Ðẩy mạnh hợp tác song phương Mỹ - Mê-hi-cô

Sau thời gian dài không ghi nhận nhiều tiến triển, quan hệ song phương giữa Mỹ và Mê-hi-cô được kỳ vọng sẽ có những đột phá trong tương lai gần khi chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đang rất tích cực củng cố quan hệ đồng minh và đối tác kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn tại cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Mê-hi-cô L.Ô-bra-đô. Ảnh ROI-TƠ

Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn tại cuộc hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Mê-hi-cô L.Ô-bra-đô. Ảnh ROI-TƠ

Sau thời gian dài không ghi nhận nhiều tiến triển, quan hệ song phương giữa Mỹ và Mê-hi-cô được kỳ vọng sẽ có những đột phá trong tương lai gần khi chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đang rất tích cực củng cố quan hệ đồng minh và đối tác kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới.

Quan hệ giữa Mỹ và Mê-hi-cô đã bị xáo trộn trong những năm qua, nhất là khi Mỹ tuyên bố đóng cửa biên giới với Mê-hi-cô để ngăn dòng người di cư vào Mỹ, đồng thời rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mê-hi-cô và Ca-na-đa. Tuy nhiên, cuộc hội đàm trực tuyến mới đây giữa Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn với người đồng cấp Mê-hi-cô L.Ô-bra-đô đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ song phương. Lãnh đạo hai quốc gia đã thảo luận nhiều chủ đề "nóng" như vấn đề di cư, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, Thỏa thuận thương mại Mỹ - Mê-hi-cô - Ca-na-đa (USMCA), các biện pháp tăng cường hợp tác…

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề được cả Mỹ và Mê-hi-cô rất quan tâm. Tổng thống G. Bai-đơn khẳng định, với tư cách là nước đi đầu trong chính sách khí hậu, Mỹ sẽ cùng Mê-hi-cô thúc đẩy chương trình nghị sự chống biến đổi khí hậu ở khu vực Bắc Mỹ. Người đứng đầu Nhà trắng cũng mong muốn hợp tác chặt chẽ với Mê-hi-cô để chống dịch Covid-19, điều chỉnh các chính sách biên giới phù hợp với tình hình thực tế. Mỹ và Mê-hi-cô đều đánh giá cao tầm quan trọng của hiệp định USMCA đối với việc tăng cường thương mại cũng như sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trong khi đó, nhằm bảo đảm pháp lý và quyền lợi cho người lao động từ Mê-hi-cô và các quốc gia Trung Mỹ, Tổng thống L.Ô-bra-đô chú trọng tìm kiếm một thỏa thuận về lao động nhập cư với Mỹ. Thỏa thuận này cũng sẽ góp phần quản lý dòng người di cư, vốn là vấn đề làm "đau đầu" chính phủ Mê-hi-cô và Mỹ trong suốt nhiều năm. Trước đó, theo Tổng thống L.Ô-bra-đô, người đồng cấp Mỹ G.Bai-đơn đã cam kết dành bốn tỷ USD để giúp ba quốc gia thuộc khu vực Tam giác Bắc Trung Mỹ, gồm En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la và On-đu-rát, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó hạn chế đáng kể làn sóng di cư.

Chia sẻ quan điểm với Mê-hi-cô về công nhận phẩm giá của người di cư, phía Mỹ cam kết sẽ chung tay giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này, bảo đảm di cư có trật tự, an toàn và hợp pháp. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã có nhiều thay đổi trong chính sách nhập cư so chính quyền tiền nhiệm. Mới đây, đảng Dân chủ đã công bố dự luật nhằm thực hiện kế hoạch của Tổng thống G.Bai-đơn, mở đường cho khoảng 11 triệu người nhập cư không giấy tờ có thể trở thành công dân Mỹ. Dự luật cho phép những người sinh sống và làm việc tại Mỹ từ tám năm trở lên có đủ điều kiện nhập tịch. Một số đối tượng như người làm nông hay trẻ em được đưa tới Mỹ sẽ được ưu tiên tạo điều kiện cấp thẻ xanh. Bên cạnh đó, hàng nghìn người nhập cảnh vào Mỹ theo cơ chế Tình trạng bảo vệ tạm thời (TPS) do bạo lực và thảm họa thiên tai tại quê nhà cũng được hưởng quy chế tương tự. Ước tính, nước Mỹ cần thêm gần 800 nghìn lao động mới mỗi năm.

Những năm qua, vấn đề tìm biện pháp xử lý các nhóm tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia luôn được Mỹ và Mê-hi-cô nhiều lần đem ra thảo luận, tìm hướng hợp tác giải quyết hiệu quả. Trong số này phải kể tới "Sáng kiến Mê-ri-đa", được Mỹ triển khai từ năm 2008 đến nay, hỗ trợ vũ khí, kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực cho các lực lượng an ninh ở Mê-hi-cô và Trung Mỹ nhằm ngăn chặn nạn buôn ma túy. Trong suốt 12 năm duy trì hoạt động, tổng số tiền Oa-sinh-tơn hỗ trợ cho "Sáng kiến Mê-ri-đa" đã lên đến hơn 3,2 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực tới Mỹ và Mê-hi-cô, cũng là hai quốc gia đứng đầu thế giới về số người chết ở châu Mỹ. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Mỹ và Mê-hi-cô được dự báo sẽ tăng trở lại, lên mức 3,5% và 3,7% trong năm 2021, sau khi giảm sâu xuống mức âm 3,6% và âm 9% trong năm 2020. Quy mô cũng như tốc độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ đóng vai trò then chốt trong phục hồi kinh tế, bên cạnh sự hợp tác chặt chẽ và đồng thuận giữa chính phủ hai quốc gia.

HUY VŨ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thegioi/ay-manh-hop-tac-song-phuong-my-me-hi-co-637819/