Ðẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

ĐBP - Năm 2020 là năm cuối kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nhưng đến hết tháng 4, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt thấp; đặc biệt là một số nguồn như: Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn cân đối ngân sách địa phương...

Dự án đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh (xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông) do vướng vào đất rừng nên ảnh hưởng tiến độ giải ngân.

Năm 2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý gần 2.735 tỷ đồng; trong đó, vốn giao năm 2020 hơn 2.279 tỷ đồng và vốn kết dư được phép kéo dài từ năm 2019 sang là hơn 455 tỷ đồng. Thời gian qua, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân chung toàn tỉnh vẫn đạt thấp.

Năm 2020 huyện Ðiện Biên Ðông được giao tổng số vốn kế hoạch hơn 274,3 tỷ đồng; trong đó, lũy kế từ năm 2019 sang là hơn 76,6 tỷ đồng. Ông Trần Văn Ngọc, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Tính đến giữa tháng 4, tỷ lệ giải ngân vốn trên địa bàn huyện đạt 31,4% kế hoạch. Song chủ yếu là giải ngân vốn đối với các công trình, dự án tiếp chi từ năm 2019 sang. Ðối với các dự án mới khởi công năm 2020, đến nay gần như chưa giải ngân được. Nguyên nhân do một số dự án vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm giải ngân, điển hình như: Dự án đường Mường Luân - Co Kham - Na Hát - Páo Sinh trên địa bàn xã Mường Luân. Cùng với đó, thời gian qua, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công các dự án, hầu hết các dự án chưa có khối lượng để giải ngân.

Không chỉ huyện Ðiện Biên Ðông, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các huyện khác cũng đều đạt thấp. Ðến hết tháng 4, toàn tỉnh mới triển khai thực hiện và giải ngân đạt 21,5% so với kế hoạch vốn giao. Một số nguồn vốn giải ngân chậm như: Vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 818,5 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 18,9% kế hoạch; vốn nước ngoài gần 554 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 16%... Ngoài ra, các nguồn vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương; vốn đầu tư theo các chương trình mục tiêu quốc gia; vốn dự phòng từ ngân sách Trung ương được phép kéo dài sang năm 2020; nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020… tỷ lệ giải ngân đều không đạt quá 33,2% kế hoạch giao.

Lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, theo ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư, do những tháng đầu năm vào thời điểm nghỉ tết Nguyên đán; đồng thời diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thực hiện và thanh toán vốn. Một số dự án khởi công mới chưa hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân dự án. Một số chương trình đã được thông báo vốn, tuy nhiên chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, như: Hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi theo Quyết định 2085/QÐ-TTg; điều chỉnh bổ sung Ðề án Sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai bản Tin Tốc, xã Mường Lói (huyện Ðiện Biên)… dẫn đến khó khăn cho địa phương trong công tác triển khai các thủ tục tiếp theo. Bên cạnh đó, một số nguồn vốn kéo dài, đến hết quý I vẫn chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp đã ảnh hưởng chung đến tiến độ giải ngân tổng kế hoạch vốn, như: Vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 3,4% kế hoạch vốn kéo dài; hay vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mới đạt 0,4% kế hoạch...

Theo ông Nguyễn Phi Sông, dự kiến đến hết tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 50% kế hoạch. Ðể đạt mục tiêu đó, thời gian tới các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần phối hợp tập trung công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công, đấu thầu, phê duyệt dự án, dự toán. Ðồng thời, thực hiện nghiệm thu, thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành, không để cộng dồn, kéo dài; linh hoạt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ thi công công trình. Cùng với đó kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình; các tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ. Rà soát nhu cầu, khả năng giải ngân kế hoạch vốn của các dự án; kịp thời đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án hết nhu cầu, không có khả năng giải ngân, chậm giải ngân, tránh kết dư chuyển sang năm sau hoặc bị hủy bỏ kế hoạch vốn.

Ðể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sớm cho ý kiến về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 20 dự án hiện đang vướng vào rừng trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung giao kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của một số chương trình đã được thông báo vốn năm 2020.

Văn Tâm

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/177994/%C3%B0ay-nhanh-tien-do-giai-ngan-von-dau-tu-cong