B.1.617: Biến thể Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ nguy hiểm ra sao?

Biến thể B.1.617 của căn bệnh Covid-19 đã tấn công nhiều quốc gia. Vậy, biến thể này đột biến như nào và nguy hiểm ra sao?

Ấn Độ đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến trong tháng này. Số ca nhiễm mới nhiều nhất thế giới, tình trạng hết giường bệnh, hết oxy cho bệnh nhân và thuốc men... tiếp tục kéo dài ngay tại các thành phố lớn như New Delhi và Mumbai.

B.1.617: Biến thể Covid-19 xuất hiện tại Ấn Độ nguy hiểm ra sao?. (Nguồn: Pixabay)

B.1.617: Biến thể Covid-19 xuất hiện tại Ấn Độ nguy hiểm ra sao?. (Nguồn: Pixabay)

Các nhà khoa học sau khi gấp rút tiến hành nghiên cứu đã phát hiện ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh bùng phát bất ngờ này là do một biến thể của virus corona chủng mới, được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ. Biến thể này được đặt tên là B.1.617.

Biến thể B.1.617 có gì khác biệt?

Biến thể B.1.617 chứa hai đột biến chính với tên gọi E484Q và L452R. Cả hai đều đã được phát hiện có trong nhiều biến thể virus corona khác, nhưng đây là lần đầu tiên chúng được ghi nhận xuất hiện cùng nhau.

Đột biến E484Q giống như đột biến E484K trong biến thể Brazil, biến thể Nam Phi và một số chủng biến thể ở Anh. Các nghiên cứu cho rằng, đột biến này làm giảm hiệu quả của các kháng thể được tạo ra bởi các bệnh truyền nhiễm hoặc tiêm chủng trước đó.

Đột biến thứ hai, L452R, trước đây đã được phát hiện trong biến thể California. Tiến sĩ Anurag Agrawal, Giám đốc CSIR-IGIB ở Ấn Độ, cho biết, đột biến này làm tăng khả năng lây truyền virus lên khoảng 20% và làm giảm hiệu quả của kháng thể lên hơn 50%.

Chính vì vậy, B.1.617 được gọi là “đột biến kép”. Nhưng trên thực tế, nó chứa 13 đột biến khác nhau với các biến thể SARS-CoV-2 trước đây.

Mô hình sơ bộ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, B.1.617 có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các biến thể khác ở Ấn Độ, khiến cho tốc độ lây lanh nhanh hơn.

Khi biến thể này mới xuất hiện, WHO mô tả B.1.617 là một "biến thể cần được quan tâm" nhưng không phải là “biến thể đáng quan ngại”. Tuy nhiên, ngày 10/5, WHO đã phân loại B.1.617 ở mức “biến thể đáng quan ngại” cấp độ toàn cầu.

Đáng lo ngại hơn, B.1.617 được phát hiện mang 3 dạng khác nhau, được đánh số thứ tự là B.1.617.1, B.1.617.2, B.1.617.3. Biến thể số 2 hiện đã được phát hiện tại Anh.

Làn sóng Covid-19 thứ hai đã khiến Ấn Độ rơi vào trạng thái 'khủng hoảng'.

Làn sóng Covid-19 thứ hai đã khiến Ấn Độ rơi vào trạng thái 'khủng hoảng'.

Lây lan toàn thế giới

Đợt bùng phát Covid-19 diễn ra gần đây tại Ấn Độ đã tăng lên mức nguy hiểm và một trong những nguyên nhân gây ra làn sóng dịch mới này được xác định là biến thể B.1.617.

Biến thể B.1.617 lần đầu tiên được đăng ký trong cơ sở dữ liệu bộ gen virus toàn cầu vào đầu tháng 10/2020, chỉ hai tuần sau khi phát hiện biến thể B.1.1.7 ở Anh.

B.1.617 hiện đã lây lan ra toàn cầu, xuất hiện ở hàng loạt các quốc gia như Đức, Bỉ, Anh, Thụy Sỹ, Mỹ, Singapore, Fiji và Việt Nam. Theo CNN đưa tin ngày 12/5, biến thể này đã xuất hiện ở 44 quốc gia trên thế giới. Nguồn lây nhiễm chủ yếu đến từ các du khách Ấn Độ.

Hiện tại, biến thể này đang là biến thể thống trị ở bang Maharashtra, nơi có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất của nước này.

Chưa dừng lại ở đó, Ấn Độ không chỉ chịu ảnh hưởng của 1 biến thể duy nhất. Biến thể lần đầu xuất hiện ở Anh mang tên B.117 cũng đang hoành hành ở một số vùng.

Còn một kẻ thù không kém phần nguy hiểm đó là một biến thể khác, B.1.618, đang thịnh hành ở Tây Bengal. B.1.618 cũng cũng được gọi là đột biến ba, do có "sức mạnh hủy diệt" cao gấp ba lần.

Biến thể này hiện vẫn đang được nghiên cứu. Nó thậm chí còn không được phân loại là “biến thể đáng lo ngại”, vì nó không cho thấy bất kỳ khả năng lây lan nhanh hơn hoặc tấn công gây chết người nhanh hơn so với hai bộ ba Maharashtra và Bengal.

Chris Murray, chuyên gia về bệnh dịch đến từ Đại học Washington (Mỹ) cho biết, dữ liệu giải trình từ gen ở Ấn Độ vẫn đang rất thưa thớt và nhiều ca nhiễm cũng được ghi nhận là do các biến thể khác ở Anh và Nam Phi gây ra. Vậy nên, chưa thể kết luận rằng, B.1.617 là nguyên nhân chính gây nên làn sóng dịch mới ở Ấn Độ.

Vaccine liệu có hiệu quả?

Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, phác đồ điều trị và các loại vaccine hiện nay có thể hoạt động hiệu quả chống lại B.1.617. Điều này là do các đột biến chỉ xảy ra ở một điểm cụ thể, còn vaccine lại nhắm vào một số điểm quan trọng.

Vì vậy, ngay cả khi một vị trí cụ thể có dấu hiệu “thoát khỏi miễn dịch” như trong điều kiện phòng thí nghiệm, thì vaccine vẫn có thể nhắm mục tiêu virus và đạt hiệu quả cao.

Đầu tuần này, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết, bằng chứng sơ bộ từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy Covaxin, một loại vaccine được phát triển ở Ấn Độ, có khả năng vô hiệu hóa biến thể này.

Ngày 16/5, hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ tuyên bố, vaccine Covaxin phòng bệnh Covid-19 của hãng này có hiệu quả đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Covaxin có hiệu quả với cả biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và B.1.1.7 phát hiện tại Anh.

Tổ chức Y tế Công cộng Anh đã và đang làm việc với các đối tác quốc tế, nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể Ấn Độ và hai biến thể liên quan là tác nhân khiến tình trạng bệnh nặng hơn hoặc làm cho các loại vaccine đang được triển khai kém hiệu quả hơn.

Chính vì vậy, vaccine vẫn là một công cụ mạnh để chống Covid-19. Nhưng kèm với đó, để bảo vệ cho chính mình, người dân vẫn cần phải thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản như hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn thường xuyên.

(theo ABC)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/b1617-bien-the-covid-19-xuat-hien-lan-dau-tien-tai-an-do-nguy-hiem-ra-sao-145449.html