Ðẩy lùi, ngăn chặn tác hại của ma túy

Trong thời gian cuối năm, các lực lượng chức năng, nhất là Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan đang quyết liệt thực hiện các đợt cao điểm, các chuyên án, phá thành công nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy trái phép trên địa bàn cả nước.

Qua đó, thể hiện quyết tâm cao trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với ma túy và tội phạm ma túy, vốn đầy gian nan, nguy hiểm và vất vả. Với tinh thần quyết liệt tấn công tội phạm ma túy, chỉ trong chín tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đấu tranh, phát hiện và bắt giữ hơn 13 nghìn vụ, hơn 20 nghìn đối tượng, thu giữ gần năm tấn ma túy tổng hợp và hơn 500 nghìn viên ma túy tổng hợp, hơn 750 kg hê-rô-in, 571 kg cần sa khô. Những số liệu này cho thấy, nước ta đang phải chịu áp lực rất lớn trước hiểm họa ma túy từ nước ngoài thẩm lậu vào nội địa.

Trước tình hình buôn bán, sử dụng ma túy phức tạp như hiện nay, cuộc chiến "nói không với ma túy" còn nhiều cam go, trong đó, vấn đề nóng đang nổi lên là việc ma túy tổng hợp đang len lỏi vào trường học, rình rập từng nhà, từng ngõ ngách... Trong quá trình điều tra, phá án, lực lượng chức năng đã liên tục thu giữ hàng trăm ki-lô-gam ketamine, phát hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới ẩn dưới vỏ bọc là những viên thuốc, với tên gọi như: cỏ mỹ, viên nữ hoàng, thậm chí là thuốc lào… Những loại ma túy tổng hợp này dễ xâm nhập cuộc sống hơn so với ma túy truyền thống do trá hình dưới nhiều dạng và khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý. Ma túy đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với rất nhiều gia đình và xã hội. Do không kiểm soát được hành vi, người nghiện ma túy đã gây ra những vụ án hình sự thương tâm, gây nhức nhối dư luận. Bên cạnh đó, công tác quản lý người nghiện ngoài cộng đồng tuy đã có những chuyển biến nhưng còn rất nhiều nơi thực hiện chưa tốt, khả năng kiểm soát chưa cao, tiếp tục gây ra những khó khăn, lo ngại trong đời sống xã hội...

Thực tế nêu trên cho thấy, công tác phòng ngừa, ngăn chặn, triệt phá tội phạm ma túy là vấn đề rất quan trọng, là thách thức lớn đang đặt ra đối với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan cũng như đối với toàn xã hội. Ðể làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, các lực lượng chức năng cần không ngừng, cương quyết mở các đợt cao điểm tấn công và trấn áp tội phạm ma túy, không để Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy của tội phạm. Tăng cường nguồn lực, trang thiết bị hiện đại cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, nhằm đáp ứng tốt thực tế đấu tranh với tội phạm ma túy đang diễn ra ngày càng gian nan. Ðáng chú ý, cần triển khai mạnh mẽ, mở rộng hơn nữa công tác đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm ma túy phức tạp tại địa bàn cơ sở; phối hợp các ngành thường xuyên, nghiêm túc kiểm tra, phát hiện, xử lý việc sử dụng ma túy tổng hợp tại các quán bar, nhà hàng, vũ trường… Ðây là những điểm nóng, là vỏ bọc cho rất nhiều đối tượng sử dụng ma túy trái phép và là nơi có thể phát sinh các vụ việc vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quán triệt tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy của các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng, khen thưởng kịp thời những tấm gương tiêu biểu và xử lý nghiêm minh những sai phạm.

Ðối với công tác quản lý người cai nghiện, những năm gần đây, công tác cai nghiện ở nước ta được triển khai theo hướng đa dạng hóa các hình thức: cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện tự nguyện tại trung tâm và cai nghiện bắt buộc tại trung tâm. Thực tế cho thấy, việc cai nghiện là rất khó khăn, tỷ lệ tái nghiện cao, người nghiện ở ngoài xã hội còn nhiều, gây lo lắng trong nhân dân. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp rà soát, phân loại người nghiện ma túy, nhất là người nghiện ma túy đang ở bên ngoài để tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục. Ðối với người nghiện ma túy có đủ điều kiện thì lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật. Rà soát, nhận diện và có các giải pháp phòng ngừa đối với các đối tượng có biểu hiện thường xuyên sử dụng ma túy tổng hợp có thể dẫn đến mất kiểm soát về hành vi để ngăn ngừa các vụ việc phạm tội. Nghiên cứu, tham mưu tiếp tục xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, trong đó bổ sung nội dung về quản lý người nghiện ma túy để tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác này; phối hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cần thực hiện hiệu quả tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đối với thanh niên, thiếu niên. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy; cảm hóa, quản lý, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư… Các gia đình cần quản lý, giáo dục con em cương quyết "nói không với ma túy"; các tổ dân phố, khu dân cư, cộng đồng xã hội cần tích cực tham gia quản lý sau cai, giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Các ngành chức năng, trong đó có Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế… tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, góp phần làm giảm số người nghiện ma túy. Ðấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy và ngăn chặn triệt để tác hại của ma túy đối với cộng đồng là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và toàn thể xã hội phải vào cuộc, xử lý quyết liệt để trả lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng và xã hội và cũng là bảo vệ tương lai của các thế hệ tiếp nối. Ðó là mệnh lệnh hành động!

ĐAN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/42608102-%C3%B0ay-lui-ngan-chan-tac-hai-cua-ma-tuy.html