B'Lao, bước chậm nghe sương...

Người B'Lao chưa bao giờ gọi nơi mình ở là 'xứ sở sương mù' dù sự thực nó là nơi nhiều mưa, ẩm và lắm mù sương nhất ở cái quốc gia bên bờ Biển Đông này.

“Chim rừng bỏ lại sương sầu rục phương” (thơ Krajan Bri)

Ở đây, mỗi khi tan sương là vỡ ra B’Lao, vỡ ra một xứ sở, một vùng núi rừng xa xưa, cao nguyên Maạ huyền ảo giữa rừng rậm nhiệt đới của chín mươi năm trước, và vỡ ra một thành phố cao nguyên nữa, Bảo Lộc. Cái màu trắng nhào với chút xám làm nên thứ sắc tuyết đục của thiên nhiên rải trên mặt đất gầy, làm B’Lao ngửa nghiêng vào mỗi bình minh.

*

Chiều hôm trước có mưa thể nào hôm sau sương cũng lên, và rê ra vài ngày mù sa xứ sở. Sương của buổi mai hôm trước khác buổi mai hôm sau. Sương của mùa khô thoảng chợt và sương của mùa mưa ê hề. Sương của bình minh khác khói nước của chiều tà. Sương của lúc hợp bầy khác sương ở những khắc chia ly. Sương ở những dải đồi Kohinda khác sương chỗ Đại Lào. Sương trong hồ Đồng Nai khác sương ở hồ Mai Thành.

Sương dưới chân núi Da Briam khác sương ở thung lũng Dam Rông. Sương ở trảng trũng bao la Tân Hóa khác sương ở dốc Ánh Mai. Sương ở xóm đạo Lộc Phát khác sương ở giáo xứ Thánh Tâm. Sương qua Lộc Thắng, sương lấn Lộc An, sương vào Lộc Thành, rồi “định cư” dầm dề ở đó.

Có cả những làng người di cư từ Tây Nam bộ sống ẩn dưới những chân đồi phủ lên đầy sương đó. Có những đám trẻ phương xa đi phượt dựng lều trên đồi thâu đêm để chờ sương mai lên ngắm. Có những ngôi chùa mới mọc, tên còn chưa có mà đã nổi tiếng vì nơi đó bỗng dưng thành vị trí đắc địa “hành hương” về với sương... Dày đặc thung lũng là dày đặc những lũng sương, biển sương. Đồi này nối đồi kia là bể sương nọ nối biển sương kia.

Cũng có độ sương bỏ B’Lao đi - là những ngày nắng nóng dài thượt hoặc mưa dầm liên miên, và có lúc sương trở về - là những ngày có đủ nắng mưa, đầu ngày và cuối ngày. Sương như đứa con gái hoang của cao nguyên Maạ với rừng núi đã chết. Sương như nước mắt của những đứa con trai Maạ xả ra vì không còn rừng để lang thang. Sương như mỹ lệ của núi khóc cho những cánh rừng đã thành bóng ma.

Cùng với mây trời, mặt đất, gió, nước, thảo mộc, nắng mưa, sông ngòi, làng mạc, hàng phố... sương là một thứ thân thương, luôn bên cạnh con người. Sương, một hiện tượng tự nhiên thường hằng, là vật chất, bỗng sừng sững trở thành một thứ tinh thần lớn lao nào đó trong nhân tâm. Trò chơi của thiên nhiên, hơi nước, làm nên hồn cốt cao nguyên này.

*

Thân tâm ta đã lỏng ra trong bao mùa sương về đây nương náu. Những buổi sáng ta chạy như đi tìm tình nhân theo trục đường Trần Phú với mắt nhìn dõi qua hở khe giữa những khối nhà vọng xuống thung lũng Nam Phương để nhìn sương ở đó. Ta thốc tháo bước chân trên những ngọn đồi ở Khu Sáu để nhìn những làn sương mỏng đầu tiên liếm qua những đọt trà của dân cày ở hướng Bắc.

