Australia sẽ kiện Trung Quốc ra WTO

Australia sẽ khiếu nại Trung Quốc với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Bắc Kinh áp đặt mức thuế cao đối với lúa mạch xuất khẩu của họ, một dấu hiệu nữa cho thấy mối quan hệ xấu đi giữa hai đối tác thương mại lớn.

Lúa mạch là một trong những mặt hàng chủ lực của Australia

Lúa mạch là một trong những mặt hàng chủ lực của Australia

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nói hôm thứ Tư rằng chính phủ nước này đã thông báo cho các đối tác ở Bắc Kinh về ý định “yêu cầu tham vấn chính thức với Trung Quốc”. Ông nói: "Để giải quyết tranh chấp có thể mất nhiều thời gian, nhưng tổ chức (WTO) nên nhận ra rằng thuế quan (của phía Trung Quốc) không được củng cố bởi thực tiễn và các bằng chứng”.
Ông Birmingham nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ đưa ra yêu cầu chính thức lên WTO vào tối nay. Các quy trình giải quyết tranh chấp của WTO không hoàn hảo và mất nhiều thời gian, nhưng cuối cùng, đó là con đường thích hợp cho Australia”.

Trung Quốc đã áp thuế lúa mạch của Australia với mức hơn 80% từ tháng 5 sau khi cáo buộc nước này bán phá giá ngũ cốc và trợ cấp cho người trồng lúa. Theo ước tính của tập đoàn nông sản GrainGrowers, các nhà sản xuất Australia có thể chịu thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đô la Australia (1,9 tỷ USD) trong vòng 5 năm tới vì quyết định này.

Bộ trưởng Birmingham, được Bloomberg dẫn lời, nói: “Dựa trên bằng chứng, dữ liệu và phân tích đã tổng hợp lại, Australia rất tự tin về vụ này”.

Tại một cuộc họp báo thường lệ ở Bắc Kinh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận cụ thể về vụ việc và nói các phóng viên liên hệ với bộ phận liên quan. Một đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc trước đó cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Việc giải quyết tranh chấp của WTO thường kéo dài và kết quả sẽ không được biết trong ít nhất vài tháng. Một trường hợp kiện cáo gần đây liên quan đến Trung Quốc và Mỹ đã mất khoảng hai năm, khi một hội đồng ra phán quyết vào tháng 9 vừa rồi rằng Mỹ đã vi phạm các quy định toàn cầu khi áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2018 khi Canberra cấm tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc xây dựng mạng 5G vì lý do an ninh quốc gia. Mọi thứ còn tồi tệ hơn trong năm nay sau khi chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của coronavirus. Bắc Kinh cáo buộc Canberra là con rối của Mỹ và can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Đó là một sự đảo ngược rõ rệt từ những nồng ấm trước đó. Australia chào đón chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2014 và đôi bên đã ký một hiệp định thương mại tự do toàn diện một năm sau đó.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tung ra một loạt biện pháp hạn chế thương mại đối với các sản phẩm của Australia bao gồm đồng, rượu vang, gỗ và tôm hùm, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao đang xấu đi. Trong khi một số sản phẩm, như rượu vang đã bị đánh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, những sản phẩm khác bao gồm tôm hùm và gỗ tròn lại phải đối mặt với sự chậm trễ của hải quan hoặc các loại rào cản khác.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/australia-se-kien-trung-quoc-ra-wto-1765230.tpo