'Avatar 2' chia rẽ khán giả và giới phê bình
Bom tấn khoa học viễn tưởng lớn nhất 2022 ngay khi công chiếu đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới nội dung và kịch bản.
Avatar: The Way of Water là một trong số phim của James Cameron bị chuyên gia trên trang Rotten Tomatoes đánh giá thấp nhất. Tuy nhiên, tác phẩm lại nhận được phản hồi rất tích cực của khán giả.
Hai luồng ý kiến trái chiều
“Phù thủy phòng vé” James Cameron dắt túi nhiều dự án phim chất lượng trong những thập kỷ qua. Trong đó, Titanic (1997) và Avatar (2009) đã trở thành 2 trong số bom tấn có doanh thu cao nhất mọi thời đại.
Tái xuất sau một thời gian dài, Avatar 2 chính thức công chiếu và nhận được sự quan tâm. Dẫu vậy, tác phẩm này lặp lại lịch sử của phần phim trước đó khi gây khá nhiều tranh cãi.
Trên chuyên trang đánh giá Rotten Tomatoes, bộ phim nhận về số điểm 79% từ các chuyên gia, đạt chứng nhận “cà chua tươi”. Dù không phải mức điểm thấp nhưng con số này vẫn khiến nhiều khán giả bất ngờ. Bởi lẽ, họ từng kỳ vọng Avatar 2 nhận được đánh giá khả quan hơn.
79% chỉ là mức điểm trung bình thấp so với các dự án khác của Cameron, thậm chí kém hơn cả phần phim trước (82%). Trong khi đó, vị đạo diễn này có nhiều tác phẩm nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ phía các chuyên gia. Đơn cử, Aliens (1986) đạt mức 98% hay The Terminator (1984) chạm mốc 100% - một số điểm hoàn hảo danh giá.
Nhận xét về Avatar: The Way of Water, cây bút Larushka Ivan-Zadeh của Metro Newspaper (UK) viết: “Dù hình ảnh và kỹ xảo gây choáng ngợp, nhưng rốt cuộc, bộ phim chỉ giống như một chuyến tham quan công viên giải trí kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ”. Hay Peter Bradshaw, nhà phê bình khó tính của The Guardian, đánh giá bộ phim mới của Cameron là "một cái màn hình chờ sũng nước, sướt mướt với giá trị bị đội lên cả tỷ đô".
Trái ngược với giới phê bình, khán giả lại đánh giá tích cực về Avatar 2 với mức điểm rất cao, lên tới 94%. Con số này vượt qua cả phần phim tiền nhiệm (82%), biến Avatar 2 trở thành một trong những phim được yêu thích nhất của Cameron, chỉ xếp sau Terminator 2: Judgement Day (95%).
Trên nhiều diễn đàn, khán giả không ngừng tán dương dự án này và gọi đây là “kiệt tác điện ảnh”. Với kinh phí đầu tư “khủng” lên tới 350-400 triệu USD, James Cameron đã chiêu đãi thượng đế ra rạp bằng bữa tiệc đồ họa hình ảnh không thể hoành tráng, ấn tượng hơn.
Lý giải tranh cãi
Tương tự Avatar (2009), The Way of Water gây chia rẽ người xem và giới chuyên gia là một điều không khó đoán. Bởi, bản thân đạo diễn từng nhận định “gu thẩm mỹ” của mình rất giản dị và đại chúng. Vậy nên câu chuyện ông kể chỉ “lạ”, không phức tạp. Và điều này dĩ nhiên chưa đủ để chiều lòng giới phê bình.
Không nhiều đột phá so với phần tiền nhiệm, Avatar 2 vẫn trung thành với cốt truyện đơn giản, có phần dễ đoán. Nội dung phim chủ yếu xoay quanh cuộc chiến khốc liệt giữa gia đình Jake Sully và “người trời” - những bộ mặt đại diện cho tư tưởng xâm lăng của chủ nghĩa đế quốc.
