Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây hệ thống pin dự trữ năng lượng tái tạo

Đại diện các chuyên gia đến từ Australia khẳng định sẵn sàng chia sẻ, phối hợp với Việt Nam về lưu trữ năng lượng và thu hồi carbon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Cơ quan thương mại và Đầu tư chính phủ Australia (Austrade), Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Australia về chuyển dịch năng lượng 2023.

Đây là chuỗi hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Australia và Việt Nam trong năm 2023. Diễn đàn thảo luận về quá trình chuyển đổi năng lượng của hai nước, đồng thời giới thiệu các công nghệ và giải pháp năng lượng mới từ Australia.

Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski cho biết, Australia từ lâu đã là một trong những đối tác năng lượng lớn nhất của Việt Nam, đã hỗ trợ Việt Nam trong đường dây truyền tải 500KV đầu tiên nối các nguồn điện miền Bắc với miền Trung và miền Nam từ đầu những năm 1990.

"Năm nay, khi chúng ta kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nền kinh tế xanh đại diện cho cơ hội lớn tiếp theo trong quan hệ đối tác kinh tế của chúng ta. Sự mở rộng và chuyển đổi nhanh chóng của ngành năng lượng Việt Nam mang đến cơ hội để phát triển mối quan hệ thương mại và đầu tư trong tương lai".Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski

Việt Nam và Australia cùng hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0

Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, thủy điện và nhiệt điện chiếm tỷ lệ lên đến 80%, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 13%. Australia cũng có cơ cấu nguồn điện tương tự khi 70% phụ thuộc vào nhiệt điện.

Ông Simon Roz, từ Bộ Biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và nước của Chính phủ Australia (DCCEEW) cho rằng, hệ thống lưới điện của hai quốc gia khá tương đồng, cùng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, chủ yếu là điện than.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và nước của Australia, 10 năm qua, nước này đã chứng kiến sự chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ từ than đá sang năng lượng tái tạo. Cụ thể, sản xuất điện mặt trời quy mô nhỏ tăng trưởng bình quân 28%/năm, sản xuất điện gió tăng 15%.

Gần đây, các trang trại năng lượng mặt trời quy mô lớn ở Australia đã bắt đầu mở rộng nhanh chóng. Sản xuất năng lượng mặt trời quy mô lớn đã tăng từ mức không đáng kể trước năm 2016 lên 4% tổng sản lượng điện của Australia vào năm 2021, thể hiện tốc độ tăng trưởng 5 năm là 1,747%.

Sản xuất năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ cao kỷ lục trong tổng công suất phát điện của Australia trong 3 tháng cuối năm 2022, cung cấp trung bình hơn 40% điện năng trong lưới điện chính của quốc gia.

Giống như Việt Nam, Chính phủ Australia đã cam kết hành động vì khí hậu, với mục tiêu giảm 43% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 và bằng 0 vào năm 2050.

Do đó, các chuyên gia Australia khẳng định, với những thành công trong chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo cùng những thành tựu về pin lưu trữ và công nghệ hybrid, Australia luôn sẵn sàng chia sẻ, phối hợp với Việt Nam về lưu trữ năng lượng và thu hồi carbon.

Hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống pin dự trữ năng lượng

Tại phiên thảo luận của diễn đàn, các chuyên gia cho rằng thay vì phụ thuộc nhiều vào hệ thống lưới điện, truyền tải điện, với năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, việc sử dụng các trạm lưu trữ độc lập, sau đó phân phối loại năng lượng này tại chỗ, như tại các trạm sạc xe điện hay tại các hầm mỏ, là những giải pháp sử dụng tối đa năng lượng tái tạo, đồng thời giảm phát thải carbon ra môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Hiện tại, ở Việt Nam, các đường dây truyền tải dài có thể bị tắc nghẽn lưới điện vào những khung giờ cao điểm, buộc phải cắt giảm nguồn điện từ năng lượng tái tạo và làm tăng chi phí năng lượng. Giải pháp lưu trữ tại các trạm điện độc lập, sử dụng pin lưu trữ sẽ giúp tối đa hóa công suất sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là một trong những giải pháp nổi bật đang được áp dụng ở Australia.

Pin dự trữ năng lượng là giải pháp khả thi để tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo, phòng khi thời tiết khắc nghiệt các nhà máy không thể hoạt động hoặc lượng điện tạo ra không tiêu thụ hết ngay lập tức.

Hai công ty từ Australia đã giới thiệu các sản phẩm pin dự trữ năng lượng công nghệ cao.

Theo đó, hệ thống pin của Magellan có thể dự trữ năng lượng ở quy mô gia đình hay xây dựng các trạm điện độc lập. Chia sẻ với báo chí, ông Masoud Abshar, Giám đốc điều hành Công ty Magellan Power cho biết, hệ thống trạm điện độc lập có thể phù hợp với quy mô nhỏ lưu trữ từ kW lên đến quy mô lớn lưu trữ MW, tránh lãng phí điện năng từ năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, sản phẩm pin Vanadi của Ultra Power Systems phù hợp với các không gian nhỏ, đòi hỏi độ an toàn cao và chống cháy nổ. Pin Vanadi đang được sử dụng tại các khu vực hầm mỏ ở Australia.

"Công nghệ pin lithium, pin Vanadi và một số pin khác để lưu trữ năng lượng sạch. Các pin này có thể sử dụng lâu dài đến 20 năm, không giảm hiệu suất sử dụng và không có hại tới môi trường", ông Paul Hersey, Giám đốc vận hành Công ty Ultra Power Systems chia sẻ.

Bên cạnh đó, phái đoàn của Australia cho biết sẽ nghiên cứu giải pháp tối ưu hóa vận hành lưới điện thông minh, nhà máy điện ảo, tiết kiệm năng lượng và ứng dụng số hóa doanh nghiệp trong chuyển đổi năng lượng, cũng như hệ thống chứng chỉ xanh, công nghệ khử carbon...

Bà Rebecca Ball, Tham tán Thương mại và Đầu tư Cấp cao Chính phủ Australia (Austrade) cho biết, phái đoàn lần này sẽ giúp các doanh nghiệp Australia và Việt Nam tăng cường liên kết kinh doanh, đồng thời xác định các cơ hội thương mại và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và đóng góp vào hợp tác kinh tế song phương.

“Năng lực của Australia trong chuỗi cung ứng năng lượng sạch và các dịch vụ đi kèm cũng có thể giúp Việt Nam quản lý quá trình chuyển đổi to lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Điều này sẽ đặt nền móng cho các mối quan hệ kinh tế hai nước trong những thập kỷ tới”, bà Rebecca Ball nói.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/australia-san-sang-ho-tro-viet-nam-xay-he-thong-pin-du-tru-nang-luong-tai-tao-post19646.html