Ta cuống cuồng sợ sương ở thung lũng ngã ba Đại Bình kéo nhau hết xuống suối Minh Rồng ở hướng Đông. Ta sợ vuột mất bữa tiệc sương bày ra trên vách núi Đại Bình ở hướng Nam cho dù những buổi sáng ấy áo quần tả tơi vì sương sớm. Ta muốn nuốt cho trọn những dải sương nghèo là đà hai bên bờ suối Đại Lào ở hướng Tây.

Ta muốn tát cho cạn muôn ngàn bể sương ở Lộc Thành nhưng không thể vì dời những ngọn đồi bát úp kia đi là bất khả.

Ngồi thiền trong sớm mai.

Ngồi thiền trong sớm mai.

Và có những ban mai ta từng bước, từng bước lặng thầm trên đồi Hà Giang, quẩn quanh với sương ở đó. Chạy nhanh, để thấy sương. Bước chậm, là để nghe sương. Có cái ghế đá trong vườn của một người B’Lao tốt bụng ở xứ ấy đã cho ta được ngồi bao phen một mình đối diện với sương khuya và tập tành lắng nghe sâu những gì trong Tứ diệu đế của Phật pháp về tự tỉnh thức, giải thoát khỏi cõi thế gian ta bà...

Con người là gì đâu, cứ nhìn sương phủ lên những nghĩa địa len lỏi khu dân cư nội đô hay nghĩa trang bên rìa ngoại ô. Những bụi tàn nằm dưới đất đó, từng trông thấy sương khi còn sống, ra đi, và giờ còn ảo hơn cả sương. Không có cái gì vĩnh cửu cả, ngoài nắng mưa, đất đai, gió lửa, sương khói, và chu kỳ của thế giới tự nhiên.

*

Cái dòng dõi sương mù liu hiu bí ẩn trong rừng thông Đà Lạt ở cao nguyên Langbian giờ không thể bằng dòng dõi sương tưng bừng, lột trần ra giữa trời đất, đều đặn trên cõi xứ như sương cao nguyên B’Lao. Sương Đà Lạt xa hoa đã quá ồn ào son phấn trong một trăm năm qua dù chẳng ăn nhằm gì với sương B’Lao.

Nhà cư dân ở B’Lao.

Nhà cư dân ở B’Lao.

Cái thứ sương nghèo thầm lặng B’Lao nó sang trọng trong cái nghèo và tần tảo thuần nông, không nhiễm du lịch. Thế mà người B’Lao chưa bao giờ gọi nơi mình ở là “xứ sở sương mù”, dù sự thực nó là nơi nhiều mưa, ẩm và lắm mù sương nhất ở cái quốc gia bên bờ Biển Đông này.

Vì vậy mà trà B’Lao ngon nhất nước, nhiều nhất nước. Trên Trái đất này, ở đâu trà ngon mà xứ đấy không phải xứ sương mù và trà ngon ngọt bao giờ chẳng là trà phải sinh trưởng trong sương, ngậm lấy mù sương?

*

Và từ độ cao nguyên Maạ thành cao nguyên sương, những ban mai, cả cái thành phố bé con chìm trong mù sương. Những đồi vườn trà lờ mờ trong sương đục. Tiếng chuông từ những nhà thờ cố len qua sương mà tìm đến tai giáo dân trong các giáo xứ. Nghĩa là thứ thanh âm ấy tắm sương, được thanh tẩy trước khi lay thúc đức tin, gọi ơn, chào đón tín đồ.

“Nghe sương đồng nội rơi trên núi/ Nghe dáng chiều đi lọt dưới khe”, cô gái nào đó đã làm thơ về sương B’Lao kỳ ghê không?

Chiều nay trời lại có mưa. Sớm mai, mùi sương sẽ khác...

Bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/blao-buoc-cham-nghe-suong-24130.html