Không quân Azerbaijan đã nhận được lô tiêm kích JF-17C Thunder Block 3 đầu tiên do Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô của Trung Quốc hợp tác sản xuất với đối tác Pakistan, giá trị hợp đồng là 1,6 tỷ USD.
Hôm 25/9, Tổng thống Azerbaijan - ông Ilham Aliyev đã đích thân tới sân bay Heydar Aliyev để kiểm tra những chiến đấu cơ thế hệ mới vừa được nhập khẩu nhằm thay thế dòng MiG-25 sản xuất từ thời Liên Xô.
Mặc dù hiện tại Baku chỉ thông báo mua 24 chiếc JF-17C Block 3, nhưng các chuyên gia quân sự quốc tế tin rằng dựa trên chi phí của một tiêm kích ở mức 25 triệu USD, thực chất Azerbaijan đã đặt hàng tới 60 máy bay.
Việc tăng cường mua sắm vũ khí trang bị từ các quốc gia thuộc Khối BRICS cho thấy nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang quyết tâm đa phương hóa quan hệ quốc tế, ngoài hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ thì Baku rất tích cực thực hiện chính sách hướng Đông.
Hành động trên của Azerbaijan theo nhận xét nhằm đáp trả việc nhiều nước phương Tây như Pháp và Mỹ thời gian qua đã liên tục có sự ủng hộ về chính trị và quân sự đối với Armenia, khiến Baku cảm thấy lo ngại.
Cần nhấn mạnh rằng tiêm kích JF-17C Block 3 của Trung Quốc mặc dù là chiến đấu cơ giá rẻ thế hệ thứ 4, nhưng lại được tích hợp một số công nghệ thuộc về thế hệ 4+, thậm chí là thế hệ 5.
Cần lưu ý thời gian gần đây nhiều quốc gia khi chuẩn bị gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) thường mua sắm vũ khí trang bị do các quốc gia thuộc khối sản xuất như "món quà ra mắt".
Điển hình như cách đây ít lâu, Saudi Arabia đã mua máy bay vận tải C-390 do Brazil sản xuất thay vì chọn C-130 của Mỹ, rất có thể bước đi của Azerbaijan cũng tương tự khi chọn chiến đấu cơ Trung Quốc.
Đây là điều cần được nhắc tới, bởi trước đó đã có ý kiến nhận xét Tổ chức BRICS sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ liên minh kinh tế để phát triển thành khối quân sự, khi đó vũ khí trang bị do các nước thuộc nhóm sản xuất dĩ nhiên sẽ được ưu tiên.
Nhưng ngoài yếu tố chính trị, rõ ràng tiêm kích JF-17C Block 3 của Trung Quốc có ưu thế rõ ràng về tính năng kỹ chiến thuật và điều kiện bảo hành so với mọi chiến đấu cơ khác.
Khác biệt lớn nhất giữa JF-17C Block 3 với phiên bản Block 2 thế hệ trước nằm ở việc hệ thống điện tử hàng không của nó mạnh hơn nhiều, xoay quanh radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Loại radar AESA do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo này có mã định danh là LKF601E, nó có trọng lượng rất nhẹ chỉ 145 kg, dễ dàng gắn kết cho JF-17C cũng như nhiều chủng loại chiến đấu cơ khác.
Theo giới thiệu, radar LKF601E hoạt động trên băng tần X với băng thông 3 GHz, nó có khả năng phát hiện mục tiêu là máy bay tiêm kích hạng nhẹ từ cự ly 170 km, cự ly này còn xa hơn nếu đối đầu với chiến đấu cơ hạng nặng.
Radar LKF601E có thể theo dõi cùng lúc 15 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 4 trong số đó; lập bản đồ mặt đất cách xa 300 km; nhận diện được tàu chiến có diện tích phản xạ radar 1.000 m2 cách xa 220 km.
Đặc trưng của radar AESA đó là nó có khả năng nhảy tần số rất nhanh, mang lại độ chính xác cao và tránh được các biện pháp đối kháng điện tử của đối phương, khiến năng lực tác chiến của JF-17C Block 3 cực kỳ đáng gờm.
Với radar LKF601E, giờ đây một chiếc tiêm kích hạng nhẹ rẻ tiền như JF-17C Block 3 cũng có khả năng tác chiến chẳng thua kém gì, nếu như không muốn nói là còn trội hơn Su-30SM của Armenia trên một số khía cạnh.
Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng ngoài radar AESA thì tiêm kích JF-17 Block 3 còn được lắp cả động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) đã từng được ứng dụng trên chiến đấu cơ J-10C.
Thông tin cuối cùng cần quan tâm đó là Azerbaijan đã yêu cầu nhà sản xuất Trung Quốc sửa đổi hoặc cung cấp mã nguồn hệ thống điều khiển hỏa lực để mang được các loại tên lửa hàng không do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Việt Dũng