Australia phát triển học viện cho học sinh từ chối đến trường
Học viện Hester Hornbrook được thiết kế dành riêng cho học sinh không muốn học tại trường chính thống.
Sau dịch Covid-19, xu hướng học sinh từ chối đi học tại Australia tăng vọt.
Năm 2023, số lượng học sinh rời trường công lập, sang đăng ký các trường ngoài công lập tại Australia đã tăng hơn gấp đôi. Riêng tại Học viện Hester Hornbrook, thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia, năm 2018, nhà trường có 170 học sinh nhưng dự kiến đạt 421 học sinh trong năm nay.
Do nhu cầu tuyển sinh lớn, nhà trường dự kiến mở thêm 2 cơ sở nữa tại Werribee vào năm 2025 và Donnybrook vào năm 2027. Nhà trường tuyển sinh đối tượng từ 15 - 25 tuổi.
Hiệu trưởng Sally Lasslett cho biết: “Nhiều học sinh nhà trường đã từ chối đi học trong 6 năm. Nếu một bạn trẻ sống trong ngôi nhà có bạo lực gia đình thì việc đến trường, tập trung học tập, cư xử lễ phép thực sự rất khó khăn. Chúng tôi hỗ trợ những học sinh này bằng mọi cách”.
Từ chối đi học là hiện tượng học sinh muốn đến trường nhưng không thể do các vấn đề về cảm xúc hay hoàn cảnh. Đó có thể là những học sinh mắc chứng rối loạn thần kinh, bị bắt nạt hoặc không thể hòa nhập với môi trường công lập.
Mô hình của Học viện Hester Hornbrook đang hỗ trợ tích cực không chỉ cho học sinh mắc chứng từ chối đi học mà còn giảm gánh nặng cho cha mẹ các em. Mô hình này được triển khai trên sự phối hợp và đầu tư của các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Trong đại dịch, số lượng này tăng vọt. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến việc trẻ từ chối đến trường là sự công bằng trong học tập khi đại dịch xảy ra, chẳng hạn như khả năng tiếp cận công nghệ hoặc hỗ trợ tại nhà.
Theo thống kê từ bang Victoria, tỷ lệ học sinh từ chối đến trường đã tăng 50% trong ba năm từ 2018 - 2021. Riêng năm 2021, số lượng học sinh vắng mặt trong các trường công lập là gần 12.000 em.
Tuy nhiên, con số thực có thể cao hơn bởi dịch Covid-19 đã gây nhiều căng thẳng, nhất là với học sinh chuyển tiếp giữa các cấp học. Nhiều học sinh vì thi không đỗ hoặc không muốn tham gia các kỳ thi đã quyết định bỏ học sớm.
Theo bà Sally Lasslett, khi các trường học chính thống không thể cung cấp chương trình học cá nhân hóa các nhu cầu cụ thể của học sinh, Hester Hornbrook sẽ can thiệp.
Học sinh tại Học viện Hester Hornbrook được học theo sở thích và nhu cầu như học lập trình, xây dựng kênh podcast... nhằm đảm bảo tính cá nhân hóa cao. Học sinh hoàn thành chương trình học được cấp chứng chỉ tương đương học sinh THCS truyền thống.
Mắc chứng động kinh và tâm thần phân liệt, nữ sinh Eritrea Alemayo Temesghen, 18 tuổi, đã nghỉ học tại trường phổ thông và đăng ký vào Hester Hornbrook.
Nữ sinh chia sẻ: “Tôi có thể bỏ lại tất cả căng thẳng ở trường cũ để đến đây và học. Các thầy cô nhìn vào bên trong và cố gắng hiểu tôi. Tôi muốn trở thành nhà tâm lý học vì tôi muốn giúp đỡ những đứa trẻ giống mình”.
Trên thực tế, tại nhiều địa phương ở Australia, phụ huynh phải nghỉ việc hoặc giảm số giờ làm để ở nhà và chăm sóc những đứa trẻ không chịu đi học. Họ không yên tâm bỏ mặc con ở nhà.
Trong trường hợp này, đáng lẽ ra các gia đình cần được hỗ trợ nhiều hơn thông qua các chương trình nuôi dạy con cái hoặc chính sách của Chính phủ, Bộ Giáo dục Australia. Vì vậy, sự xuất hiện của mô hình như Hester Hornbrook được ghi nhận và đánh giá cao.
Theo The Age