Khác biệt ở chỗ, để tránh nhàm chán, đạo diễn quyết định “nhúng nước” kịch bản. Không chỉ dắt khán giả tới khám phá lòng đại dương kỳ vĩ, ông còn tạo thêm nhiều nút thắt xoay quanh câu chuyện về tình cảm gia đình. Với khẩu vị sáng tạo trên chất liệu cơ bản, Avatar 2 mang trong mình ngôn ngữ làm phim đặc trưng của Cameron. Tác phẩm kéo dài suốt hơn 3 giờ, được xây dựng trên cấu trúc ba hồi kinh điển của điện ảnh. Nhịp phim được điều chỉnh tốt, phân hóa cung bậc cảm xúc rõ rệt qua từng giai đoạn.
Dẫu vậy, kịch bản “mỏng” vẫn là điểm trừ của bom tấn này trong mắt các chuyên gia. Dù được kết nối và dàn xếp mạch lạc, nhưng chuỗi mắt xích tình tiết chưa đủ “nặng ký”, chưa “đã”. Một số ý kiến cho rằng, với thể loại khoa học viễn tưởng, việc để người xem lường trước diễn biến là một sự thất bại trong công tác biên kịch bộ phim.
Chưa kể, phản diện Avatar 2 dường như vơi hẳn sức hút đối với khán giả. Nếu như Quaritch thành công tạo dựng áp lực mạnh mẽ xuyên suốt Avatar (2009), màn tái sinh của nhân vật này trong phần hai không để lại nhiều cảm xúc cho người xem. Mất đi một “thế lực” đáng gờm, cán cân bộ phim nghiêng hẳn về phía gia đình Jake Sully. Vậy nên, việc phản diện một lần nữa bị đánh bại chẳng mấy bất ngờ.
Cuối cùng, nhiều chuyên gia không hài lòng về thời lượng bộ phim. Kéo dài tới 3 giờ 12 phút, Avatar 2 ghi tên mình trong danh sách phim điện ảnh dài bậc nhất lịch sử. Con số này thậm chí gây đau đầu với chính hãng sản xuất khi các giám đốc điều hành nhiều lần yêu cầu đạo diễn cắt giảm. Thế nhưng, với bộ óc bướng bỉnh và phong cách có phần lập dị, Cameron kiên quyết bảo vệ thời lượng này. Điều đó vô tình đẩy ông vào thế khó khi bị đánh giá “kể câu chuyện nhỏ bằng lối tự sự dông dài”.
Bù lại, khán giả yêu thích Avatar 2 vì tính giải trí - chức năng cơ bản mà một tác phẩm điện ảnh đem lại. Không ngoa khi đánh giá bộ phim này là bữa tiệc giải trí xa hoa nhất nhì mọi thời đại. Đầu tư kinh phí sản xuất khổng lồ, vị đạo diễn tài ba phục vụ người xem những thước phim hoành tráng, mãn nhãn. Chính ông từng thừa nhận: “Nếu Avatar không thành công vang dội như vậy, chắc chẳng có ai dám rót vốn cho tôi thực hiện dự án điên rồ này”.
Cái “điên” của Avatar 2 là việc tập trung nâng tầm trải nghiệm thị giác với từng khung hình, cảnh quay đạt đến mức độ hoàn hảo. Cảnh quan thế giới giả tưởng Pandora hiện ra lộng lẫy và sống động trước mắt khán giả, đặc biệt qua công nghệ Imax và 3D. Điều này khiến cả những cây bút phê bình khó tính nhất phải thán phục, trầm trồ. Theo dõi Avatar 2, người ta hiểu được lý do đằng sau sự tự tin tới ngạo mạn của Cameron khi tuyên bố: “Đặt cạnh phim của tôi, kỹ xảo phim Marvel “không có cửa” để so sánh”.
Dù gây chia rẽ khán giả và giới chuyên gia, Avatar: The Way of Water trở thành siêu bom tấn oanh tạc thị trường điện ảnh giai đoạn cuối năm 2022 là điều không cần bàn cãi. Với khởi đầu thuận lợi như hiện tại, dự án dự kiến sớm vượt mốc hòa vốn và nhanh chóng sinh lời trong tương lai.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/avatar-2-chia-re-khan-gia-va-gioi-phe-binh-post1385658.html