiến lược kinh tế Đông Nam Á của Australia đến năm 2040, báo hiệu sự quan tâm của chính quyền ông trong việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư với các nước láng giềng gần nhất trong khu vực.
“Đây là nơi quyết định vận mệnh kinh tế của Australia và là nơi sự thịnh vượng chung của chúng ta có thể được xây dựng. Đây là nơi, cùng nhau hợp tác, hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực này – và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – có thể được đảm bảo”, ông Albanese nói vào thời điểm đó.
Invested – hiện được biết đến rộng rãi với tên gọi “Báo cáo Moore”, do chủ ngân hàng đầu tư Nicholas Moore dẫn đầu, người được cho là đã xây dựng dấu ấn tại Châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Macquarie – phác thảo cách các quốc gia thành viên ASEAN đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của các đối tác kinh tế truyền thống của Australia và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Tuy nhiên, tỉ trọng thương mại của Australia trong khu vực đã bị trì trệ trong 2 thập kỷ và tính đến năm 2022, khu vực này chỉ chiếm chưa đến 3% đầu tư nước ngoài của Australia, vốn đã giảm hơn một nửa trong 5 năm trước đó.
Thêm vào đó là căng thẳng với Trung Quốc kể từ đại dịch Covid-19 và nhu cầu của Australia trong việc tìm kiếm “những đồng cỏ xanh hơn”, không chỉ để tiếp tục tăng trưởng mà còn để “giảm thiểu rủi ro”. Tất cả khiến việc Australia “xoay trục” sang Đông Nam Á dường như là một điều đương nhiên không có gì để bàn cãi.
Điều kỳ lạ là trong khi tỉ trọng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu của ASEAN đã tăng hơn gấp đôi trong một thập kỷ lên 17,3% vào năm 2022, thì phần đóng góp của Australia vào lĩnh vực này lại bị thu hẹp. Không chỉ đầu tư truyền thống trong nội bộ ASEAN hay các đối thủ nặng ký như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang dẫn trước Australia, mà cả các doanh nghiệp Pháp và Hà Lan cũng vậy.
“Các doanh nghiệp Australia có rất nhiều điều để cung cấp. Đồng thời, họ cũng còn nhiều việc phải làm để xây dựng ‘Năng lực châu Á’ nhằm hỗ trợ việc mở rộng sang các thị trường mới”, ông Leigh Howard, Giám đốc Điều hành của Công ty tư vấn Asialink Business có trụ sở tại Melbourne, nói với Straits Times, lưu ý rằng Australia không phải là quốc gia duy nhất cạnh tranh để tham gia vào khu vực này.
“Cách tương tác, thúc đẩy mối quan hệ và xây dựng sự hiểu biết sâu sắc hơn về thị trường địa phương... sẽ rất quan trọng đối với sự thành công của các doanh nghiệp Australia khi dấn thân vào Đông Nam Á”, ông Howard cho biết.
Minh Đức (Theo Straits Times, ABC Net News, Reuters)