Australia sẽ thay đổi chính sách đối ngoại?
Chỉ còn hơn một tháng nữa, vào ngày 21.5, người dân 'xứ chuột túi' sẽ bắt đầu đi bỏ phiếu để lựa chọn liên đảng Tự do - Quốc gia bảo thủ đương nhiệm hay Công đảng đối lập đứng ra sẽ chèo lái đất nước. Mặc dù, khả năng quản lý kinh tế là vấn đề cử tri quan tâm, nhưng những chính sách đối ngoại của đất nước cũng được đưa ra vì nó đóng vai trò lớn trong quá trình xây dựng Chính phủ, cũng như ảnh hưởng đến quan hệ của Australia với quốc tế.
Tương quan lực lượng trước thềm bầu cử
Theo TTXVN, cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Nhật báo The Australian thực hiện sau một tuần diễn ra chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử liên bang sắp tới tại Australia cho thấy, Công đảng tiếp tục nhận được tỷ lệ cử tri ủng hộ cao hơn liên đảng Tự do - Quốc gia, nhưng tỷ lệ hài lòng của cử tri đối với lãnh đạo Công đảng lại sụt giảm mạnh. Trong khi đó, theo kết quả thăm dò dư luận Newspoll, được công bố hôm 18.4, 53% cử tri được hỏi cho biết họ ủng hộ Công đảng so với tỷ lệ 47% ủng hộ liên đảng đang cầm quyền.
Xét trên tổng số phiếu bầu, cả Công đảng và liên đảng Tự do - Quốc gia đều nhận được tỷ lệ phiếu bầu thấp, điều đó làm tăng suy đoán về khả năng Australia sẽ có một Quốc hội “treo” sau cuộc bầu cử vào ngày 21.5. Tỷ lệ cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho Công đảng giảm một điểm phần trăm so với kết quả thăm dò vào tuần trước, xuống còn 36%; tương tự, tỷ lệ này cũng giảm một điểm phần trăm, xuống 35%, đối với liên đảng Tự do - Quốc gia. Ngoài ra, có tới 29% cử tri tuyên bố sẽ bầu cho một đảng nhỏ hoặc ứng cử viên độc lập. Trong khi đó, tỷ lệ cử tri hài lòng với lãnh đạo Công đảng Anthony Albanese giảm 5 điểm phần trăm xuống 37% và tỷ lệ không hài lòng tăng 6 điểm phần trăm lên 51%.
Ngược lại, mức độ hài lòng với Thủ tướng Scott Morrison, lãnh đạo đảng Tự Do, tăng một điểm lên 43%, và tỷ lệ không hài lòng đối với ông giảm hai điểm phần trăm xuống 52%. Đánh giá về năng lực của hai nhà lãnh đạo, cuộc thăm dò dư luận được tiến hành từ ngày 14 - 17.4 cho thấy, có tới 44% cử tri Australia đánh giá ông Morrison sẽ xuất sắc hơn ông Albanese trong vai trò Thủ tướng, trong khi chỉ có 37% tin rằng ông Albanese sẽ làm tốt hơn.
Một cuộc thăm dò dư luận khác, Resolve, được công bố trên nhật báo Sydney Morning Herald hôm 17.4 cho thấy, tỷ lệ cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho Công đảng trong cuộc bầu cử tới giảm 4 điểm phần trăm xuống còn 34%, trong khi tỷ lệ này tăng từ 34% lên 35% đối với liên đảng Tự do - Quốc gia. Số cử tri mong muốn ông Morrison làm Thủ tướng cũng nhiều hơn so với đối thủ của ông, với tỷ lệ 38 - 30%.
Chính sách đối ngoại sẽ thay đổi?
