Australia từ chối cam kết loại bỏ than đá, đề cao công nghệ phát thải thấp

Australia đã từ chối cùng hơn 40 quốc gia tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) tham gia cam kết loại bỏ dần than đá. Cam kết được sự ủng hộ của 5 trong số 20 nước sử dụng điện than lớn nhất là Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam, Ba Lan và Ukraine.

Toàn cảnh Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn cảnh Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi được hỏi về lập trường của Australia, Bộ trưởng Năng lượng và giảm phát thải Angus Taylor cho biết Chính phủ Australia không muốn “xóa sổ” các ngành công nghiệp, mà thay vào đó tập trung cắt giảm chi phí cho các công nghệ phát thải thấp và đảm bảo những công nghệ đó có thể mang lại lợi ích cho người dân Australia và các nước khác. Ông nói ưu tiên này của Australia nhằm thúc đẩy mọi doanh nghiệp và đối tác nước ngoài trên khắp thế giới áp dụng công nghệ mang lại hiệu quả giảm phát thải. Việc phổ biến công nghệ mới không thể xảy ra trong “một sớm, một chiều” và Australia sẽ tự đi trên con đường riêng của mình để đạt được các mục tiêu về khí hậu.

Ông Richie Merzian, cựu quan chức ngoại giao về các vấn đề khí hậu của Australia và hiện là Giám đốc Chương trình Khí hậu và năng lượng của Viện Australia, cho biết các cam kết mới về than đá tại COP26 là “chưa từng có” và sẽ ảnh hưởng đến Australia.

Hơn 40 quốc gia, trong đó có cả các quốc gia sử dụng điện than nhất thế giới, đã tích cực vận động và cam kết sẽ chấm dứt việc sử dụng điện than vào năm 2030 đối với các quốc gia phát triển và năm 2040 với các quốc gia đang phát triển. Ngoài ra, khoảng 20 quốc gia và tổ chức lớn, bao gồm Mỹ, Canada và Anh, cũng cam kết không cấp tài chính cho các dự án năng lượng hóa thạch ở nước ngoài từ cuối năm sau. Ngoài Australia, các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc sẽ chấm dứt hoặc ấn định thời hạn loại bỏ điện than.

Phát biểu ngày 4/11 tại COP26, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Mathias Cormann, đã kêu gọi các nước chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ông nhấn mạnh cần phải có “hành động chính sách toàn diện hơn về khí hậu” để biến tham vọng chính trị, được thể hiện rõ nét tại COP26, trở thành “kết quả thực sự”. Điều đó bao gồm việc phải loại bỏ ngay các “biến dạng” làm chuyển hướng đầu tư khỏi quá trình chuyển đổi sang không phát thải ròng.

Dữ liệu của OECD chỉ ra rằng hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất nhiên liệu hóa thạch tại 50 nền kinh tế phát triển và mới nổi đã tăng 5% vào năm 2020.

Diệu Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/australia-tu-choi-cam-ket-loai-bo-than-da-de-cao-cong-nghe-phat-thai-thap-20211105114104984.htm