Australia tài trợ chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long
Dự án TRVC sẽ hỗ trợ chuyển đổi trên 200.000ha sang sản xuất lúa phát thải thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời nâng cao sinh kế của các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở khu vực này.
Sáng 16/1, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức Hội thảo công bố Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" (TRVC).
Dự án được Tổ chức Phát triển Hà Lan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang triển khai từ năm 2023 đến năm 2027.
Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC, cho biết dự án này triển khai trong 5 năm, được Đại sứ quán Australia tài trợ 16 triệu đôla Australia (AUD).
Dự án TRVC dự kiến sẽ hỗ trợ chuyển đổi trên 200.000ha sang sản xuất lúa phát thải thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời nâng cao sinh kế của các hộ nông dân sản xuất nhỏ ở khu vực này, từ đó, góp phần thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với Tăng trưởng Xanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030."
Ngoài ra, dự án cũng cung cấp phần thưởng khuyến khích bằng tiền mặt cho những người tham gia và đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, với lượng phát thải được các cơ quan kiểm định độc lập kiểm định; cải thiện các phương pháp canh tác và chuỗi cung ứng.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng là một trong những tác nhân gây phát thải khí nhà kính nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong các nguồn gây phát thải.
Trong những năm gần đây, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã gây ra những tổn thương cho đất đai, cây trồng và con người, làm cho việc canh tác lúa gạo gặp nhiều khó khăn, suy giảm về năng suất và thu nhập của người trồng lúa.
Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo điều kiện, cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật để duy trì và phát triển bền vững nghề trồng lúa, tạo thu nhập ổn định cho nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình hành động về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành trồng trọt và lúa gạo gồm nhiều yêu cầu, nội dung nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất bền vững.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính phủ Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện thiện chí và quyết tâm đóng góp vào mục tiêu xanh của toàn cầu, thể hiện ở việc đã ký quyết định ban hành triển khai thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắng với Tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" với mục tiêu tổ chức lại ngành hàng lúa gạo sản xuất ổn định và phát thải thấp bền vững môi trường và thân thiện.
Vì thế, Dự án TRVC góp phần tạo động lực để thu hút các công ty trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia liên kết sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô lớn. Kết quả của dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với Tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2027 và sẽ được tiếp tục mở rộng trong các năm sau.
Cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bà Cherie Russell, Tham tán Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Australia kỳ vọng sản xuất lúa ở Việt Nam sẽ phát triển thịnh vượng theo hướng xanh và toàn diện, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận của hạt gạo Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu có giá trị cao - những nơi đang ngày càng thúc đẩy việc nhập khẩu các sản phẩm carbon thấp.
Dự án TRVC dự kiến sẽ triển khai đầu tiên từ vụ lúa Hè Thu năm 2024./.