Ðẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn
ĐBP - Thời gian qua, sản xuất các sản phẩm an toàn, tự nhiên, hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển, hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh; doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân đã chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Xã viên HTX Trang trại Sinh Thái Ðiện Biên chăm sóc rau.
Nhằm đưa ra các giải pháp phát triển sản xuất rau an toàn (RAT) theo hướng bền vững, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai đề tài “Nghiên cứu các giải pháp phát triển sản xuất RAT bền vững trên địa bàn huyện Ðiện Biên”. Trung tâm đã xây dựng mô hình trình diễn với diện tích 7ha tại HTX Trang trại sinh thái Ðiện Biên ở đội 7, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên). Mô hình trồng 10 loại rau, củ, quả gồm: Bắp cải, cà chua, bí đỏ, dưa chuột, mướp đắng, ớt, cải ăn lá, cải bẹ, súp lơ, đỗ.
Ông Nguyễn Quốc Thể, Chủ nhiệm HTX Trang trại Sinh thái Ðiện Biên cho biết: Tham gia thực hiện đề tài của Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi, sản lượng rau của HTX đạt 47 tấn/năm; tạo ra sản phẩm RAT đạt tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Các sản phẩm RAT được HTX liên kết cung ứng cho các trường học nội trú, bán trú của thành phố Ðiện Biên Phủ, một số huyện trong tỉnh và các cửa hàng bán rau sạch trên địa bàn. Cuối năm 2019 HTX Trang trại Sinh thái Ðiện Biên đã khai trương Cửa hàng Chuỗi thực phẩm sạch - An toàn. Do đó hiện nay sản phẩm RAT của HTX có thị trường tiêu thụ ổn định.
Cùng với trồng trọt, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chăn nuôi an toàn sinh học có nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm tỷ lệ dịch bệnh do có biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường; bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng thu nhập.
Trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Tuấn, đội 7, xã Thanh Chăn có quy mô 400 con lợn, hoạt động theo quy trình khép kín, áp dụng khoa học - kỹ thuật. Khu chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, xa khu dân cư, chất thải chăn nuôi được phân loại, xử lý, bảo đảm môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi luôn sạch sẽ, không gây ô nhiễm.
Anh Tuấn cho biết: Chuồng nuôi được tôi trang bị hệ thống làm mát không khí, quạt thông gió, quạt khử mùi, hệ thống nước uống tự động, hầm biogas xử lý chất thải. Tất cả đều được xây dựng theo quy trình khép kín nên vận hành rất thuận lợi, hiệu quả. Hàng ngày, nhân công quét dọn, thay nước uống, nước tắm, thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Lịch tiêm phòng được ghi chép vào sổ cẩn thận. Lợn được nuôi theo công nghệ an toàn sinh học nên không chỉ lớn nhanh, chất lượng thịt tốt tạo ra một thương hiệu “lợn sạch”. Vì vậy bếp ăn trong các trường học nội trú, bán trú của thành phố Ðiện Biên Phủ và một số huyện trong tỉnh rất tin dùng sản phẩm của trang trại.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức xây dựng và xác nhận 19 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương chiếm 0,25% tổng giá trị sản xuất toàn ngành. Các chuỗi sau khi được xác nhận đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Một số chuỗi được mở rộng, phát triển cả về quy mô, sản lượng cũng như thị trường tiêu thụ, nhờ đó giá trị sản phẩm trong chuỗi được nâng lên, giá thành sản phẩm cao hơn với giá ngoài thị trường từ 20 - 30%. Dự kiến trong năm 2020, tỉnh sẽ có từ 2 - 3 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và tăng từ 1 - 2 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn.
Sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo môi trường đang từng bước thay đổi nhận thức của người dân về tái cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.