Azerbaijan nhắm tới mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng xanh

Vào cuối tháng 5, hai thỏa thuận được ký kết trong khuôn khổ dự án Hành lang Năng lượng Xanh Biển Đen đã thúc đẩy nỗ lực của Azerbaijan nhằm khẳng định nước này là nhà cung cấp năng lượng quan trọng ở Đông Nam châu Âu, không chỉ với vai trò là nhà sản xuất hydrocarbon mà còn tham gia thị trường điện trong khu vực.

Các nhà điều hành hệ thống truyền tải điện của Azerbaijan, Georgia, Hungary và Romania đã ký bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 5/2024. Ảnh: gse.com.ge

Các nhà điều hành hệ thống truyền tải điện của Azerbaijan, Georgia, Hungary và Romania đã ký bản ghi nhớ hợp tác vào tháng 5/2024. Ảnh: gse.com.ge

Vào ngày 29/5, Azerbaijan, Georgia, Romania và Hungary đã ký thỏa thuận thành lập liên doanh trong khuôn khổ triển khai dự án Hành lang Năng lượng Xanh Caspian-Biển Đen-Châu Âu. Thỏa thuận đầu tiên liên quan đến cáp ngầm dưới biển được ký kết vào năm 2022 và dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào năm 2029. Cáp ngầm Biển Đen sẽ dài 1.195 km và được coi là trụ cột quan trọng của quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, với kế hoạch tích hợp vào thị trường điện nội bộ của EU nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng sau khi Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.Tuyến cáp Biển Đen này có vai trò đặc biệt quan trọng.

Theo đó, nhà điều hành lưới điện Romania Transelectrica đã ký một hợp đồng với nhà điều hành năng lượng Azerenerji của Azerbaijan, Hệ thống Điện lực Nhà nước Georgia và MVM của Hungary để thành lập một liên doanh về năng lượng xanh tại trung tâm Romania do công ty tư vấn CESI S.p.A của Ý giám sát. Việc thành lập một liên doanh mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại năng lượng đã khử carbon dưới dạng điện và hydro giữa Nam Caucasus và EU trong dự án cáp ngầm dưới biển.

Dự án này có tầm quan trọng chiến lược đối với Azerbaijan khi Baku đã nỗ lực để tăng cường ảnh hưởng trên thị trường năng lượng Đông và Nam Âu, chú trọng vào tiềm năng sản xuất và xuất khẩu năng lượng xanh sang châu Âu ngoài dầu và khí tự nhiên. Vào năm 2024, chính phủ Azerbaijan công bố kế hoạch biến các khu vực như Cộng hòa tự trị Karabakh và Nakhchivan thành vùng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Kế hoạch này được vạch ra trước thềm hội nghị COP29, sự kiện khí hậu lớn nhất, ở Baku vào tháng 11/2024.

Việc thúc đẩy chiến lược năng lượng xanh đòi hỏi Azerbaijan phải thể hiện cam kết nhiều hơn trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng phi truyền thống. Vì vậy, Baku đã chọn cách tăng cường vai trò của các công ty năng lượng địa phương ngoài SOCAR nhằm tạo ra một thương hiệu mới cho hoạt động xuất khẩu điện trong tương lai. Như vậy, trong thỏa thuận liên doanh gần đây, Azerenerji, nhà sản xuất điện lớn nhất ở Azerbaijan, sẽ là cổ đông chính. Quyết định này cho phép Azerbaijan giảm vai trò của SOCAR trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, đồng thời tạo cơ hội cho các cơ quan và tổ chức năng lượng địa phương.

Azerbaijan mong muốn đạt được vai trò mới là nhà xuất khẩu điện bên cạnh hình ảnh nhà xuất khẩu dầu khí lớn. Thật vậy, vai trò của nhà sản xuất năng lượng xanh sẽ là một tài sản bổ sung đối với Baku, mang lại cho nước này nhiều không gian hơn cho các hoạt động ngoại giao, nhất là khi mối quan hệ đối tác của họ với EU còn nhiều khó khăn.

Khác với các tổ chức của EU, một số quốc gia thành viên như Bulgaria, Hy Lạp, Hungary và Romania, cũng như các quốc gia ngoài EU, đã phát triển các hình thức hợp tác thực tế với Azerbaijan để tăng thêm khối lượng nhập khẩu khí đốt và năng lượng xanh. Ví dụ, Romania từ lâu đã là đối tác năng lượng hàng đầu của Azerbaijan thông qua SOCAR Trading, công ty con của SOCAR. Do đó, vào tháng 5/2024, Romania đã nhiều lần bày tỏ mong muốn nhập khẩu năng lượng xanh từ Azerbaijan trong khuôn khổ quan hệ đối tác năng lượng lâu dài.

Ngoài sản xuất và xuất khẩu năng lượng xanh, Azerbaijan còn tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ các quốc gia vùng Vịnh giàu có. Với những động lực tích cực gần đây trong lĩnh vực này, có thể nói rằng Bộ Năng lượng Azerbaijan đã trở thành cơ quan chính phủ có ảnh hưởng trong việc thực hiện chiến lược năng lượng xanh, đặc biệt là trong các cuộc đàm phán chuyên sâu với các đối tác nước ngoài.

Theo đó, vào ngày 4/6, Bộ trưởng Năng lượng Parviz Shahbazov, cùng với Công ty Cổ phần Mở AzerEnerji, đã công bố khởi động các dự án nhà máy điện mặt trời Bilasuvar 445 MW, nhà máy điện mặt trời Neftchala 315 MW và nhà máy điện gió Absheron-Garadagh 240 MW hợp tác với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Do đó, khác với những năm trước, khi SOCAR còn là công ty nhà nước duy nhất có ảnh hưởng và quyền lực vô hạn trong tất cả các dự án liên quan đến năng lượng, chính quyền Azerbaijan hiện đã bắt đầu cho phép thành lập các cơ quan nhà nước mới để giám sát chiến lược năng lượng tái tạo của đất nước.

Chiến lược đa dạng hóa quản lý năng lượng sẽ mang lại hiệu quả tốt bằng việc cắt giảm đáng kể nhiệm vụ của SOCAR, cho phép SOCAR tập trung nhiều hơn vào xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Đây dường như là một lựa chọn hợp lý khi Azerbaijan tiết lộ kế hoạch tăng cường vận chuyển khối lượng khí tự nhiên lên tới 12 tỷ mét khối (bcm) vào cuối năm 2024.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/azerbaijan-nham-toi-muc-tieu-tro-thanh-trung-tam-nang-luong-xanh-712990.html