Theo EAF, trước thềm bầu cử, các vấn đề như an ninh quốc gia và quan hệ với Trung Quốc được Chính phủ liên đảng sử dụng để cố gắng tạo lợi thế trước Công đảng đối lập, bên cạnh các chủ đề được quan tâm khác như phục hồi kinh tế, tài chính hay sức khỏe sau đại dịch Covid-19. Mặc dù lâu nay, chính sách đối ngoại hiếm khi đóng vai trò nổi bật trong các cuộc bầu cử ở Australia
Tháng 2.2022, Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton khẳng định, Trung Quốc đang “hỗ trợ” cho Công đảng trong cuộc bầu cử năm nay. Theo sau đó là một luồng bình luận của các thành viên liên đảng cho rằng, đảng đối lập sẽ “mềm mỏng với Trung Quốc”.
Với việc liên đảng liên đảng Tự do - Quốc gia nhanh chóng khai thác nhận thức trong cử tri rằng phe đối lập sẽ nhẹ giọng hơn trong vấn đề an ninh quốc gia, Công đảng buộc phải phản chiếu phần lớn chính sách quốc phòng và an ninh của liên đảng.
Thực tế, các chính sách của hai bên về Trung Quốc khá tương đồng, cùng thể hiện thái độ cứng rắn đối với "đất nước gấu trúc", và nếu có khác biệt chủ yếu là ở tông giọng hơn là nội dung. Nếu Công đảng giành được chính quyền vào tháng 5, họ sẽ ít sử dụng biện pháp ngoại giao qua loa trong các giao dịch với Trung Quốc và khu vực, cũng như có xu hướng tìm kiếm tái kết nối dần dần. Cuối năm nay đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Australia - Trung Quốc, mang đến cơ hội trao đổi tích cực song phương. Và Công đảng sẽ có nhiều khả năng nắm bắt nó tốt hơn Chính phủ liên đảng.
Các nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu sẽ có bất kỳ sự quay lưng đáng kể nào đối với việc an ninh hóa chính sách đối ngoại của Australia sau cuộc bầu cử hay không. Điều này vẫn còn bỏ ngỏ, trong bối cảnh Australia đã thay đổi đáng kể trong cách thực hiện chính sách đối ngoại từ sau cuộc bầu cử trước.
Ảnh hưởng của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) không còn được mạnh so với các cơ quan an ninh khác trong Chính phủ liên đảng, không còn khả năng định hình các khía cạnh quan trọng của chính sách đối ngoại. Thủ tướng Morrison thường tập trung vào Ủy ban An ninh quốc gia (NSC) để thảo luận các vấn đề chính sách đối ngoại. Các nội dung đệ trình lên NSC được các Bộ trưởng và quan chức từ tất cả các ban và cơ quan liên quan, bao gồm cả DFAT thảo luận. Tuy nhiên, tiếng nói và các mối quan tâm của DFAT không được NSC chú ý nhiều. Dưới thời Thủ tướng Morrison, một số cân nhắc ngoại giao đã bị bỏ qua, thay vào đó, tập trung vào lợi ích trong quan hệ của Australia với các đối tác chiến lược quan trọng trong khu vực và thế giới.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào NSC trong việc hình thành chính sách đối ngoại cũng đang làm gia tăng sự không chắc chắn của quá trình hoạch định chính sách. Một số nhà bình luận nhận định, ảnh hưởng yếu đi DFAT trong quá trình hoạch định chính sách có nghĩa là Australia ít có khả năng phát triển chính sách dài hạn cũng như cân nhắc về mặt chiến lược dựa trên các dữ kiện thực tế.
Công đảng từ lâu đã đề cập về việc “tăng cường hoạt động ngoại giao của nước này trong khu vực”. Chính trị gia hàng đầu về ngoại giao của đảng này là Penny Wong từng cam kết bổ nhiệm một “đặc phái viên ASEAN”, và nếu đảng thắng cử vào tháng 5 tới. Bà Wong vốn có tiếng nói mạnh mẽ trong đảng, nên chắc chắn sẽ bảo đảm vị trí của DFAT mạnh mẽ hơn trong việc hoạch định chính sách. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh của Australia cũng đã củng cố vị thế của họ trong việc xây dựng chính sách đối ngoại. Do đó, câu hỏi về liệu Công đảng có sẵn sàng và có thể đối phó với thách thức an ninh hóa chính sách đối ngoại này nếu họ thành lập được chính phủ hay không vẫn còn cần thời gian trả lời.