Australia phát triển kỹ thuật bảo quản vaccine ở nhiệt độ môi trường
Một kỹ thuật bảo quản bảo quản vaccine ở nhiệt độ môi trường đang được các nhà khoa học Australia phát triển đã thu được những kết quả ban đầu rất hứa hẹn.
Sau ba năm nghiên cứu, các nhà khoa học tại Australia đã tìm ra phương pháp bảo quản vaccine hoàn toàn mới, có thể đảm bảo chất lượng của vaccine trong môi trường 37 độ C mà không cần các thiết bị bảo quản lạnh chuyên dụng.
Theo Tiến sĩ Daniel Layton, nhà khoa học thuộc Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp của Australia (CSIRO), một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát triển thành công vật liệu tinh thể hòa tan hay còn gọi là khung hữu cơ kim loại (MOF) giúp bảo quản vaccine ở nhiệt độ môi trường mà đảm bảo chất lượng ổn định trong 12 tuần.
Tiến sĩ Layton cho biết, các nhà khoa học dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm kỹ thuật này tại những nơi có nhiệt độ cao hơn, như tại các nước đang phát triển hoặc tại các vùng sâu vùng xa, những nơi mà việc vận chuyển vaccine hiện rất khó khăn.
Cũng theo Tiến sĩ Layton, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Australia hiện đã được công bố trên tạp chí khoa học Acta Biomaterialia. Với thành công ban đầu được thực hiện trên một số loại vaccine sử dụng công nghệ virus sống dùng cho động vật thì kỹ thuật mới này hoàn toàn có thể được sử dụng để bảo quản các loại vaccine sử dụng cho người như vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật đang phát triển để bảo quản 2 loại vaccine dùng cho gia cầm. Kết quả là với công nghệ mới, các chuyên gia đã bảo quản thành công vaccine ở nhiệt độ 37 độ C trong vài tuần, trong khi thông thường các vaccine này chỉ dùng được trong vài ngày nếu không được bảo quản lạnh.
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cho biết, khung hữu cơ kim loại là vật liệu hoàn hảo để bảo vệ vaccine khỏi các tác động có hại của nhiệt độ và kỹ thuật mới sẽ giúp việc bảo quản vaccine của thế giới trở nên rất đơn giản và hiệu quả về chi phí.
Với những kết quả đạt được cho đến nay, các nhà khoa học kỳ vọng phương pháp này sẽ được sử dụng để bảo quản vaccine thú y trong từ 3 đến 5 năm tới, nhưng để sử dụng cho các loại vaccine dùng cho người thì sẽ cần khoảng 10 năm.
Hiện tại, hầu hết các loại vaccine đều yêu cầu bảo quản trong môi trường lạnh, thậm chí là lạnh sâu tới âm 70 độ C như vaccine Covid-19 được phát triển theo công nghệ mRNA của hãng Pfizer hay âm 20 độ C đối với các vaccine của Moderna và AstraZeneca.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng vì yêu cầu bảo quản rất khắt khe để đảm bảo chất lượng của vaccine, trong khi không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có tiềm lực để trang bị các thiết bị cấp đông hay các loại tủ lạnh chuyên dụng, nên hàng năm thế giới phải vứt bỏ đến 50% số vaccine được sản xuất./.